Gửi kết quả muộn để nhà thầu không kịp kiến nghị?

(BĐT) - Sau khi có văn bản gửi Báo Đấu thầu phản ánh về việc bị “làm khó” trong quá trình đi mua hồ sơ mời thầu (HSMT) các gói thầu máy vi tính để bàn các loại thuộc Dự án Mua sắm tập trung năm 2017 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghệ tỉnh Gia Lai (Ban QLDA tỉnh Gia Lai) làm bên mời thầu...
7 ngày sau khi công bố KQLCNT, bên mời thầu mới gửi văn bản đến cho nhà thầu, khiến nhà thầu không còn đủ thời gian kiến nghị về KQLCNT. Ảnh: Nhã Chi
7 ngày sau khi công bố KQLCNT, bên mời thầu mới gửi văn bản đến cho nhà thầu, khiến nhà thầu không còn đủ thời gian kiến nghị về KQLCNT. Ảnh: Nhã Chi

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sao Việt (Nhà thầu Sao Việt) tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai cũng như các cơ quan liên quan về một số nội dung của HSMT các gói thầu trang bị máy vi tính. Nhà thầu còn phản đối cả cách cung cấp thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) các gói thầu này. 

Bức xúc với nội dung của HSMT

Nhà thầu Sao Việt cho rằng: “Đối với sản phẩm máy vi tính để bàn làm việc là loại thiết bị thông dụng trên thị trường, nhưng Ban QLDA đã đưa các tiêu chí độc quyền vào HSMT”.

Cụ thể, về thông số kỹ thuật của máy vi tính để bàn thuộc Gói thầu số 03 (Cung cấp, lắp đặt máy vi tính để bàn loại 3) đã yêu cầu tính năng tích hợp trên mainboard như sau: Cho phép hệ thống khởi động nhanh bỏ qua kiểm tra Bios đi thẳng vào hệ điều hành Window. Dễ dàng truy cập vào Bios và tinh chỉnh hệ thống. Người dùng không cần mất thời gian tìm kiếm và cập nhật Bios hoặc Driver. Dễ dàng cho phép người dùng và người quản trị hệ thống hiệu chỉnh các thông số như tốc độ quạt, tốc độ CPU, RAM… nhằm tối ưu hiệu năng của toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, HSMT còn yêu cầu máy tính có tính năng cho phép người dùng và người quản trị hệ thống dễ dàng phát hiện các điểm, các linh kiện bên trong máy tính trên mainboard đang trong quá trình bị quá nhiệt bằng hình ảnh trực quan. Từ đó cho phép người dùng thiết lập mức cảnh báo khi nhiệt độ CPU, nhiệt độ hệ thống vượt quá ngưỡng cho phép. Cho phép người dùng điều chỉnh tốc độ quạt để giải nhiệt để cân bằng hệ thống.

HSMT còn yêu cầu máy vi tính có tính năng cho phép khóa cổng USB, chia sẻ file người dùng, truyền đạt thông tin người dùng (SBB). Đồng thời, cho phép người dùng sao lưu và phục hồi dữ liệu quan trọng cần thiết qua M-cloud. Người dùng dễ dàng chia sẻ và liên kết với các thiết bị khác bằng tài khoản trên M-cloud. Tính năng đặc biệt đối với máy vi tính mà HSMT yêu cầu là Debug LED (Báo hỏng CPU, DRAM, VGA bằng trực quan).

Đối với các yêu cầu này của HSMT, Nhà thầu Sao Việt đặt ra hàng loạt câu hỏi. Đầu tiên, Sao Việt đặt nghi vấn các tính năng được nêu trên có tác dụng gì cho người sử dụng? Thứ hai, Sao Việt cho rằng, có hay không việc đưa thêm các tính năng này thì giá trị hàng hóa sẽ cao, tăng ngân sách không cần thiết? Cuối cùng, Nhà thầu Sao Việt cũng quan ngại về việc bên mời thầu đưa các tính năng vào để hạn chế sản phẩm và nhà thầu tham dự các gói thầu hay không? 

Phản ứng dữ dội với cách công bố KQLCNT

Trong khi chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của Ban QLDA tỉnh Gia Lai trả lời về những khó khăn khi mua HSMT (phát hành ngày 6/6/2017), văn bản kiến nghị về một số nội dung của HSMT (ngày 9/6/2017) thì mới đây nhất, Sao Việt tiếp tục có nhiều bức xúc với cách công bố KQLCNT các gói thầu mà nhà thầu này tham gia.

Cụ thể, ngày 28/6/2017, Báo Đấu thầu tiếp tục nhận được văn bản của Sao Việt về kiến nghị KQLCNT các gói thầu 1, 2, 3 thuộc Dự án Mua sắm tập trung do Ban QLDA tỉnh Gia Lai tổ chức. Theo văn bản này, đến thời điểm ngày 28/7/2017, Sao Việt vẫn không nhận được thông báo KQLCNT.

 Ngày 30/6/2017, cung cấp thông tin cho Báo Đấu thầu, đại diện nhà thầu Sao Việt cho biết, vào lúc 10 giờ ngày 30/6/2017, nhà thầu này mới nhận được thông báo của Ban QLDA tỉnh Gia Lai công bố KQLCNT các gói thầu mà mình tham gia. “Chúng tôi có thêm nhiều bất bình với cách công bố thông tin này của Ban QLDA tỉnh Gia Lai. Đầu tiên, văn bản công bố KQLCNT của Ban QLDA tỉnh Gia Lai được công bố ngày 22/6/2017 nhưng đến tận 8 ngày sau chúng tôi mới nhận được văn bản này. Khoảng cách địa lý giữa TP. Quy Nhơn và TP. Pleiku không quá xa để có thể xảy ra điều này (chưa đến 200km). Đó là chưa kể, theo dấu bưu điện đi, chúng tôi nhận thấy, văn bản gửi cho chúng tôi được Ban QLDA tỉnh Gia Lai giao cho bưu điện vào ngày 29/6/2017. Tức là 7 ngày sau khi công bố KQLCNT, bên mời thầu mới bắt đầu gửi văn bản đến cho nhà thầu”.

Nhưng, theo thông tin từ Nhà thầu Sao Việt, dù chậm trễ trong việc gửi KQLCNT cho các nhà thầu dự thầu nhưng Ban QLDA tỉnh Gia Lai đã rất sốt sắng làm thông báo (Thỏa thuận khung mua sắm tập trung) với đơn vị trúng thầu. Theo đó, Sao Việt đã cung cấp cho Báo Đấu thầu thông tin về Thỏa thuận khung số 02/TTK-BQLDA của Gói thầu số 01: Cung cấp, lắp đặt máy vi tính loại 1; Thỏa  thuận khung số 03/TTK-BQLDA của Gói thầu số 02 và Thỏa thuận khung số 04/TTK-BQLDA của Gói thầu số 03 đều được ký ngày 23/6/2017 giữa Ban QLDA tỉnh Gia Lai và nhà thầu công ty TNHH MTV Dotnet có địa chỉ tại Pleiku (Gia Lai). “Chỉ một ngày sau khi công bố KQLCNT thì Ban QLDA tỉnh Gia Lai đã lập tức ký 3 thỏa thuận khung với nhà thầu trúng thầu. Trong khi đó, nhà thầu chúng tôi phải mất gần 10 ngày sau đó mới tiếp nhận được thông báo KQLCNT. Điều này khiến chúng tôi hoàn toàn bị động, không còn đủ thời gian trong việc kiến nghị về KQLCNT nữa”, nhà thầu Sao Việt bức xúc.

Chuyên đề