Gói thầu xây dựng cầu Long Vân 2 (Bình Định): Nhà thầu không phục lý do bị loại

(BĐT) - Không “tâm phục khẩu phục” vì bị loại và bất bình trước cách giải quyết kiến nghị của Chủ đầu tư tại Gói thầu số 1: Xây dựng cầu Long Vân 2, Liên danh Công ty CP Đại Thiên Trường - Công ty TNHH An Nguyên đã gửi kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng để làm rõ.
Gói thầu xây dựng cầu Long Vân 2 (Bình Định): Nhà thầu không phục lý do bị loại

HSMT có thể gây cạnh tranh không bình đẳng

Gói thầu nêu trên  thuộc Dự án Nâng cấp tuyến đường ĐT.639B (đường Tây tỉnh) đoạn Km113+00 - Km145+00, phân đoạn Km137+580 - Km143+787 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Định (Chủ đầu tư) trực tiếp mời thầu. Đây là gói thầu quy mô lớn, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, được đấu thầu rộng rãi trong nước.

Ngày 16/11/2017, Chủ đầu tư đã thông báo về nhà thầu duy nhất đáp ứng bước kỹ thuật và được mở hồ sơ đề xuất tài chính, trong đó có giải thích lý do của 2 nhà thầu bị loại. Ngày 20/11/2017, trong văn bản trả lời kiến nghị của nhà thầu, Chủ đầu tư khẳng định 2 lý do để loại Liên danh nhà thầu kiến nghị. Thứ nhất là do nhà thầu không đáp ứng các yêu cầu về vật liệu cát và đất đắp (đơn vị ký hợp đồng nguyên tắc cung cấp vật liệu cho nhà thầu chưa được cấp giấy phép khai thác mỏ đất trên địa bàn). Thứ hai là không đáp ứng yêu cầu về trạm trộn bê tông nhựa và trạm trộn bê tông xi măng (nhà thầu có thể hiện bản vẽ mặt bằng trạm trộn trong phạm vi công trường nhưng tại thời điểm mở thầu, các trạm trộn của nhà thầu đang đặt tại Gia Lai, Phú Yên nên không đáp ứng yêu cầu về cự ly không quá 40km).

Tuy nhiên, trong văn bản trả lời nhà thầu ngày 27/11/2017, Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẳng định, việc hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu tại thời điểm mở thầu, nhà thầu phải có sẵn trạm trộn bê tông nhựa, trạm trộn bê tông xi măng cách điểm giữa của gói thầu không quá 40 km có thể dẫn đến hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Theo đó, đối với trường hợp này, nếu hồ sơ dự thầu của nhà thầu có tài liệu chứng minh nhà thầu sở hữu trạm trộn bê tông nhựa, trạm trộn bê tông xi măng và nhà thầu có hợp đồng nguyên tắc cung cấp vật liệu cát, đất đắp với đơn vị đã được cấp phép kinh doanh các loại vật liệu này thì nhà thầu được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của vật liệu xây dựng. 

Không xem xét kiến nghị vì chưa nộp phí

Ngày 1/12/2017, Sở KH&ĐT Bình Định đã có văn bản phúc đáp đối với kiến nghị của Liên danh nhà thầu. Theo đó, kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu trên đã được Chủ đầu tư phê duyệt vào ngày 22/11/2017. Đến ngày 24/11/2017, Sở này mới nhận được kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 119 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì “Chủ tịch Hội đồng tư vấn ra quyết định thành lập Hội đồng trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu”, nhưng đến ngày 30/11/2017, Nhà thầu vẫn không nộp chi phí giải quyết kiến nghị cho Bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn theo quy định tại Khoản 5 Điều 118 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Vì vậy, theo đề nghị của Bộ phận thường trực Hội đồng tư vấn đấu thầu, Sở KH&ĐT Bình Định không xem xét, giải quyết Đơn kiến nghị ngày 21/11/2017 của Liên danh nhà thầu theo quy định tại Khoản 2 Điều 120 Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Ngày 5/12/2017, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Liên danh nhà thầu kiến nghị cho biết, sau khi gửi kiến nghị, Nhà thầu không nhận được bất kỳ văn bản nào của Sở KH&ĐT Bình Định thông báo về việc nộp chi phí giải quyết kiến nghị, giá trị nộp bao nhiêu và nộp cho ai. Sau đó, Sở KH&ĐT Bình Định lại ban hành văn bản nêu lý do Nhà thầu không nộp chi phí kiến nghị nên không giải quyết kiến nghị cho Nhà thầu là cố tình né tránh việc giải quyết kiến nghị của Nhà thầu.

Chuyên đề