Gói thầu tư vấn mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: Đề xuất áp dụng trường hợp đặc biệt

(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề xuất áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để lựa chọn nhà thầu tư vấn quốc tế chuyên ngành nghiên cứu quy hoạch và phương án mở rộng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Việc thực hiện gặp nhiều lúng túng

Theo Bộ GTVT, gói thầu thuê tư vấn chuyên ngành nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm để khảo sát, nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất cả về phía Bắc (khu vực sân golf) và phía Nam, có giá trị khoảng 10 đến 15 tỷ đồng. Do giá trị gói thầu vượt hạn mức được áp dụng hình thức chỉ định thầu (gói thầu tư vấn có giá trị dưới 500 triệu đồng) và gói thầu không đáp ứng các điều kiện khác được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu nên việc thực hiện gặp nhiều lúng túng.

Đặc biệt, nếu áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác thì chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục phê duyệt, đăng tải thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu; lập, phê duyệt hồ sơ mời thầu và thông báo mời thầu… với rất nhiều công đoạn, mất ít nhất 3 đến 4 tháng mới có thể ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu để triển khai thực hiện công việc.

Trong khi đó, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 273 ngày 16/6/2017, trong đó giao Bộ GTVT chủ trì thuê tư vấn gói thầu trên thì Bộ GTVT phải khẩn trương báo cáo Thường trực Chính phủ trước tháng 12/2017. Để đảm bảo tiến độ báo cáo Thường trực Chính phủ thì nhà thầu tư vấn quốc tế cần ít nhất 3 tháng để tiến hành khảo sát, nghiên cứu và đề xuất phương án. Như vậy, tới thời điểm hiện tại chỉ còn tối đa khoảng 1 tháng để thực hiện các thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn quốc tế.

Cũng cần nói thêm, theo kế hoạch triển khai xây dựng, Cảng HKQT Long Thành dự kiến đến năm 2025 mới đưa vào sử dụng. Thế nhưng, các công trình của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất lại vượt quá khả năng đáp ứng. Ngoài ra, do hạn chế số lượng vệt lăn nối và đường lăn song song từ sân đỗ tàu bay ra đường cất hạ cánh nên cũng ảnh hưởng đến năng lực điều hành bay dẫn đến việc tắc nghẽn trên bầu trời thường xuyên vào giờ cao điểm, kéo theo việc chậm và hủy chuyến bay. Tình trạng trên không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho các hãng hàng không, giảm chất lượng phục vụ hành khách mà còn tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không.

Áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu là cần thiết?

Bộ GTVT cho rằng, trên cơ sở đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam tại Văn bản số 3674/CHK-KHĐT ngày 7/8/2017 về việc thuê tư vấn quốc tế chuyên ngành khảo sát, nghiên cứu và  đề xuất mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, xét thấy đây là gói thầu cần thiết và cấp bách góp phần giải quyết ùn tắc giao thông trong khu vực và nâng cao năng lực khai thác của sân bay này, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành hàng không dân dụng nên đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu.

Về quy trình, theo Bộ GTVT, cần phải thực hiện một cách đặc biệt với 6 bước cụ thể. Một là, lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu đồng thời với việc lập, thẩm định, trình duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán gói thầu. Hai là, xây dựng và phê duyệt các yêu cầu chính về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, đặc biệt là yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự; yêu cầu về doanh thu; yêu cầu về tài chính; yêu cầu về nhân sự.

Bước ba và bước bốn của quy trình này là: xem xét, đánh giá và chấp thuận nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu; chuẩn bị và gửi thư dự thảo hợp đồng cho nhà thầu được chấp thuận. Riêng hai bước cuối của quy trình này sẽ là: tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng làm cơ sở để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng; tư vấn huy động và thực hiện hợp đồng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT đánh giá các phương án, trong đó có các phương án đã được tư vấn trong nước đề xuất. Trên cơ sở đó đề xuất phương án lựa chọn tư vấn đảm bảo yêu cầu, khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về giảm ùn tắc tại khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất. Theo Bộ GTVT, trong những năm tới, lượng hành khách qua Sân bay Tân Sơn Nhất mỗi năm sẽ tăng trung bình 15% trở lên. Như vậy, đến khi Cảng HKQT Long Thành đi vào khai thác năm 2025, lượng hành khách qua Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ở mức 50 - 60 triệu lượt/năm. Vì vậy, việc cấp thiết hiện nay là phải nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, tiếp tục nâng công suất Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.

Chuyên đề