Gói thầu tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng: Nhà thầu không phục kết quả

(BĐT) - Mặc dù nhà thầu đã có tới hơn 2 văn bản làm rõ hồ sơ dự thầu (HSDT), nhưng Bên mời thầu vẫn không chấp thuận và kiên quyết loại nhà thầu khỏi cuộc thầu. Bức xúc trước “luật chơi” do Bên mời thầu tự đặt ra, Nhà thầu đã lên tiếng.
Nhà thầu cho biết đã gửi 5 văn bản làm rõ HSDT, nhưng Bên mời thầu vẫn không chấp nhận nội dung làm rõ. Ảnh: Lê Tiên
Nhà thầu cho biết đã gửi 5 văn bản làm rõ HSDT, nhưng Bên mời thầu vẫn không chấp nhận nội dung làm rõ. Ảnh: Lê Tiên

Liên tục yêu cầu làm rõ HSDT

Gửi văn bản phản ánh tới Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Đăng Phượng – Giám đốc  Công ty TNHH Kiến Vàng cho biết, Nhà thầu đã gửi 5 văn bản làm rõ HSDT, trong đó có 2 văn bản làm rõ theo đúng yêu cầu của Bên mời thầu. Tuy nhiên, Bên mời thầu vẫn không chấp nhận nội dung làm rõ.

Còn theo ông Lê Trung Thắng, Phó Phòng Tài vụ - Quản trị của Cục Hải quan TP. Hải Phòng, Bên mời thầu đã có 2 công văn yêu cầu nhà thầu làm rõ HSDT. Tuy nhiên, Bên mời thầu cho rằng, văn bản làm rõ lần 1 của Nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu của Bên mời thầu như: không cung cấp được hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu chính. Nhà thầu chỉ cung cấp được các hợp đồng và tài liệu liên quan có xác nhận của nhà thầu chính đối với 2 hợp đồng nhà thầu tham dự với tư cách là nhà thầu phụ. Trong khi đó, theo yêu cầu của Bên mời thầu, Nhà thầu phải gửi kèm theo bản chụp các văn bản, tài liệu liên quan đến hợp đồng mà nhà thầu đã cung cấp (có xác nhận của chủ đầu tư về hợp đồng đã hoàn thành theo các nội dung liên quan).

Do đó, tại văn bản đề nghị làm rõ lần 2, Bên mời thầu tiếp tục đề nghị Nhà thầu cung cấp các hồ sơ, tài liệu chứng minh trong các hợp đồng nhà thầu tham gia với tư cách nhà thầu phụ, trong đó Nhà thầu phải có tên trong danh sách kê khai là nhà thầu phụ trong HSDT của nhà thầu chính; hoặc nếu nằm ngoài danh sách kê khai là nhà thầu phụ trong HSDT của nhà thầu chính thì đề nghị cung cấp các tài liệu chứng minh nhà thầu được chủ đầu tư chấp thuận tham gia gói thầu với tư cách là nhà thầu phụ (cung cấp bản chính hoặc bản sao được chứng thực). Đồng thời, Nhà thầu còn phải cung cấp các tài liệu có xác nhận của chủ đầu tư về hợp đồng đã hoàn thành.

Mặt khác, đối với yêu cầu của HSMT về việc nêu rõ xuất xứ của vật tư, văn phòng phẩm, theo ông Thắng, HSDT và các văn bản làm rõ của Nhà thầu chỉ nêu chung chung có nguồn gốc “hàng Việt Nam chất lượng cao”, mà không nêu rõ là sử dụng giấy Bãi Bằng, hay giấy Indonesia... Mỗi sản phẩm của mỗi nhà sản xuất khác nhau có chất lượng khác nhau. 

Nhà thầu phản ứng với Bên mời thầu

Theo thông tin mà ông Thắng cung cấp, trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, có 4 nhà thầu mua HSMT. Tuy nhiên, chỉ có 2 nhà thầu nộp HSDT và được đánh giá HSĐX kỹ thuật, trong đó Công ty TNHH Kiến Vàng và Liên danh Công ty CP Công nghệ lưu trữ - số hóa tài liệu HT - Công ty CP Tư vấn và dịch vụ khoa học tài liệu Thăng Long. Và thật trùng lặp, theo một khảo sát mới đây của Báo Đấu thầu, Công ty CP Tư vấn và dịch vụ khoa học tài liệu Thăng Long dường như là một nhà thầu “quen”, “bao thầu” các gói thầu chỉnh lý tài liệu của ngành hải quan, khi gần đây nhà thầu này liên tục trúng 6 gói thầu chỉnh lý tài liệu của Cục Hải quan tỉnh Nghệ An; Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa; Cục Hải quan tỉnh Cà Mau.
Phản hồi về đánh giá này của Bên mời thầu, Nhà thầu cho rằng, trong các văn bản làm rõ, Nhà thầu đã kê khai đầy đủ các thông tin về hợp đồng tương tự do Nhà thầu thực hiện theo quy định tại Mẫu số 8 của HSMT. Trong đó, 1 hợp đồng do Nhà thầu thực hiện chính và 2 hợp đồng do Nhà thầu làm nhà thầu phụ. Nhà thầu đã cung cấp bản sao kê tài khoản tiền gửi có xác nhận của ngân hàng về việc nhà thầu chính thanh toán 3 hợp đồng cho Công ty TNHH Kiến Vàng. Nhà thầu cũng bổ sung hóa đơn giá trị gia tăng của Chủ đầu tư và nhà thầu chính thanh toán chi phí thực hiện 3 hợp đồng cho Công ty TNHH Kiến Vàng.

Đối với việc Bên mời thầu yêu cầu Nhà thầu cung cấp Bản sao chứng thực của hợp đồng giữa nhà thầu chính và chủ đầu tư, theo Nhà thầu, điều này là vượt khỏi phạm vi yêu cầu của HSMT và không thuộc phạm vi trách nhiệm của Nhà thầu. Nếu cần có thêm thông tin hợp đồng, thì Bên mời thầu có công văn đề nghị bên thứ 3 cung cấp.

Còn về đề nghị làm rõ xuất xứ của vật tư, văn phòng phẩm, ký mã hiệu, nhãn mác của sản phẩm và các tài liệu kèm theo để chứng minh tính hợp lệ của vật tư, văn phòng phẩm, Nhà thầu khẳng định, HSDT đã nêu rõ từng loại vật tư văn phòng phẩm theo đúng yêu cầu về định mức kinh tế kỹ thuật của Cục Văn thư lưu trữ nhà nước. Tất cả các vật tư, văn phòng phẩm đều có nguồn gốc hàng hóa chất lượng cao do Việt Nam sản xuất. Biểu giá vật tư, văn phòng phẩm được Nhà thầu tổng hợp từ các nhà cung cấp do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố.

Ngoài ra, hai loại vật tư chính là hộp đựng tài liệu và bìa hồ sơ cũng tuân thủ theo tiêu chuẩn của Cục Văn thư lưu trữ nhà nước và trên thực tế hầu hết đều không có mã ký hiệu, nhãn mác sản phẩm và tài liệu thuyết minh sản phẩm, không được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, không có khả năng phân biệt nhãn hiệu theo quy định. “Nếu cần thiết, Bên mời thầu có thể yêu cầu Nhà thầu cung cấp các loại mẫu hộp, mẫu bìa để kiểm tra và đánh giá chất lượng của vật tư, văn phòng phẩm khi thương thảo, ký hợp đồng với Nhà thầu trúng thầu”, Công văn gửi tới Báo Đấu thầu do ông Nguyễn Đăng Phương ký có nhấn mạnh.

Sau nhiều lần cố gắng làm rõ HSDT, chia sẻ với Báo Đấu thầu, Nhà thầu dự cảm mình sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi” là tất yếu, mặc dù theo Nhà thầu, thông tin trong HSDT là đáp ứng yêu cầu của HSMT và quy định của pháp luật về chỉnh lý, lưu trữ tài liệu. Do đó, Nhà thầu mong sớm có sự vào cuộc can thiệp và giải quyết thỏa đáng “nỗi oan” trượt thầu của mình.

Các chuyên gia đấu thầu và các cơ quan chức năng sẽ nói gì về vấn đề này? Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục phản ánh tới bạn đọc trong số báo tiếp theo.

Chuyên đề