Gói thầu mua sữa học đường của Hà Nội: 2 lần sửa đổi hồ sơ mời thầu

(BĐT) - Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đang trong quá trình xin ý kiến của UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng về việc xử lý tình huống trong Lễ mở thầu, làm cơ sở đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) của các nhà thầu tham dự Gói thầu Mua sữa học đường TP. Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2020. 
HSMT sửa đổi yêu cầu về tổng giá trị các hợp đồng cung cấp hàng năm của 4 mặt hàng sữa, thay vì 1 mặt hàng như lần đầu. Ảnh: Lê Tiên
HSMT sửa đổi yêu cầu về tổng giá trị các hợp đồng cung cấp hàng năm của 4 mặt hàng sữa, thay vì 1 mặt hàng như lần đầu. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, điều mà dư luận ít biết là trước khi diễn ra Lễ đóng/mở thầu, Sở GD&ĐT Hà Nội đã 2 lần sửa đổi các tiêu chí của hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu có giá trị hơn 4.000 tỷ đồng này.

Hạ tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu

Gói thầu nêu trên thuộc Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020 sử dụng nguồn vốn sự nghiệp ngân sách TP. Hà Nội, ngân sách các quận trực thuộc và các nguồn vốn hợp pháp khác. Gói thầu được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Có 3 nhà thầu nộp HSDT gồm: Công ty CP Thực phẩm sữa TH; Công ty CP Sữa Việt Nam; Công ty TNHH Thịnh Anh.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã 2 lần có văn bản sửa đổi HSMT. Cụ thể, ngày 21/9/2018, Sở  có Văn bản số 3976/SGDĐT-KHTC sửa đổi HSMT, trong đó sửa một số nội dung về nhà thầu phụ và chỉ tiêu chất lượng chủ yếu trong 100 ml sữa tươi tiệt trùng (có đường hoặc không đường).

Sau đó, ngày 28/9/2018, Sở GD&ĐT Hà Nội lại có Văn bản số 4137/SGDĐT-KHTC sửa đổi HSMT lần 2. Theo đó, trang 35 của HSMT (Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm) thay cụm từ “nhà thầu có tổng giá trị các hợp đồng/đơn hàng cung cấp sữa tươi tiệt trùng bình quân 1 năm tính từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2017 đạt giá trị tối thiểu là 2.100 tỷ đồng” thành “nhà thầu có tổng giá trị các hợp đồng/đơn hàng cung cấp sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi nguyên chất thanh trùng và sữa tươi thanh trùng” bình quân 1 năm tính từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2017 đạt giá trị tối thiểu là 2.100 tỷ đồng”.

Một điểm đáng chú ý khác trong lần sửa đổi HSMT lần 2 là Sở GD&ĐT Hà Nội đã hạ tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu. Theo đó, trang 32 của HSMT (Doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh) thay cụm từ “doanh thu bình quân hàng năm là 3.680 tỷ đồng” trong vòng 3 năm gần đây (2015, 2016, 2017) thành “doanh thu bình quân hàng năm 2.760 tỷ đồng” trong vòng 3 năm gần đây (2015, 2016, 2017). 

HSDT của Công ty CP Thực phẩm sữa TH nêu hiệu lực của HSDT là 180 ngày kể từ ngày 1/10/2018, thiếu 10 ngày so với yêu cầu của HSMT, bởi thời điểm đóng thầu là ngày 10/10/2018. Ảnh: Lê Tiên

Chỉnh sửa HSMT để có thêm nhà thầu tham dự

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội, Tổ trưởng Tổ chuyên gia đấu thầu của gói thầu nêu trên cho biết, sở dĩ Bên mời thầu 2 lần tiến hành chỉnh sửa HSMT là để cập nhật các quy định của Bộ Y tế về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường (Công văn 4801/ATTP-KN ngày 21/9/2018 của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) và Công văn số 437/DDHĐ&NN ngày 17/9/2018 của Viện Dinh dưỡng thuộc Bộ Y tế về việc đề xuất các vi chất trong sữa sử dụng cho Chương trình Sữa học đường.

Trong lần đầu sửa đổi HSMT, Sở GD&ĐT đã nêu chỉ tiêu chất lượng chủ yếu trong 100 ml sữa tươi tiệt trùng như phải đảm bảo theo Quy chuẩn QCVN5-1:2010/BYT của Bộ Y tế về quy chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng; bảo đảm các vi chất dinh dưỡng và hàm lượng theo các quy định liên quan đến sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường…

Theo ông Cẩn, việc chỉnh sửa HSMT tới 2 lần cũng xuất phát từ nội dung kiến nghị của nhà thầu và nhằm tạo điều kiện tăng số nhà thầu tham gia đấu thầu. Nếu vẫn giữ nguyên quy định như cũ, yêu cầu nhà thầu phải có tổng giá trị các hợp đồng/đơn hàng cung cấp sữa tươi tiệt trùng bình quân đạt 2.100 tỷ đồng/năm thì sẽ rất ít nhà thầu đáp ứng được, nên phải sửa lại tổng giá trị các hợp đồng/đơn hàng cung cấp 4 loại sữa tươi, theo đó sẽ có nhiều nhà thầu đáp ứng được yêu cầu này hơn. Việc sửa yêu cầu về doanh thu bình quân hàng năm cũng vậy, mục đích lớn nhất là tạo điều kiện để có nhiều nhà thầu tham gia đấu thầu.

Về việc HSDT của Công ty CP Thực phẩm sữa TH có nêu hiệu lực của HSDT là 180 ngày kể từ ngày 1/10/2018 (trong khi thời điểm mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật là ngày 10/10/2018) thì cán bộ đấu thầu của Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, trong quá trình đánh giá HSDT, Tổ chuyên gia sẽ đánh giá tổng thể tất cả các vấn đề và đưa ra kết luận cuối cùng.

Chuyên đề