Gói thầu do Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư: Nhà thầu có quyền kiện ra Tòa

(BĐT) - Câu chuyện có hay không túi riêng biệt đựng tất cả các hồ sơ đề xuất tài chính (HSĐXTC) đã được niêm phong và ký xác nhận trong quá trình đấu thầu Gói thầu “Cung cấp và lắp đặt nội thất đồ gỗ cho trụ sở mới Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” đến nay vẫn còn tranh cãi giữa bên mời thầu và nhà thầu. Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu và chuyên gia nói gì về trường hợp này?
Gói thầu “Cung cấp và lắp đặt nội thất đồ gỗ cho trụ sở mới Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” áp dụng phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Ảnh minh họa
Gói thầu “Cung cấp và lắp đặt nội thất đồ gỗ cho trụ sở mới Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” áp dụng phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Ảnh minh họa

Hướng dẫn đầy đủ cho nhà thầu

Cục Quản lý đấu thầu vừa có Văn bản số 629/QLĐT trả lời kiến nghị về việc niêm phong, lưu giữ hồ sơ đề xuất tài chính của Công ty CP Mỹ nghệ nội thất Nam Hà  (Nhà thầu Nam Hà).

Theo Cục Quản lý đấu thầu, khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có quyền kiến nghị về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu (bao gồm việc niêm phong, bảo mật HSĐXTC của nhà thầu) với chủ đầu tư, người có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra Tòa án vào bất kỳ thời gian nào theo quy định và quy trình tại Điều 91 và Khoản 1 Điều 92 Luật Đấu thầu 2013.

Theo đó, chủ đầu tư phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu. Trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu không có văn bản giải quyết kiến nghị hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đến người có thẩm quyền trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu. Do đó, trường hợp nêu trên, Nhà thầu Nam Hà đã gửi văn bản kiến nghị về việc niêm phong HSĐXTC đến chủ đầu tư mà chủ đầu tư không có văn bản giải quyết kiến nghị hoặc không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì Nhà thầu có quyền tiếp tục gửi văn bản kiến nghị đến người có thẩm quyền là người quyết định phê duyệt dự án nêu trên hoặc kiện ra Tòa án theo quy định.

Chuyên gia nói gì?

Như Báo Đấu thầu đã phản ánh (số 137 ra ngày 22/7), Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: “Theo hướng dẫn tại Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 và nội dung HSMT tại Điểm đ, Mục 32.2 quy định “Bên mời thầu và các nhà thầu tham dự mở HSĐXKT thống nhất cách niêm phong túi hồ sơ bên ngoài đề “HSĐXTC” “HSĐXTC sửa đổi”, “HSĐXTC thay thế”; cách niêm phong do Bên mời thầu và các nhà thầu thống nhất”. Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn khẳng định: “Cơ sở pháp lý và tài liệu chứng minh “cách niêm phong do Bên mời thầu và các nhà thầu thống nhất” được thể hiện bằng văn bản là hai biên bản mở HSĐXKT và HSĐXTC”.

Trong trường hợp các nhà thầu và bên mời thầu cùng ký lên dấu niêm phong túi riêng biệt đựng HSĐXTC của mỗi nhà thầu thì cũng đạt mục đích là không thể làm thay đổi HSĐXTC của bất kỳ một nhà thầu nào.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu khẳng định, trong tình huống này, phải hiểu đúng bản chất của vấn đề, chứ không nên sa đà vào câu chữ. Bản chất quy định của Luật là chữ ký xác nhận niêm phong vào túi hồ sơ riêng biệt của các nhà thầu tham dự thầu, bên mời thầu, chứ không phải là chữ ký của nhà thầu trong biên bản mở thầu.

Ông Tăng nhấn mạnh thêm: “Quan trọng nhất đối với quy trình mở HSĐXKT và HSĐXTC là chữ ký xác nhận niêm phong của các nhà thầu, bên mời thầu trên túi đựng HSĐXTC chứ không phải là chữ ký trong biên bản mở thầu. Trách nhiệm của bên mời thầu là đảm bảo minh bạch nhất trong toàn bộ quá trình tổ chức đấu thầu. Bên mời thầu phải chứng minh được, túi đựng HSĐXTC đã có đầy đủ chữ ký xác nhận còn nguyên niêm phong của tất cả các bên tham gia dự thầu. Điều này là minh chứng duy nhất để cho rằng không có sự can thiệp làm thay đổi HSĐXTC của bất kỳ nhà thầu nào. Nếu túi đựng HSĐXTC được niêm phong xác nhận đã có chữ ký của 2 nhà thầu dự thầu cùng với bên mời thầu thì bên mời thầu và 1 nhà thầu không thể thay đổi được HSĐXTC. Và nếu nhà thầu chỉ ký xác nhận niêm phong trên túi HSĐXTC của mình thì không có ý nghĩa. Nếu là như vậy, quy trình đã được thực hiện chưa chặt chẽ”.

Vẫn theo ông Tăng, trong trường hợp các nhà thầu và bên mời thầu cùng ký lên dấu niêm phong túi riêng biệt đựng HSĐXTC của mỗi nhà thầu thì cũng đạt mục đích là không thể làm thay đổi HSĐXTC của bất kỳ một nhà thầu nào.

Tuy nhiên, Văn bản của Cục Quản lý đấu thầu một lần nữa khẳng định, căn cứ Điểm đ, Khoản 4 Điều 26 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, đối với gói thầu mua sắm hàng hóa áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, khi mở HSĐXKT thì HSĐXTC của tất cả các nhà thầu phải được bên mời thầu niêm phong trong một túi riêng biệt và được đại diện của bên mời thầu, nhà thầu tham dự lễ mở thầu ký niêm phong.

Chuyên đề