Góc khuất của chủ đầu tư và tư vấn đấu thầu

(BĐT) - Những câu hỏi về trình độ, năng lực của nhiều chủ đầu tư, mối quan hệ giữa chủ đầu tư và tư vấn đấu thầu đang được bóc tách cho thấy nhiều góc khuất từ thực tế công tác đấu thầu. Từ phản ánh của nhà thầu và tiếp cận thông tin từ HSMT có thể thấy nhiều lỗ hổng về chất lượng đội ngũ những người làm công tác đấu thầu ở cấp cơ sở.
Để chấm dứt tình trạng các chủ đầu tư “mang con bỏ chợ”, thuê tư vấn với tâm lý phó mặc mọi thứ, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền. Ảnh: Nhã Chi
Để chấm dứt tình trạng các chủ đầu tư “mang con bỏ chợ”, thuê tư vấn với tâm lý phó mặc mọi thứ, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền. Ảnh: Nhã Chi

Tự nới thang điểm lên... 105

Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM dù được giao là chủ đầu tư của một loạt gói thầu cung cấp dược liệu trong thời gian dài, nhưng hiểu biết về đấu thầu của cán bộ làm công tác đấu thầu ở bệnh viện này vẫn rất hạn chế. Có một nội dung đã được Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nêu ra để thấy trình độ của đội ngũ người làm công tác đấu thầu này còn bất cập như thế nào. Cụ thể, trong nội dung HSMT đã phát hành có nêu Tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật và áp dụng phương pháp chấm điểm với tổng số thang điểm... 105 điểm.

Trong quá trình đánh giá HSDT, bên cạnh thang điểm 105, chủ đầu tư nêu trên đã để xảy ra trường hợp có thành viên vừa tham gia đánh giá HSDT vừa thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu với cùng một gói thầu (nhân sự đánh giá hàng mẫu là thành viên tổ thẩm định). Do đó, Sở Y tế TP.HCM đã khẳng định, việc lập kế hoạch đấu thầu/lựa chọn nhà thầu là chưa phù hợp theo quy định; lập HSMT chưa phù hợp theo quy định và đánh giá HSDT cũng chưa tuân thủ theo quy định. Đối với một chủ đầu tư, tất cả các khâu quan trọng như xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lập HSMT và đánh giá HSDT đều không tuân thủ theo quy định thì toàn bộ công tác đấu thầu ở đây đều có vấn đề. Đây là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc Bệnh viện “chấm” cho nhà thầu yếu kém năng lực, gian dối hồ sơ trúng thầu. Đây cũng là khe hở lớn cho thất thoát, lãng phí ngân sách.

Oái oăm thay, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều chủ đầu tư như trường hợp nêu trên đều có chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ đấu thầu. Để được giao làm chủ đầu tư, tất cả các thành viên tổ chuyên gia đấu thầu đều phải đáp ứng những tiêu chí mà Luật Đấu thầu quy định. Tuy nhiên, với tình trạng bùng nổ cơ sở đào tạo đấu thầu như hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã vô tình bị lừa bởi những khóa đào tạo không đủ chất lượng, hình thức, thậm chí “treo đầu dê bán thịt chó”.

Muôn hình vạn trạng quan hệ chủ đầu tư - tư vấn

Để chấm dứt tình trạng các chủ đầu tư “mang con bỏ chợ”, thuê tư vấn với tâm lý phó mặc mọi thứ, bất chấp đúng sai cho tư vấn thì cần sự vào cuộc quyết liệt với quyết tâm nâng cao chất lượng công tác đấu thầu gắn với trách nhiệm giải trình từ những người có thẩm quyền, các chủ đầu tư và các cấp chính quyền địa phương.
Có thể khẳng định, tư vấn đấu thầu có vai trò rất quan trọng trong công tác đấu thầu, đặc biệt là đối với những chủ đầu tư không đủ điều kiện, năng lực để tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, thực tế lại đang ghi nhận nhiều diễn biến “lệch chuẩn” mà đội ngũ tư vấn đấu thầu đang thể hiện tại nhiều gói thầu. Mối quan hệ giữa các chủ đầu tư và tư vấn cũng muôn hình vạn trạng. Nhiều tư vấn đấu thầu rất “chuyên nghiệp” khi tham mưu, tiếp tay cho các chủ đầu tư cố ý làm sai lệch hiệu quả của công tác đấu thầu, dung dưỡng cho mầm mống tham nhũng, lợi ích nhóm.

Trong khi đó, có nhiều chủ đầu tư thuê tư vấn đấu thầu giúp việc cho mình nhưng lại phó mặc hoàn toàn mọi việc cho tư vấn. Điều này dẫn đến tình trạng: "Nhà thầu không mua được HSMT? Cứ đi hỏi tư vấn. Nhà thầu muốn làm rõ HSMT? Đi mà hỏi tư vấn. Nhà thầu kiến nghị về kết quả đánh giá HSDT? Hỏi ý kiến tư vấn...”.

Tư duy đơn giản của rất nhiều chủ đầu tư khi thuê tư vấn đấu thầu chính là: Đó là việc của tư vấn. Thậm chí, khi Báo Đấu thầu liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư, các đơn vị này vẫn khăng khăng:  “Cứ để tư vấn trả lời. Nếu tư vấn không chịu trả lời thì chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm... giục trả lời giúp”. Và gần như nhận thấy được “bảo bối” này nên nhiều tư vấn hành xử rất quan liêu và hạn chế những nỗ lực làm công tác đấu thầu trở nên minh bạch, hiệu quả hơn.

Có không ít gói thầu, cả chủ đầu tư lẫn Báo Đấu thầu đều phải chờ thông tin trả lời của tư vấn trong thời gian rất lâu mới phản hồi được cho nhà thầu. Lại có trường hợp, dù đã thuê tư vấn thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu và tư vấn thẩm định đã có những đánh giá chuẩn xác, phù hợp với tinh thần của Luật Đấu thầu, nhưng theo nhà thầu tư vấn này chia sẻ với Báo Đấu thầu, ý kiến chuyên môn của họ đã đi ngược với ý chí của chủ đầu tư trong việc chọn nhà thầu nên chủ đầu tư đã bỏ ngoài tai tất cả ý kiến của tư vấn. “Chúng tôi rất tiếc khi không thể thuyết phục được chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu đủ năng lực nhất. Chủ đầu tư đã bất chấp tất cả để chọn một nhà thầu yếu kém về mọi mặt để giao thầu. Đồng tiền ngân sách ở đây đã được sử dụng một cách vô tội vạ” - đại diện một đơn vị tư vấn cho biết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có động thái mạnh mẽ khi ban hành Văn bản số 1873/BKHĐT-QLĐT với mục đích chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong thuê tư vấn làm bên mời thầu, giải quyết triệt để tình trạng "thầy đổ bóng, bóng đổ thầy” khi nhà thầu mướt mồ hôi đi mua HSMT với địa chỉ ma của tư vấn đấu thầu. Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng các chủ đầu tư “mang con bỏ chợ”, thuê tư vấn với tâm lý phó mặc mọi thứ, bất chấp đúng sai cho tư vấn thì cần sự vào cuộc quyết liệt với quyết tâm nâng cao chất lượng công tác đấu thầu gắn với trách nhiệm giải trình từ những người có thẩm quyền, các chủ đầu tư và các cấp chính quyền địa phương.

Chuyên đề