Gia Lai: Hiệu quả đấu thầu vẫn rất thấp

(BĐT) - Báo cáo về tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2017 do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Gia Lai gửi Bộ KH&ĐT mới đây cho thấy, hoạt động tổ chức đấu thầu ở Gia Lai còn quá nhiều yếu kém, dẫn đến hiệu quả trong công tác đấu thầu chưa cao.
Gia Lai: Hiệu quả đấu thầu vẫn rất thấp

Phát hiện nhiều sai phạm từ các đợt thanh, kiểm tra

Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, trong năm 2017, Thanh tra Sở đã thực hiện 5 cuộc thanh tra chuyên ngành tại các huyện Đắk Đoa, Chư Sê, Đắk Pơ, Phú Thiện, Chư Pưh. Số đối tượng thanh tra là 71 đơn vị, xoay quanh nội dung công tác quản lý nhà nước về đầu tư phát triển bằng nguồn vốn nhà nước và các nguồn vốn khác giai đoạn 2015 - 2016, trong đó lồng ghép công tác thanh, kiểm tra về đấu thầu.

Qua thanh tra, đã phát hiện 11 tổ chức vi phạm, trong đó hầu hết chủ đầu tư áp dụng lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức chỉ định thầu đối với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới do UBND xã làm chủ đầu tư, tức là không phù hợp với nguyên tắc thực hiện Chương trình. Đặc biệt, đối với các công trình do Chủ tịch UBND huyện quyết định đầu tư,  các quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật ban hành ghi không đúng quyền hạn của người ký.

Việc lập hồ sơ dự toán còn có sai sót, tính toán một số khối lượng dự toán không đúng thiết kế được duyệt. Không chỉ có vậy, công tác giám sát, đánh giá đầu tư chưa được chủ đầu tư thực hiện đồng đều, thường xuyên trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Cụ thể, nội dung lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư chưa được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày 18/12/2015 của Bộ KH&ĐT. Tổng số tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra là 348.474.000 đồng, đang được đề nghị thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước. 

Năng lực cán bộ còn yếu

Theo đánh giá của Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai, qua các cuộc thanh, kiểm tra nhận thấy đội ngũ làm công tác đấu thầu vẫn còn yếu về năng lực và thiếu về số lượng, nhất là các đơn vị được giao làm chủ đầu tư là các sở, ngành cấp tỉnh; các phòng ban thuộc cấp huyện và UBND cấp xã. Các chủ đầu tư này hầu hết không có nghiệp vụ về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đấu thầu nên chủ yếu đều thuê các đơn vị tư vấn, trong khi các đơn vị tư vấn đấu thầu hiện nay nói chung còn yếu, chưa chuyên nghiệp.

Từ đó xảy ra tình trạng ở một số gói thầu, chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu chưa tuân theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt. Nhiều trường hợp, tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không theo các tiêu chuẩn của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đưa ra. Dẫn đến các khiếu nại về nhà thầu trúng thầu chưa đủ năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính, thiếu nhân lực, máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu để triển khai thi công, làm chậm tiến độ chung của dự án, lãng phí vốn đầu tư.

Trong báo cáo nói trên, Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai thừa nhận, tỷ lệ chênh lệch giá trúng thầu so với giá gói thầu còn thấp, số lượng nhà thầu đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm chưa nhiều, làm cho tính cạnh tranh trong đấu thầu giảm. Trong khi đó, tinh thần trách nhiệm trong tổ chức đấu thầu lại chưa cao, thực hiện chưa đủ quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu trong các bước thực hiện đấu thầu. Vì vậy, bên cạnh việc chỉnh đốn lại tình hình đấu thầu ở địa phương, Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm nâng cấp cơ sở dữ liệu và hạ tầng kỹ thuật Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đồng thời  tổ chức các lớp tập huấn triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng cho các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh này.

Chuyên đề