Gắn thêm tính năng cho hàng hóa khi dự thầu: Bất đồng quan điểm về việc “cài thêm”

(BĐT) - Từ phản ánh của các nhà thầu trong lĩnh vực cung cấp thiết bị tin học, văn phòng như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy in, máy photocopy… cho thấy có tình trạng nhà thầu thường tự cài đặt thêm tính năng (thêm option) thông qua việc can thiệp trực tiếp hoặc qua cổng USB khi dự thầu. Tại sao lại xảy ra hiện tượng này? Nhà thầu nhận kết quả ra sao khi cài đặt thêm tính năng cho hàng hóa?
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gắn thêm option, thêm tính năng qua cổng USB…

Nhiều bộ hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu (HSMT/HSYC) mà Báo Đấu thầu thu thập được, cũng như các thông tin phản ánh và hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất (HSDT/HSĐX) mà nhà thầu cung cấp cho thấy câu chuyện nêu trên đang rất phổ biến. Đây cũng là một trong những căn nguyên gây nên tình trạng kiến nghị trong đấu thầu.

Năm 2018, tại Tây Ninh, có 2 gói thầu mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học đã xảy ra kiến nghị kéo dài. Nhà thầu đến từ TP.HCM khẳng định, HSMT phát hành không đúng quy định, đánh giá HSDT chưa chuẩn và liên tục gửi nhiều đơn kiến nghị đến các đơn vị liên quan. Khi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh vào cuộc, cơ quan có thẩm quyền đã có văn bản trả lời Nhà thầu khẳng định quá trình lựa chọn nhà thầu tuân thủ quy định về đấu thầu.

Theo HSMT, do không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ và tiêu chuẩn công nghệ nên Bên mời thầu (BMT) đã nêu nhãn hiệu, catalogue của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa và ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalogue đó; đồng thời quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng…

Trong khi đó, về tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật, Tổ chuyên gia đánh giá, máy tính bộ Acer - Aspire XC 885 của Nhà thầu chào có cài đặt bổ sung thêm phần tính năng bảo vệ cho máy là chưa đạt theo yêu cầu của HSMT (yêu cầu là máy tính bộ Acer-Veriton 2611M hoặc tương đương). Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị về đấu thầu thống nhất với Tổ chuyên gia về việc đánh giá HSDT của Nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Ngược lại, Nhà thầu không chấp nhận việc BMT loại máy tính bộ Acer - Aspire XC 885 cài đặt bổ sung tính năng bảo vệ cho máy. “Chúng tôi cài đặt thêm tính năng bảo vệ cho máy tức là nâng cấp thêm tính ưu việt của hàng hóa. Tại sao lại đánh giá là không đạt?”, Nhà thầu phản đối.

Câu chuyện “gắn thêm option” càng phức tạp hơn với các mặt hàng như máy in, máy photocopy. Do nhu cầu sử dụng máy photocopy trong lĩnh vực giáo dục là rất lớn, và đơn giá mỗi bộ máy photocopy rất cao, thường là trên 100 triệu đồng nên việc nhà thầu “nháo nhào” gắn thêm tính năng cho hàng hóa này khi dự thầu càng dễ hiểu. Cụ thể, một nhà thầu chuyên cung cấp thiết bị tin học văn phòng khẳng định, mỗi hãng đều có đặc tính kỹ thuật riêng biệt và độc quyền. Do đó, nếu HSMT không thể hiện tính cạnh tranh, bắt buộc nhà thầu phải ứng phó bằng chiêu gắn USB. “Hiện nay, cả máy tính để bàn, laptop và máy photocopy… đều có thể gắn thêm tính năng qua cổng usb, tức là thêm được option. Điều này giúp hàng hóa nhà thầu chào đáp ứng các thông số kỹ thuật mà HSMT đề ra”, nhà thầu này khẳng định.

Hàng hóa khác catalogue là gian lận?

Nếu nhà thầu “nhiệt tình” cài đặt thêm tính năng cho hàng hóa thông qua việc sử dụng phần mềm hay thông qua cổng USB bao nhiêu thì chủ đầu tư (CĐT)/BMT cũng “nhiệt tình” loại bỏ nỗ lực này bấy nhiêu. Gần như 100% các gói thầu mà BMT phát hiện nhà thầu có sử dụng thêm các option như trên, việc loại nhà thầu luôn xảy ra sau đó. BMT có nhiều lý do để đưa ra quyết định này. “Chúng tôi chỉ đánh giá thông số kỹ thuật của hàng hóa thông qua catalogue mà hãng cung cấp. Bởi chỉ những sản phẩm chuẩn như catalogue của hãng mới đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật toàn cầu. Nếu có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài như cài thêm phần mềm bổ sung tính năng, nâng cấp thông số thông qua cổng USB… thì đều bị coi là thay đổi hàng hóa do chính hãng cung cấp”, BMT tại Tây Ninh thẳng thắn cho biết.

Trong khi đó, một BMT tại Long An thông tin thêm: “Từ góc độ là đơn vị mua sắm tập trung cho các đơn vị khác sử dụng, chúng tôi không bao giờ dám chấm một HSDT có những dấu hiệu thay đổi, bổ sung tính năng của sản phẩm. Bởi, hãng chỉ bảo hành, thay thế cho những sản phẩm, linh kiện chính hãng. Nếu có sự thay đổi, can thiệp, quá trình sử dụng rất rủi ro. Do đó, để an toàn cho cả phía người sử dụng và BMT, chúng tôi sẽ loại bỏ ngay những HSDT/HSĐX có những biểu hiện này”.

Gay gắt hơn, một số BMT thậm chí khẳng định, với các hành vi tự ý thay đổi tính năng, bổ sung và nâng cấp hàng hóa khác với catalogue hoàn toàn có thể quy về cố ý gian lận. “Catalogue chính hãng đã có những thông tin rất cụ thể về thông số kỹ thuật và được hãng bảo đảm toàn cầu. Tại sao nhà thầu lại cố ý thay đổi, bổ sung những tính năng này? Việc thay đổi này làm cho hàng hóa không còn đảm bảo tính chính xác và đồng bộ. Nếu nghiêm túc, hoàn toàn có thể cho rằng đây là hành vi cố ý gian lận khi cung cấp thông tin trong HSDT/HSĐX”, một BMT nhận định.

Câu hỏi đặt ra, tại sao là những hàng hóa thông dụng sẵn có trên thị trường nhưng đang gây ra nhiều tranh cãi khi lựa chọn nhà thầu? Và cội rễ sâu xa nhất của việc nhà thầu phải cài thêm option cho hàng hóa có phải là vì HSMT đang cố tình cài cắm? Báo Đấu thầu sẽ có bài viết xoay quanh vấn đề này.

Chuyên đề