Đừng bóp méo khái niệm “hạn chế nhà thầu”

(BĐT) - Có một thực tế rằng, nhiều hồ sơ mời thầu (HSMT) xây lắp đã tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (TT03) và những tiêu chí được xây dựng phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu nhưng vẫn bị kiến nghị và cho rằng HSMT có nhiều nội dung hạn chế nhà thầu. Phải chăng khái niệm “hạn chế nhà thầu” đang bị bóp méo?
Khi nhà thầu kiến nghị không có cơ sở, khái niệm “hạn chế nhà thầu” bị bóp méo. Ảnh: Nhã Chi
Khi nhà thầu kiến nghị không có cơ sở, khái niệm “hạn chế nhà thầu” bị bóp méo. Ảnh: Nhã Chi

HSMT quy định ngày càng chi tiết

Một loạt HSMT gói thầu xây lắp đường giao thông ở Cà Mau có giá trị gần 30 tỷ đồng vừa được tổ chức lựa chọn nhà thầu, với phần kinh nghiệm cụ thể trong quản lý và thực hiện hợp đồng xây lắp thường được trình bày như sau: “Số lượng tối thiểu các hợp đồng tương tự theo mô tả dưới đây mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ hoặc nhà thầu quản lý trong vòng 03 năm trở lại đây (2014, 2015, 2016)”. Trong khi đó, một gói thầu xây lắp giao thông khác cũng với quy mô tương tự thì HSMT lại trình bày nội dung này như sau: “… trong vòng 03 năm trở lại đây (2014 - 2016)”. Theo các chuyên gia, đây là hai cách trình bày điển hình khi triển khai mẫu hồ sơ xây lắp theo TT03 và cách diễn giải “trong vòng 03 năm trở lại đây” như cả hai trường hợp nêu trên đều có bản chất như nhau về mức độ yêu cầu.

Còn tại mục “tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kỹ thuật liên quan đến nhân sự chủ chốt”, để chứng minh có đầy đủ nhân sự cho các vị trí chủ chốt đáp ứng yêu cầu của HSMT, các đơn vị có yêu cầu về tổng số năm kinh nghiệm rất cụ thể và được các bên mời thầu áp dụng khá chặt chẽ. Có HSMT gói thầu xây lắp giao thông có giá trị hơn 80 tỷ đồng tại Đồng Nai thì yêu cầu “chỉ huy trưởng công trường tối thiểu 05 năm kinh nghiệm (60 tháng) tính đến thời điểm đóng thầu” hoặc “giám sát trưởng tối thiểu 05 năm (60 tháng) tính đến thời điểm đóng thầu”… Một gói thầu xây lắp giao thông khác có giá trị 28 tỷ đồng tại Trà Vinh lại trình bày trong HSMT nội dung này: “Chỉ huy trưởng công trường có kinh nghiệm một trong các lĩnh vực quản lý, giám sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình tối thiểu 05 năm (tính từ khi tốt nghiệp đại học)”.

Không đủ năng lực nên đổ lỗi cho… HSMT?

Thế nhưng, có trường hợp, khi HSMT quy định rõ mốc thời gian, cụ thể là 2014 - 2016 như đã nêu, thực tế là tạo điều kiện để nhà thầu chuẩn bị HSDT thì lại bị nhà thầu kiến nghị là… hạn chế. Và lý luận của một số người cho rằng, “chỉ quy định tối thiểu bao nhiêu năm chứ không phải là cụ thể mốc từ năm nào đến năm nào”.

Thực tế, mỗi bên mời thầu, đơn vị tư vấn sẽ tùy vào quy mô, tính chất của từng gói thầu để đưa vào những tiêu chí cụ thể, phù hợp về nhân sự cũng như thiết bị thi công chủ yếu. Theo bà Phạm Minh Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu, HSMT càng quy định cụ thể, chi tiết thì càng thuận lợi cho nhà thầu khi xây dựng HSDT. “Những yêu cầu cụ thể về số năm kinh nghiệm, số công trình tương tự đối với nhân sự chủ chốt là rất quan trọng và cần thiết để đánh giá năng lực, kinh nghiệm của mỗi nhà thầu. Theo tôi, những HSMT quy định rõ về số năm kinh nghiệm tối thiểu và có diễn giải mốc thời gian sẽ tạo điều kiện cho các nhà thầu có cùng cách hiểu HSMT, chứ không thể gọi là hạn chế hay khắt khe. Đó là chưa kể, HSMT càng chi tiết và bám sát quy định của Mẫu số 02 (ban hành kèm theo TT03) thì càng đỡ mất thời gian cho khâu làm rõ HSDT do nhà thầu hiểu không sát HSMT. Đã có bên mời thầu kêu trời vì HSMT yêu cầu 3 năm tính từ thời điểm đóng thầu nhưng nhà thầu cứ đưa vào HSDT những hợp đồng từ 4 - 5 năm trước”, bà Yến phân tích.

Cách diễn giải và trình bày HSMT của từng gói thầu có thể khác nhau do quy mô, tính chất và đặc thù của từng gói thầu là khác nhau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, HSMT đã tuân thủ theo đúng tinh thần của Mẫu số 02 nhưng nhà thầu vẫn có kiến nghị. “Những trường hợp này có thể do nhà thầu hiểu chưa đúng các quy định về đấu thầu cũng như Mẫu số 02. Hoặc nhà thầu đã hiểu nhưng do năng lực của mình chưa đáp ứng được yêu cầu của HSMT nên cho rằng HSMT đang có yếu tố hạn chế”, chuyên gia đấu thầu - TS Nguyễn Việt Hùng bình luận.

Ông Hùng cũng cho rằng, HSMT quy định càng cụ thể về thời gian trong hợp đồng tương tự, số năm kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt là tạo ra một cách hiểu thống nhất cho tất cả các nhà thầu dự thầu. Và việc chỉ một nhà thầu kiến nghị do bản thân năng lực nhà thầu đó không đáp ứng được HSMT thì không thể vội vàng quy HSMT hạn chế nhà thầu.

Trong khi đó, chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số nhà thầu trong lĩnh vực xây lắp giao thông cho rằng, hiện tượng lợi dụng kiến nghị trong đấu thầu đang có diễn biến phức tạp bởi nhiều nguyên nhân. Có những nhà thầu kiến nghị có cơ sở, bắt buộc phải có sự điều chỉnh nội dung HSMT. Tuy nhiên, có những nhà thầu năng lực thi công yếu hoặc nhân sự không đáp ứng được HSMT vẫn kiến nghị. “Với một nhà thầu chuyên nghiệp, kiến nghị phải có cơ sở và đặc biệt, kiến nghị là vì lợi ích hợp pháp của nhà thầu bị ảnh hưởng chứ không phải vì điểm yếu của mình bị bắt bài. Việc lợi dụng kiến nghị trong đấu thầu gây mất thời gian cho các bên, và khái niệm hạn chế nhà thầu lúc này đã bị bóp méo”, một nhà thầu chia sẻ.

Chuyên đề