Dự án BT hấp dẫn nhiều nhà đầu tư hạ tầng lớn

(BĐT) - Rất nhiều nhà đầu tư BOT lớn đã và đang có kế hoạch đầu tư những dự án hạ tầng giao thông mới, nhưng không phải theo hình thức hợp đồng BOT, mà theo hình thức hợp đồng BT. 
Thay vì đầu tư vào các dự án BOT, nhiều nhà đầu tư hạ tầng lớn đang dành sự quan tâm cho các dự án BT. Ảnh: Nhã Chi
Thay vì đầu tư vào các dự án BOT, nhiều nhà đầu tư hạ tầng lớn đang dành sự quan tâm cho các dự án BT. Ảnh: Nhã Chi

BT đã trở thành một kênh đầu tư của rất nhiều nhà đầu tư hạ tầng lớn khi mà hợp đồng BOT đang bước vào giai đoạn bớt hấp dẫn hơn.

BOT giảm nhiệt, BT hấp dẫn!      

Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc là một nhà đầu tư BOT tên tuổi với nhiều dự án như cầu Cổ Chiên có tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng; đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng vốn đầu tư gần 15 ngàn tỷ đồng; mở rộng Xa lộ Hà Nội… Trong vòng nửa năm trở lại đây, thống kê sơ bộ từ những đề xuất dự án PPP đã được công bố theo quy định, thì Tuấn Lộc hầu như không đề xuất thêm dự án BOT nào. Thay vào đó, Tuấn Lộc đề xuất 2 dự án BT khá lớn tại Đồng Nai là Dự án Xây dựng tuyến đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa đến Quốc lộ (QL) 1K, thành phố Biên Hòa và Dự án Đầu tư xây dựng đường Phước Bình đoạn từ QL 51 đến Khu công nghiệp Phước Bình. Tổng mức đầu tư 2 dự án này khoảng 950 tỷ đồng và đều đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề xuất dự án.

Một tên tuổi khác không xa lạ là Cienco 4. Tên tuổi của Cienco 4 gắn liền với nhiều dự án BOT tại Nghệ An như Dự án Xây dựng cầu Yên Xuân, Dự án Tuyến tránh TP. Vinh, Dự án Nam Bến Thủy - tuyến tránh TP. Vinh, Dự án Nút giao Quốc lộ 46,… Khi mà Trạm thu phí cầu Bến Thủy hoàn vốn cho các dự án này đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ người dân, thì Cienco 4 cũng đã có được sự phê duyệt của UBND tỉnh Nghệ An về đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng cầu Hiếu 2 và đường hai đầu cầu tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An theo hình thức hợp đồng BT. Quy mô Dự án gồm xây dựng cầu Hiếu 2 và đường hai đầu cầu, tổng chiều dài tuyến khoảng 1,2 km. Tổng vốn đầu tư của Dự án khoảng 211,7 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong 2 năm 2017 - 2018.

Một Cienco khác là Cienco 8 gần đây liên danh với Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc cũng là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển 9 dự án BT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 10.000 tỷ đồng, gồm Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bờ Hữu sông Cầu đoạn qua TP. Thái Nguyên; Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bờ Tả sông Cầu đoạn qua TP. Thái Nguyên; Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê hai bên suối Mo Linh đoạn qua TP. Thái Nguyên; Xây dựng hệ thống kè chống sạt lở đê hai bên sông và xây dựng 3 bến thuyền tại thượng lưu cầu Quang Vinh, cầu Gia Bẩy và thượng lưu đập Thác Huống; Xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông hai bên bờ sông Cầu; Nạo vét mở rộng lòng sông đoạn từ cầu Cao Ngạn đến đập Thác Huống; Xây dựng mở rộng đập Thác Huống, nâng cao mực nước đập Thác Huống về mùa kiệt lên 2m so với cao trình cũ và xây dựng đập dâng Quang Vinh; Xây dựng mới 4 cầu (Quang Vinh, Quang Vinh 2, Xuân Hòa, Huống Thượng) và sửa chữa nâng cấp cầu Gia Bảy; Xây dựng mới cầu Bến Oánh qua sông Cầu và cầu Mo Linh qua suối Mo Linh.

Không góp đủ vốn tại cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT, nhưng Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà lại mạnh tay đề xuất dự án BT hàng trăm tỷ đồng tại Thái Bình. Đó là Dự án Trung tâm Hội nghị tỉnh Thái Bình, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 232,6 tỷ đồng. 

Sự chuyển hướng đầu tư?

Nhiều đại gia bất động sản đã nhảy vào các dự án BT mà mục tiêu là hướng đến những quỹ đất đối ứng có giá trị thương mại rất cao để đầu tư các khu trung tâm thương mại.
Dự án BT hay còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng vốn rất hấp dẫn đối với những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Rất nhiều đại gia bất động sản đã nhảy vào các dự án BT mà mục tiêu là hướng đến những quỹ đất đối ứng có giá trị thương mại rất cao để đầu tư các khu trung tâm thương mại, chung cư, nhà ở,…

Và hình thức hấp dẫn này gần đây không chỉ hút đại gia bất động sản mà đang trở thành kênh đầu tư của nhiều nhà đầu tư hạ tầng giao thông vốn trước đây tập trung nhiều vào xây dựng hạ tầng giao thông, chủ yếu tham gia các dự án BOT và thầu xây lắp công trình giao thông.

Thử phân tích khi vào dự án BT, các nhà đầu tư hạ tầng có thể được gì khi được lựa chọn là nhà đầu tư? Với dự án BT tại Thái Bình, nếu được lựa chọn là nhà đầu tư, Mỹ Đà có cơ hội được đổi quyền khai thác khu đất Chi cục Thuế tỉnh cũ, đường Lê Lợi với diện tích 1.098 m2; khu đất số 2 là vị trí Kho bạc tỉnh cũ cũng nằm trên đường Lê Lợi, diện tích 2.070 m2; khu đất Trung tâm Hội nghị tỉnh hiện tại, diện tích 8.371 m2; khu đất Trung tâm Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ, diện tích 1.682 m2; khu đất Nút giao đường Võ Nguyên Giáp với đường Vũ Đông - Hoàng Diệu, diện tích 14.147 m2.

Tuấn Lộc với 2 dự án BT tại Đồng Nai có thể sẽ được thanh toán bằng hàng chục ha đất hai bên đường thuộc khu vực tuyến đường BT đi qua.

Còn Cienco 4, với dự án cầu Hiếu 2 theo đề xuất dự án được duyệt có thể sẽ được thanh toán bằng hàng nghìn m2 đất thuộc Dự án Khu đô thị Long Sơn 1, Long Sơn 2, Long Sơn 3 - Vực Giồng và Dự án Khu đô thị Tây Hiếu.

Có thể thấy, các doanh nghiệp hạ tầng khi đầu tư vào dự án BT, không chỉ đơn thuần là chuyển đổi hình thức đầu tư từ BOT sang BT, mà có lẽ là cả sự chuyển hướng hoạt động đầu tư, kinh doanh vào bất động sản, khi mà kênh đầu tư này đã qua thời kỳ đóng băng và đang dần ấm lên.

Chuyên đề