Đấu thầu xây dựng Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang: Hợp đồng tương tự bằng 100% giá trị gói thầu

(BĐT) - Đã hai lần gia hạn thời điểm đóng thầu, nhưng tại gói thầu trị giá 1.600 tỷ đồng thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang vẫn đang nổ ra nhiều tranh cãi về yêu cầu hợp đồng tương tự bằng 100% giá trị gói thầu. Căn cứ cho việc đưa ra tiêu chí này trong Hồ sơ mời thầu (HSMT) có sức thuyết phục hay không?
Trong không ít trường hợp, HSMT yêu cầu về hợp đồng tương tự không phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu, trở thành công cụ “bẫy” nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên
Trong không ít trường hợp, HSMT yêu cầu về hợp đồng tương tự không phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu, trở thành công cụ “bẫy” nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên

Ngay sau khi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (Bên mời thầu - BMT) phát hành HSMT Gói thầu số 4 Thi công xây dựng và mua sắm, lắp đặt thiết bị công trình chính, công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, yêu cầu của HSMT về hợp đồng tương tự đã gây nhiều tranh cãi.

Cụ thể, HSMT đã yêu cầu về hợp đồng tương tự như sau: "Số lượng tối thiểu các hợp đồng tương tự công trình công cộng (y tế) cấp I mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ trong vòng 3 năm trở lại đây (tính đến thời điểm đóng thầu - tức là từ tháng 9/2016): Số lượng hợp đồng là 1 hợp đồng, có giá trị tối thiểu 1.600 tỷ đồng". Ngoài ra, HSMT còn quy định, nếu các nhà thầu muốn liên danh để tham gia đấu thầu, tối thiểu một thành viên liên danh cũng phải thỏa mãn yêu cầu có 1 hợp đồng tương tự với giá trị tối thiểu 1.600 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc BMT đã hai lần xin gia hạn thời gian đóng thầu nhằm “bổ sung HSMT” cho thấy BMT đang có sự lúng túng về tiêu chí này.

Báo Đấu thầu đã có bài “điểm danh” những nhà thầu có khả năng vượt qua “vòng loại” của gói thầu nói trên, với không nhiều nhà thầu.

Việc xây dựng tiêu chí về hợp đồng tương tự trong HSMT thực tế đang được áp dụng mỗi nơi một kiểu. Trong không ít trường hợp, yêu cầu về hợp đồng tương tự trở thành công cụ “bẫy” nhà thầu khi cố tình đưa ra tiêu chí không phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu.

Theo tinh thần của pháp luật về đấu thầu, chủ đầu tư/BMT căn cứ vào quy mô, tính chất và điều kiện cụ thể của từng gói thầu để yêu cầu về quy mô hợp đồng tương tự cho phù hợp (thông thường bằng 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét); không được đưa ra yêu cầu quá cao hoặc quá khắt khe dẫn đến hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu.

 “Thông thường, 70% là giá trị phù hợp nhất, khoa học nhất để đánh giá khả năng đáp ứng được, hướng tới việc tạo điều kiện cho các nhà thầu nỗ lực hơn, vươn tới mục đích những công trình lớn hơn thông qua giá trị thực công trình đã thi công. Đây chính là sự linh hoạt, tính cởi mở của quy định pháp luật về đấu thầu”, một chuyên gia bình luận.

Trao đổi sâu hơn với Báo Đấu thầu về vấn đề này, TS. Nguyễn Việt Hùng - chuyên gia về đấu thầu - khẳng định, trong trường hợp dự án lớn này, BMT phải nắm rõ bản chất của yêu cầu về hợp đồng tương tự. BMT đưa ra tiêu chí này có thể vì cho rằng trường hợp Gói thầu có yêu cầu đặc thù, bắt buộc phải có những yêu cầu cao để lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực. Tuy nhiên, tinh thần của Luật Đấu thầu hiện nay là để “lựa chọn được nhà thầu phù hợp”, tức là xây dựng những tiêu chí để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu tham gia, tạo ra sự cạnh tranh rộng rãi, mở cửa cho càng nhiều nhà thầu vào thì BMT càng có nhiều cơ hội lựa chọn. Do đó, cần tuân thủ nghiêm ngay từ khâu lập, trình, thẩm định HSMT để tránh tình trạng nội dung này trở thành cái bẫy đối với nhà thầu. Khi HSMT đưa ra tiêu chí giá trị hợp đồng tương tự bằng 100% giá trị gói thầu đang mời là BMT tự làm khó với mình.

Chuyên đề