Đấu thầu xây 7 trường THCS tại Sơn La : 2 nhà thầu thay nhau trúng thầu

(BĐT) - Tiếp theo bài viết đăng tải trên Báo Đấu thầu phát hành ngày 6/9/2017 về 7 lô thầu xây dựng 7 trường THCS do Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư, tìm hiểu của phóng viên cho thấy 7 lô thầu này được đấu thầu rộng rãi, độc lập nhưng chỉ có 2 nhà thầu thay nhau trúng thầu, kèm theo nhiều sự trùng hợp đáng bàn về lý do trượt thầu.
7 lô thầu xây dựng 7 trường THCS tại tỉnh Sơn La thuộc 2 gói thầu (số 01 và số 02) của Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2. Ảnh: Xuân Trường
7 lô thầu xây dựng 7 trường THCS tại tỉnh Sơn La thuộc 2 gói thầu (số 01 và số 02) của Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2. Ảnh: Xuân Trường

“Đồng hành” trong 7 lô thầu

7 lô thầu xây dựng 7 trường THCS tại tỉnh Sơn La thuộc 2 gói thầu (số 01 và số 02) của Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2. Dự án này sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh Sơn La.

Có 2 nhà thầu thay nhau trúng thầu. Liên danh Công ty TNHH MTV Xây dựng Quyết Tùng và Công ty CP Đầu tư và xây dựng số 1 Sơn La (Liên danh Quyết Tùng - Sơn La) trúng 3 lô thầu xây dựng 3 trường THCS gồm: Trường THCS Háng Đồng, huyện Bắc Yên; Trường THCS Mường Cơi, huyện Phù Yên; Trường THCS Nà Mường, huyện Mộc Châu.

Liên danh Công ty TNHH MTV Xây dựng Việt Hoàn - Công ty CP Xây dựng Mạnh Hà - Doanh nghiệp tư nhân Hiền Thu (Liên danh Việt Hoàn - Mạnh Hà - Hiền Thu) trúng 4 lô thầu xây dựng 4 trường THCS gồm: Trường THCS Mường Lạn, huyện Sốp Cộp; Trường THCS Nà Nghịu, huyện Sông Mã; Trường THCS Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai; Trường THCS Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Điều đặc biệt là cả 2 liên danh nhà thầu này đều tham gia ở cả 7 lô thầu. Ở 3 lô thầu do Liên danh Quyết Tùng - Sơn La trúng thầu thì mỗi lô thầu chỉ có 3 nhà thầu tham gia, trong đó Doanh nghiệp tư nhân Trung Vinh luôn trượt thầu với lý do hợp đồng tương tự không đáp ứng yêu cầu của HSMT, bảo đảm dự thầu (BĐDT) không hợp lệ (thời gian hiệu lực của bảo đảm 120 ngày, ngắn hơn yêu cầu của hồ sơ mời thầu – HSMT); còn Liên danh Việt Hoàn - Mạnh Hà - Hiền Thu bị loại với lý do là nhà thầu xếp thứ 2 về giá dự thầu. Tương tự, ở 4 lô thầu do Liên danh Việt Hoàn - Mạnh Hà - Hiền Thu trúng thầu thì Liên danh Quyết Tùng - Sơn La trong “vai” nhà thầu xếp thứ 2 về giá dự thầu nên bị loại. 

Chủ đầu tư nói “không có chuyên môn”

Như Báo Đấu thầu đã đăng tải, ông Đặng Quang Vinh - đại diện Doanh nghiệp tư nhân Trung Vinh đã giải thích về việc vì sao trong cả 3 lô thầu, nhà thầu này đều nộp BĐDT không hợp lệ (thời gian hiệu lực của BĐDT là 120 ngày, ngắn hơn yêu cầu của HSMT) là do sơ suất của phía ngân hàng - Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Chi nhánh Sơn La.

Chiều ngày 6/9/2017, trao đổi với Phóng viên, một cán bộ của VietinBank cho rằng, nếu HSMT đưa ra yêu cầu BĐDT có hiệu lực 150 ngày, phía ngân hàng lại thực hiện BĐDT có hiệu lực 120 ngày, lỗi trước tiên là của nhà thầu. Lý do là nhà thầu cần phải kiểm tra kỹ thông tin trên BĐDT trước khi lấy khỏi ngân hàng, kiểm tra kỹ rồi mới nộp kèm với HSDT. Việc nhà thầu cầm một BĐDT có hiệu lực 120 ngày nộp kèm với HSDT trong khi HSMT yêu cầu là BĐDT phải có hiệu lực 150 ngày đã cho thấy sự vô trách nhiệm, tắc trách và bất cẩn của nhà thầu. Vì vậy, việc nhà thầu đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm sai sót này cho phía ngân hàng là không thỏa đáng.

Có nhiều nghi vấn về tính công khai, minh bạch của các cuộc thầu nêu trên khi chỉ có 5 nhà thầu thay nhau tham dự 7 lô thầu, trong đó 2 nhà thầu thay nhau trúng thầu, 3 nhà thầu thay nhau trượt thầu với cùng một lý do là BĐDT ngắn hơn 30 ngày so với quy định. Phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La để làm rõ vấn đề thì ông Đức cho biết, người trực tiếp tham mưu và phụ trách công tác đấu thầu của Sở này là ông Phương.

Trao đổi với Phóng viên, ông Phương cho biết, do không có chuyên môn, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đã thuê Công ty CP Tư vấn xây dựng Sơn La làm đơn vị tư vấn đánh giá HSDT. Sau khi công ty tư vấn này trình kết quả đánh giá và lựa chọn nhà thầu, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đã gửi kết quả đánh giá này về Ban Quản lý dự án Trung ương Dự án Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2 (Bộ Giáo dục và Đào tạo) để thẩm định, sau đó đã nhận được sự chấp thuận (thư không phản đối) của nhà tài trợ vốn ADB. Còn việc vì sao lại chỉ có 5 nhà thầu mà 2 nhà thầu thay nhau trúng 7 lô thầu, 3 nhà thầu thay nhau trượt thầu thì ông Phương cho rằng đó là do “ngẫu nhiên”, Chủ đầu tư không hay biết về vấn đề này và chỉ tiến hành phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu dựa trên đánh giá của phía đơn vị tư vấn đối với HSDT của các nhà thầu.

Chuyên đề