Đấu thầu thuốc tập trung để giảm áp lực chi cho quỹ BHYT

(BĐT) - Mất cân đối thu chi bảo hiểm y tế (BHYT) đang là một trong những thách thức hiện nay khi mức đóng BHYT không thay đổi trong nhiều năm (4,5% tiền lương) và duy trì đến năm 2020. 
Kết quả thí điểm đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia năm 2017 đối với 42 mặt hàng thuốc cho thấy giá thuốc giảm khoảng 17 - 21%. Ảnh: Lê Tiên
Kết quả thí điểm đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia năm 2017 đối với 42 mặt hàng thuốc cho thấy giá thuốc giảm khoảng 17 - 21%. Ảnh: Lê Tiên

Trong khi đó, nhiều yếu tố đã làm tăng chi phí như: mức hưởng, phạm vi quyền lợi BHYT, thông tuyến khám chữa bệnh (KCB) BHYT và điều chỉnh bổ sung tiền lương vào giá dịch vụ y tế... Trước sức ép giảm chi Quỹ BHYT, kết quả tổ chức đấu thầu tập trung (ĐTTT) đối với thuốc, vật tư y tế đang cho thấy tính hiệu quả trong việc giảm áp lực chi cho Quỹ BHYT.

Cơ cấu chi phí thuốc BHYT giảm xuống còn 36,1%

Về cơ cấu chi phí thuốc BHYT các năm trước khi thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc (TT37), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tỷ lệ thường từ 55 - 60% tổng chi phí KCB BHYT. Nhưng trong những năm gần đây, tỷ lệ chi cho thuốc đã có nhiều thay đổi, liên tục giảm qua các năm. Năm 2016, chi phí thuốc BHYT giảm xuống còn 43% tổng chi KCB BHYT. Tiếp đó, năm 2017, tỷ lệ chi cho thuốc là 36,1% tổng chi KCB BHYT.

Sở dĩ cơ cấu chi phí thuốc trong KCB BHYT giảm như vậy, theo Bộ Y tế, là do cơ cấu giá dịch vụ y tế thay đổi và phạm vi ứng dụng các kỹ thuật cao ngày càng được mở rộng. Các quy định về đấu thầu mua thuốc được sửa đổi, bổ sung đã khắc phục phần nào các bất cập, hạn chế, tăng tính công khai, minh bạch và công bằng trong đấu thầu mua thuốc. Từ đó, hiệu quả kinh tế của việc mua thuốc tại các cơ sở y tế công lập đã được nâng cao. Đặc biệt, theo đánh giá của Bộ Y tế, chi phí tiền thuốc trúng thầu đã được tiết giảm khoảng 35,5% từ khi sửa đổi Thông tư liên tịch số 01/2012/TT-BYT-BTC  ngày 19/01/2012 so với quy định cũ.

Trong đó, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc có xu hướng giảm từ 26,98% năm 2013 xuống còn 18,32% năm 2018 (theo trị giá). Các thuốc Nhóm 5 (thuốc có xuất xứ từ Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc,…) có xu hướng giảm mạnh, cụ thể giảm từ 17,14% năm 2013 xuống còn 6,51% năm 2018. Cùng với đó, tỷ trọng thuốc trong nước đã tăng lên đáng kể, năm 2013 tỷ lệ thuốc trong nước chiếm 15,61% đến 2018 đã tăng lên 33,89% (theo trị giá).

Đặc biệt, năm 2017 là năm đầu tiên Bộ Y tế và BHXH Việt Nam triển khai thí điểm ĐTTT thuốc cấp quốc gia đối với 10 hoạt chất (42 mặt hàng thuốc), giá thuốc giảm khoảng 17,4% - 21,12%, tương ứng với tổng số tiền tiết kiệm được là gần 730 tỷ đồng. 

Cần mở rộng danh mục đấu thầu tập trung

Về triển khai đấu thầu thuốc cấp quốc gia trong năm 2018, Danh mục thuốc ĐTTT cấp quốc gia năm 2018 của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia bổ sung thêm 25 thuốc; của BHXH Việt Nam là 20 thuốc. Dự kiến, kết quả ĐTTT thuốc cấp quốc gia sẽ lần lượt được công bố vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019.

Không chỉ dừng lại ở mặt hàng thuốc, Bộ Y tế đang thực hiện Đề án Mua sắm tập trung một số vật tư y tế đối với các cơ sở KCB trực thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2019 - 2020. Mục đích của việc thí điểm là nhằm tăng cường kiểm soát giá và chi phí, vật tư y tế để góp phần tăng khả năng cân đối Quỹ BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh... Để mở rộng danh mục và đơn vị áp dụng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu việc ĐTTT vật tư y tế trong KCB BHYT vào báo cáo trong tháng 11/2018.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ này đang chuẩn bị và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm khuyến khích thuốc sản xuất trong nước; khắc phục tình trạng chênh lệch giá trúng thầu giữa các địa phương; khuyến khích sự tham gia của các nhà thầu mới và tăng cường cạnh tranh trong đấu thầu…

Chuyên đề