Đấu thầu tại Vicem: Thấy gì từ quy định mua sắm riêng?

(BĐT) - Trong số 40 ra ngày 7/3/2017, Báo Đấu thầu đã phản ánh sự khác biệt giữa báo cáo và thực tế thực hiện công tác đấu thầu của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem). 
Khi việc lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp không công khai thì khó đảm bảo cả 3 tiêu chí công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu mua sắm tại doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Ngọc Anh
Khi việc lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp không công khai thì khó đảm bảo cả 3 tiêu chí công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu mua sắm tại doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Ngọc Anh

Ở một góc độ khác, hoạt động mua sắm của Vicem theo quy định riêng cũng cho thấy nhiều lỗ hổng có thể khiến hoạt động này không đảm bảo tiêu chí công bằng, minh bạch và hiệu quả được quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Luật Đấu thầu 2013. 

“Quy định riêng” của Vicem

Ngày 5/2/2016, Tổng giám đốc Vicem Trần Việt Thắng đã ký Quyết định số 249/QĐ-VICEM ban hành Quy định về lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được tổ chức tại Công ty mẹ Vicem (QĐ249).

QĐ249 của Vicem được ban hành nhằm cụ thể hóa quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Đấu thầu 2013: “Trường hợp lựa chọn đấu thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp nhà nước… thì doanh nghiệp phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.

Đây là một quy định thông thoáng của Luật Đấu thầu 2013 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nâng cao tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, quy định riêng phải được xây dựng để triển khai công tác đấu thầu đảm bảo 3 tiêu chí công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế như tinh thần của Luật.

Nhìn vào QĐ249 và văn bản được ban hành kèm theo Quyết định này, nhiều câu hỏi được đặt ra về vấn đề đảm bảo các tiêu chí nêu trên, đặc biệt có ý kiến cho rằng, tiêu chí minh bạch không được đảm bảo và điều này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy trong công tác mua sắm tại Vicem. 

Không có cơ sở đảm bảo minh bạch

Quy định về lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được tổ chức tại Công ty mẹ Vicem được ban hành kèm theo QĐ249 (gọi tắt là Quy định 249) gồm 14 trang A4, có 3 Mục, 10 Điều.

Quy định 249 thay thế Quy định ban hành kèm theo Quyết định 2267/QĐ-VICEM ngày 6/11/2014 của Tổng giám đốc Vicem (QĐ2267).

Dấu hỏi về thẩm quyền ban hành

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vicem (ban hành kèm theo Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 1/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ), thẩm quyền quyết định các quy chế quản lý nội bộ thuộc về Hội đồng thành viên, người có thẩm quyền ký quyết định là Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Quy định về lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được tổ chức tại Công ty mẹ Vicem là một quy chế quản lý nội bộ, vì nó quy định các nguyên tắc, trình tự, thủ tục mua sắm. Trong khi đó, các căn cứ của QĐ249 và QĐ2267 do Tổng giám đốc ký đều không nêu ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên cho Tổng giám đốc, không có biên bản họp thông qua của Hội đồng thành viên, mà chỉ có đề xuất của Phòng Quản lý vật tư thiết bị và Mua sắm công nghệ.

Điều đáng ngạc nhiên là cả QĐ249 (áp dụng từ ngày 5/2/2016) và QĐ2267 (có hiệu lực từ ngày 6/11/2014) của Vicem đều “vắng bóng” các điều khoản, nội dung quy định nhằm đảm bảo thông tin trong đấu thầu được công khai. Cụ thể, các quy trình lựa chọn nhà cung cấp nêu tại Mục 2 (từ Điều 5 đến Điều 9) của Quy định được ban hành kèm theo QĐ2267 hay Mục 2 (từ Điều 5 đến Điều 9) của Quy định được ban hành kèm theo QĐ249 đều không quy định về việc tổ chức công bố thông tin, phương tiện công bố thông tin. Theo các chuyên gia, điều này là không minh bạch, làm hạn chế khả năng tiếp cận thông tin của các nhà cung cấp có năng lực, từ đó không phát huy được hiệu quả của việc mua sắm và khó đảm bảo tiêu chí công bằng trong hoạt động mua sắm.

So sánh một số quy định của các DNNN khác được xây dựng trên cơ sở quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Đấu thầu, nhiều đơn vị đều quy định rõ về việc công khai thông tin trong đấu thầu. Đơn cử như Quy chế về công tác đấu thầu trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được ban hành kèm theo Quyết định 600/QĐ-EVN ngày 4/9/2014 của Hội đồng thành viên EVN hay Quy định về lựa chọn nhà thầu cung nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất và mua sắm duy trì hoạt động thường xuyên của Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PVGas) được ban hành ngày 2/8/2016.

Thậm chí, PVGas còn quy định các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định riêng phải đăng tải thông tin trên website thông tin đấu thầu của tổng công ty này (tại địa chỉ http://tender.pvgas.com.vn). Quy định của PVGas cũng khuyến khích việc đăng tải thông tin đấu thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng khác ngoài website này nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của công tác mua sắm.

Và trên thực tế, nhiều gói thầu của các đơn vị thuộc EVN, PVGas và nhiều DNNN khác dù không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu nhưng đã được lựa chọn đăng tải trên Báo Đấu thầu để tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả của việc mua sắm.

Trong khi đó, trên website của Vicem có rất ít thông tin về hoạt động mua sắm theo quy chế riêng, mặc dù đơn vị này mua sắm hàng trăm tỷ đồng nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hoá, dịch vụ mỗi năm thuộc các chủng loại gạch chịu lửa, dầu mỡ, bi nghiền, thép chịu mòn, túi lọc bụi, con lăn, băng tải, dịch vụ bảo hiểm, vận chuyển clinker... Quy trình mua sắm là: căn cứ vào nhu cầu các mặt hàng trên, Vicem gửi thư mời chào giá và xét duyệt hồ sơ chào giá của tối thiểu 3 nhà cung cấp định trước để lựa chọn nhà cung cấp.  

Với quy định của Vicem nêu trên, các chuyên gia lo ngại việc “vận dụng” để không phải đấu thầu công khai khi mua sắm những tài sản có giá trị lớn, tạo cơ sở và hợp thức hóa, thậm chí tạo kẽ hở cho việc lựa chọn những đối tác – nhà thầu cung cấp “sân sau” trong hoạt động mua sắm của doanh nghiệp. Trên thực tế cũng đã xuất hiện những nhà cung cấp quen thuộc của Vicem nhiều năm nay như Công ty Vĩnh Phước cung cấp dịch vụ vận chuyển clinker.

Và khi việc lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp không công khai thì khó đảm bảo cả 3 tiêu chí công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu mua sắm tại DNNN.  

Chuyên đề