Đấu thầu tại Phổ Yên, Thái Nguyên: Sai một ly, đi một dặm

(BĐT) - Áp dụng sai tiêu chuẩn nghiệm thu chất lượng thi công công trình xây dựng (tiêu chuẩn đã bị hủy bỏ), nhà thầu (NT) bị bên mời thầu (BMT) đánh trượt ở bước đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật. NT cho rằng mình bị loại oan, lý do bị loại là không thỏa đáng.
Công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (Thái Nguyên) dự kiến sẽ được khởi công vào đầu năm 2020. Ảnh St
Công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (Thái Nguyên) dự kiến sẽ được khởi công vào đầu năm 2020. Ảnh St

Câu chuyện xảy ra tại Gói thầu Tư vấn giám sát thi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. BMT là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên.

Theo nội dung phản ánh tới Báo Đấu thầu, Công ty CP Tư vấn kiến trúc TAC cho rằng, việc NT bị chấm “0” điểm phần phương pháp luận là không đảm bảo tính khách quan, công bằng và minh bạch. Việc chấm điểm này không căn cứ vào Bảng điểm trong hồ sơ mời thầu (HSMT) đã được phê duyệt.

Thông báo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật của NT nêu: “NT đề xuất công tác kiểm tra hồ sơ chất lượng công trình được thực hiện ngay từ khi công trình bắt đầu được triển khai. Danh mục hồ sơ chất lượng kiểm tra theo quy định tại phần B, phụ lục Q kèm theo tiêu chuẩn TCVN 371:2006 nghiệm thu chất lượng thi công công trình xây dựng”. Theo đánh giá của BMT, tiêu chuẩn này đã bị hủy bỏ, quy định tại Quyết định số 212/QĐ-BXD ngày 25/2/2013 của Bộ Xây dựng về việc hủy bỏ tiêu chuẩn ngành xây dựng (đợt 1). Do đó, NT áp dụng tiêu chuẩn này là sai, không đạt yêu cầu. Nội dung này thuộc phần phương pháp luận trong HSMT và NT không được tính điểm phần phương pháp luận này (tức là “0” điểm).

Gói thầu Tư vấn giám sát thi công công trình thuộc Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Dự án có tổng mức đầu tư là 60 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu (Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa) và nguồn vốn xã hội hóa.
Theo giải thích của BMT, công tác quản lý chất lượng là phần quan trọng nhất của nhiệm vụ tư vấn giám sát thi công và nghiệm thu. Các nhiệm vụ này phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, nếu áp dụng không đúng thì sẽ không được chấp nhận, nên NT không được tính điểm là hợp lý.

Hơn nữa, theo BMT, Chương III, Mục 2 phần Kết luận của HSMT về tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật đã quy định: “Trong từng tiêu chuẩn đánh giá, nếu có bất kỳ tiêu chuẩn nào bị đánh giá “0” điểm, thì hồ sơ dự thầu (HSDT) sẽ bị đánh giá là không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và không được xét tiếp”.

Sau khi nhận được đơn kiến nghị của NT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phản hồi, đại diện của BMT đã làm việc với đơn vị tư vấn đấu thầu (Công ty TNHH Kiến trúc và Chuyển giao công nghệ xây dựng HMP); đơn vị tư vấn thẩm định kết quả lựa chọn NT (Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng công trình Thái Nguyên). Cả hai đơn vị tư vấn đều khẳng định kết quả thực hiện công việc theo hợp đồng tư vấn với Chủ đầu tư là đúng pháp luật về đấu thầu, các chỉ dẫn trong HSMT đã được phê duyệt. BMT cũng thống nhất với những ý kiến này.

Bình luận về tình huống kiến nghị nêu trên, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, nếu đánh giá HSDT theo cách thức “án tại hồ sơ” thì rõ ràng BMT không sai so với quy định của pháp luật về đấu thầu. Bởi vì NT kiến nghị đã đề xuất áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật không còn hiệu lực. Tuy nhiên, BMT có thể yêu cầu NT kiến nghị làm rõ HSDT, bởi vì đây là lỗi không nghiêm trọng.

Trên thực tế, vị chuyên gia phân tích, có một số NT do sơ suất trong khâu chuẩn bị HSDT, có thể chưa cập nhật được văn bản mới ban hành, nên mới để xảy ra tình trạng như trên. Thậm chí, tới lúc ký hợp đồng, nếu pháp luật có thay đổi so với thời điểm đề xuất dự thầu, thì NT cũng buộc phải thực hiện theo quy định mới.

Chuyên đề