Đấu thầu qua mạng có ít nhà thầu tham gia: Xem lại trách nhiệm của bên mời thầu

(BĐT) - Theo khảo sát sơ bộ trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, hiện tỷ lệ số lượng nhà thầu tham gia dự thầu đối với gói thầu được tổ chức đấu thầu qua mạng (ĐTQM) đã dần tăng lên (khoảng 2,67 nhà thầu/gói thầu). 
Từ ngày 1/1/2018 đến ngày 1/2/2018, có 670 gói thầu được mở thầu điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Ảnh: Tiên Giang
Từ ngày 1/1/2018 đến ngày 1/2/2018, có 670 gói thầu được mở thầu điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Ảnh: Tiên Giang

Tuy nhiên, tỷ lệ số gói thầu chỉ có 1-2 nhà thầu tham gia vẫn còn chiếm tỷ lệ cao. Theo một số chuyên gia, mặc dù các nhà thầu tham gia các gói thầu qua mạng là thực chất, nhưng cũng cần phải đánh giá kỹ lưỡng, xem xét lại trách nhiệm của nhiều bên nếu muốn tăng tính cạnh tranh trong các gói thầu đấu thầu qua mạng. 

Tham gia đấu thầu qua mạng thực chất hơn

Theo thống kê sơ bộ của Báo Đấu thầu, tính từ ngày 1/1/2018 đến ngày 1/2/2018, đã có 670 gói thầu được mở thầu điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong đó có 212 gói thầu xây lắp, 408 gói thầu mua sắm hàng hóa, 50 gói thầu dịch vụ phi tư vấn.

Trong tổng số 670 gói thầu này, có 157 gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia, 146 gói thầu chỉ có 2 nhà thầu tham gia, 295 gói thầu có trên 3 nhà thầu tham gia, 76 gói thầu chưa mở thầu hoặc hủy thầu. Nhìn vào kết quả trên cho thấy, tổng số gói thầu có dưới 3 nhà thầu tham gia chiếm 45,2% tổng số gói thầu được tiến hành mở thầu điện tử.

Thực tế, theo phản ánh của một số bên mời thầu (BMT), số lượng gói thầu điện tử với sự tham gia của dưới 3 nhà thầu đã giảm trông thấy so với thời gian trước. Tuy vậy, báo cáo của các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng thừa nhận thực trạng là số lượng nhà thầu tham dự đấu thầu qua mạng (ĐTQM) rất ít, nhiều gói thầu chỉ có 1 - 2 nhà thầu tham dự; các gói thầu có 3 nhà thầu tham dự còn hạn chế.

Theo cán bộ làm công tác đấu thầu của VNPT cho biết, gần đây, sự ra đời của các văn bản pháp lý về đấu thầu nói chung và ĐTQM nói riêng đã có tác động tích cực đến hoạt động đấu thầu điện tử, tỷ lệ nhà thầu tham gia các gói thầu điện tử mới có sự gia tăng nên hiệu quả của ĐTQM cũng được cải thiện hơn, thu hút được nhiều nhà thầu tham dự hơn. Do đó, cán bộ của VNPT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cần quan tâm phổ biến rộng rãi về Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để thu hút được nhiều hơn sự tham gia của các nhà thầu, giúp quá trình lựa chọn nhà thầu phát huy được tính công khai, minh bạch, gia tăng tỷ lệ cạnh tranh và tiết kiệm trong đấu thầu.

Trong một hội nghị phổ biến văn bản mới nhất về ĐTQM, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT đánh giá, trên thực tế, tỷ lệ các nhà thầu tham gia ĐTQM vẫn còn thấp hơn so với đấu thầu truyền thống. Tuy nhiên, ĐTQM rất thực chất, bởi việc phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) điện tử là miễn phí, do đó chủ đầu tư/bên mời thầu (CĐT/BMT) không biết được số lượng cụ thể có những nhà thầu nào tham gia, các nhà thầu cũng không biết được “đối thủ” của mình có bao nhiêu, gồm những ai…

Xem xét trách nhiệm nhiều bên

Ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, thông tin thêm, tính ưu việt của ĐTQM không chỉ nằm ở sự công khai, minh bạch mà còn rất tiết kiệm trong đấu thầu. “Gói thầu nào có từ 10 nhà thầu tham gia thì tỷ lệ tiết kiệm rất tốt, từ 30-60% giá trị gói thầu. Đơn cử như mới đây, Bộ Quốc phòng tổ chức ĐTQM một gói thầu mua sắm hàng hóa, dù chỉ có 2 nhà thầu tham dự nhưng tại biên bản mở thầu, đã có nhà thầu chào giá thấp hơn 30% so với giá gói thầu được duyệt. Có trường hợp khác dù chỉ có 1 nhà thầu tham dự nhưng giá dự thầu cũng giảm sâu vì nhà thầu đó không dự đoán được sẽ có bao nhiêu đối thủ nên họ chào giá rất cạnh tranh” – ông Hùng dẫn chứng.

Nhìn nhận khách quan về số lượng nhà thầu dự thầu qua mạng thấp hơn so với đấu thầu truyền thống, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng bày tỏ, cần phải chú trọng hơn nữa công tác phổ biến, đào tạo để các nhà thầu nhận thức được rằng ĐTQM đang dần chiếm lĩnh và là xu hướng phát triển tất yếu của công tác đấu thầu. Việc tăng cường phổ biến, đào tạo cần sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cũng như sự phối hợp của các CĐT/BMT để giúp tăng nhận thức của nhà thầu và các bên liên quan về ĐTQM.

Tuy nhiên, bà Hằng cũng thẳng thắn chỉ ra, việc CĐT/BMT có cài cắm những điều kiện trong HSMT đến mức độ chỉ có 1 nhà thầu có thể đáp ứng được cũng là một trong những nguyên nhân khiến thực trạng này còn phổ biến. Khi HSMT được phát hành miễn phí trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, có rất nhiều nhà thầu có thể tiếp cận được. “Tuy nhiên, khi họ đọc HSMT và nhận ra được sự cài cắm này thì họ cảm thấy không cần phải tham gia nữa. Đơn cử, có gói thầu mua sắm thiết bị lưu trữ tài liệu thông thường, nhưng HSMT lại yêu cầu phải có “lưu trữ viên chính”. Trong khi đó, lưu trữ viên chính thì đương nhiên các nhà thầu ở khu vực nhà nước thì mới có nhân sự này, còn công ty tư nhân thì không có. Đó cũng là tình trạng mà đấu thầu truyền thống và ĐTQM đang gặp phải” – bà Hằng dẫn chứng.

Do đó, với những HSMT cài cắm tiêu chí như vậy thì trách nhiệm lại thuộc về các CĐT/BMT và các bên này cần phải xem xét lại trách nhiệm của mình để lập được một HSMT có chất lượng, minh bạch và có tính cạnh tranh cao.

Chuyên đề