Đấu thầu mua máy vi tính tại Đồng Nai: Kỳ quặc và nhiều bất bình

(BĐT) - Câu chuyện chủ đầu tư trả lời một đằng, đơn vị quản lý trả lời một nẻo tại 10 gói thầu mua sắm thiết bị máy vi tính cho các trường THCS tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã khiến nhiều nhà thầu nghi ngờ về tính minh bạch. 
Trong thời gian phát hành HSYC, cổng Trường THCS Trịnh Hoài Đức đóng im ỉm. Ảnh: Văn Huyền
Trong thời gian phát hành HSYC, cổng Trường THCS Trịnh Hoài Đức đóng im ỉm. Ảnh: Văn Huyền

Đến nay, hồ sơ yêu cầu (HSYC) mà nhà thầu tiếp cận được lại lộ ra những nội dung khiến nhà thầu càng bất bình. 

Mời thầu kỳ quặc

Có 10 trường THCS của huyện Trảng Bom được giao làm chủ đầu tư các gói thầu mua sắm thiết bị máy vi tính cho học sinh thực hành năm 2017. Cụ thể là các trường THCS: Nguyễn Bá Ngọc, Đinh Tiên Hoàng, Huỳnh Thúc Kháng (do Công ty TNHH Ngân Hải làm bên mời thầu, thời gian phát hành HSYC từ 16/6 đến 23/6/2017); Lý Tự Trọng, Trịnh Hoài Đức (do Công ty CP Tư vấn thiết kế đầu tư Tân Việt làm bên mời thầu, thời gian phát hành HSYC từ 8/6 đến 15/6/2017); Lê Đình Chinh, Minh Đức, Nguyễn Công Trứ, Phan Chu Trinh, Huỳnh Văn Nghệ (do Công ty TNHH Xây dựng Nguyễn Chương làm bên mời thầu, thời gian phát hành HSYC từ ngày 13/6 đến 20/6/2017).

Trong đó, 5 gói thầu do Tư vấn Nguyễn Chương mời thầu đăng ký địa điểm phát hành HSYC tại trường; 5 gói thầu do Tư vấn Tân Việt và Tư vấn Ngân Hải đã đăng ký bán HSYC tại trường và địa chỉ của tư vấn.

Cả 10 gói thầu nêu trên khi công bố thông tin thì đều có điểm chung là không thể hiện số điện thoại của chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư để các nhà thầu có thể liên hệ nếu cần, mà lại thể hiện số điện thoại di động của người đại diện của đơn vị tư vấn. Riêng Công ty TNHH Ngân Hải có thể hiện tên người đại diện cho chủ đầu tư (nhưng không có số điện thoại để liên hệ), còn 02 đơn vị còn lại thì không thể hiện. Cần lưu ý rằng, đây là thời điểm nghỉ hè, hầu như các hoạt động chính của các trường học đều tạm dừng. Và khi phóng viên Báo Đấu thầu vào cuộc tìm hiểu, nhiều trường cửa đóng then cài, trường thì chỉ có bảo vệ trực, trường duy nhất gặp được hiệu trưởng thì được trả lời là “đã có hợp đồng, không mua bán gì hết”. Câu hỏi đặt ra, nếu Báo Đấu thầu không phản ánh thông tin, trách nhiệm của những đơn vị có liên quan ở đâu khi nhà thầu không thể mua được HSYC?

Đại diện nhà thầu có liên hệ vào số điện thoại di động của Tư vấn Tân Việt - 0965793940 thì vị tư vấn này hỏi ngược lại nhà thầu là đã đăng ký tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa và yêu cầu nhà thầu phải gửi email xác nhận đã đăng ký tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo địa chỉ email là Tdanh272326675@gmail.com. Khi nhà thầu gửi email và gọi điện lại để xác nhận thì vị tư vấn này nói do đang chạy xe ngoài đường, để gọi lại sau. Và kể từ thời điểm này, nhà thầu đã liên hệ rất nhiều lần với số điện thoại của vị đại diện tư vấn này nhưng đều bất thành do điện thoại đổ chuông mà không có ai nghe máy.

Ngày 13/6/2017, đại diện nhà thầu này liên hệ với Trường THCS Nguyễn Công Trứ để mua HSYC, nhưng phía đại diện Nhà trường không biết thông tin gì về gói thầu. Sau khi liên hệ với Hiệu trưởng Nhà trường bất thành, với sự kiên quyết của nhà thầu, đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Xây dựng Nguyễn Chương đã bố trí cán bộ bán HSYC lúc 12 giờ trưa tại một quán cafe.

HSYC quá cẩu thả

Sau khi mua được HSYC từ Tư vấn Nguyễn Chương, qua xem xét đánh giá 03 bộ hồ sơ của 03 trường, nhà thầu phản ánh với đại diện phía tư vấn một số điểm trong HSYC chưa thể hiện rõ ràng là phần thông số kỹ thuật tốc độ, thế hệ của CPU và màn hình vi tính thì không có kích thước, độ phân giải, cổng kết nối. Nhưng đại diện phía tư vấn trả lời ngắn gọn là “HSYC quá dễ, ai cũng làm được. Nhà thầu tự lựa chọn” rồi ra về ngay.

Về HSYC gói thầu mua sắm thiết bị máy vi tính của 03 trường THCS mà nhà thầu đã mua được (các trường: Lê Đình Chinh, Minh Đức và Nguyễn Công Trứ), các nhà thầu phản ánh về công tác lập HSYC. Theo các nhà thầu, “phía tư vấn đã vi phạm nghiêm trọng quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu tại Điều 89 Luật Đấu thầu, như: Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSYC; điển hình như: nêu nhãn hiệu, model đối với mainboard là Gigabyte H81M DS2, HDD Seagate 500GB, Nguồn SD600W, Case SD8835, DVDRW Samsung/ASUS”. “Trong khi đó CPU là bộ xử lý trung tâm, thiết bị quan trọng nhất của máy vi tính, kích thước màn hình vi tính thì phía đơn vị tư vấn để cho “nhà thầu tự lựa chọn”. Vậy khi đánh giá theo tiêu chí đạt hay không đạt, phía đơn vị tư vấn căn cứ vào đâu để đánh giá?”, câu hỏi này được các nhà thầu đặt ra khi tiếp cận HSYC.

Theo đánh giá của một số đơn vị tư vấn cũng như nhà thầu trong lĩnh vực trang thiết bị máy vi tính, HSYC của 03 gói thầu nêu trên cho thấy, phần thông số kỹ thuật được soạn quá qua loa, sơ sài và gây khó khăn cho nhà thầu khi chào giá. “Chúng tôi đã tham gia đấu thầu hàng chục gói thầu mua sắm máy vi tính cho trường học. Và chưa bao giờ chúng tôi tiếp nhận một bộ HSYC với thông số kỹ thuật được viết mang tính đối phó như tại 3 gói thầu này”, một nhà thầu cho biết.

Đến nay, phía các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có câu trả lời về việc có hay không việc “đã có nhà thầu cung cấp, các trường không mua bán gì cả”. Và việc tổ chức bán HSYC cũng như toàn bộ quá trình tổ chức đấu thầu của 10 gói thầu nêu trên sẽ được UBND huyện Trảng Bom giám sát như thế nào để đạt mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả?

Chuyên đề