Đấu thầu điện tử để cải thiện minh bạch

(BĐT) - Để cải thiện chất lượng công tác giải quyết kiến nghị trong đấu thầu mua sắm công, Học viện Chính sách và Phát triển (APD) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp  với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức nghiên cứu và khảo sát về tình trạng kiến nghị và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu mua sắm công của nhà thầu Việt Nam. 
Cuối năm 2018, Bộ KH&ĐT sẽ đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng trong giai đoạn 2016 - 2018 để báo cáo Chính phủ và đề xuất tỷ lệ áp dụng cho giai đoạn tiếp theo
Cuối năm 2018, Bộ KH&ĐT sẽ đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng trong giai đoạn 2016 - 2018 để báo cáo Chính phủ và đề xuất tỷ lệ áp dụng cho giai đoạn tiếp theo

Kết quả nghiên cứu sẽ giúp APD và WB tổng hợp và đề xuất về cơ chế chính sách – cơ chế nhằm cải thiện công tác đấu thầu, kiến nghị và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu mua sắm công theo hướng ngày càng công bằng và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tại cuộc Tọa đàm báo cáo về kết quả cuộc khảo sát và đóng góp ý kiến cho nghiên cứu diễn ra vào trung tuần tháng 6/2018, những kết quả bước đầu từ cuộc khảo sát ý kiến của hơn 2.000 nhà thầu đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia về việc kiến nghị và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu mua sắm công đã được đưa ra. 

Tăng cường đấu thầu qua mạng

Kết quả nghiên cứu và khảo sát bước đầu được Nhóm nghiên cứu đưa ra tại buổi Tọa đàm cho thấy “tăng cường đấu thầu qua mạng” được đề xuất là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để cải thiện công tác giải quyết kiến nghị trong đấu thầu mua sắm công tại Việt Nam.

Theo đó, trả lời câu hỏi “Nhà nước cần làm gì để cải thiện công tác giải quyết kiến nghị trong đấu thầu mua sắm công?”, các nhà thầu và các bên mời thầu được khảo sát đã đưa ra các đề xuất về những việc lớn cần làm, trong đó đáng chú ý là đề xuất tăng cường đấu thầu qua mạng chiếm tỷ lệ cao thứ 2 trong số 7 nhóm giải pháp được đề xuất, gồm: cải thiện hệ thống quy định pháp luật (1), tăng cường đấu thầu qua mạng (2), lập cơ quan độc lập giải quyết kiến nghị (3), tăng chế tài xử lý vi phạm đấu thầu (4), xử phạt nặng việc đặt tiêu chí bất công (5), phạt nặng thi công trước đấu thầu sau (6) và các giải pháp khác (7). Cụ thể là, có 47,71% số nhà thầu và 49,43% số bên mời thầu lựa chọn giải pháp “tăng cường đấu thầu qua mạng”. Trong khi đó, tỷ lệ lựa chọn cao nhất thuộc về giải pháp “cải thiện hệ thống quy định pháp luật” với 51,31% số nhà thầu và 57,47% số bên mời thầu lựa chọn.

Thực tiễn tiếp nhận phản ánh của nhà thầu và bạn đọc thông qua Đường dây nóng của Báo Đấu thầu thời gian qua cho thấy một lượng lớn các kiến nghị liên quan đến việc hạn chế nhà thầu mua HSMT và nộp HSDT trong các cuộc đấu thầu truyền thống. Việc tăng cường đấu thầu qua mạng sẽ giúp hạn chế tối đa các tiêu cực này vì HSMT sẽ được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và nhà thầu sẽ nộp HSDT trực tuyến.

Qua phân tích các kinh nghiệm và mong muốn của các bên liên quan, Nhóm nghiên cứu cũng bước đầu đưa ra đề xuất về một số nhóm kiến nghị nhằm cải thiện công tác giải quyết kiến nghị và tăng cường chất lượng đấu thầu mua sắm công. Trong đó có các đề xuất cụ thể đối với vấn đề “tăng cường sử dụng đấu thầu qua mạng” như: nâng cao chất lượng hạ tầng mạng đấu thầu quốc gia đảm bảo tiếp cận dễ dàng, đơn giản, thời gian đăng ký và tham dự thầu được rút ngắn; có thể tiếp nhận những HSDT có dung lượng lớn; đào tạo, phổ biến rộng rãi đấu thầu qua mạng; khẩn trương tổ chức đấu thầu tất cả các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; yêu cầu công khai HSMT lên mạng…

Cuối 2018 sẽ đề xuất lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng mới

Quá trình triển khai áp dụng đấu thầu qua mạng tại Việt Nam đến nay đã được 08 năm, có thể chia thành 03 cột mốc chính: Từ năm 2010 đến năm 2012 áp dụng thí điểm tại một số đơn vị; từ năm 2013 đến năm 2015, mở rộng thí điểm trên phạm vi cả nước và hoàn thiện khung khổ pháp lý; từ năm 2016 áp dụng chính thức trên phạm vi cả nước theo lộ trình quy định. Được biết, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp đẩy mạnh đấu thầu qua mạng đối với hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên và hoạt động mua sắm công tập trung theo tinh thần của Quyết định số 1402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025 (QĐ1402). Bên cạnh đó, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cũng sẽ được nâng cấp để cải tiến tốc độ, tính năng, dung lượng HSMT, HSDT, đem lại sự tiện dụng cho người sử dụng.

Năm 2018 là năm thứ 3 cả nước chính thức thực hiện đấu thầu qua mạng theo lộ trình quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC (bắt đầu từ ngày 01/01/2016). Theo thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thì số lượng bên mời thầu, nhà thầu đăng ký vào Hệ thống để cung cấp đăng tải thông tin và thực hiện đấu thầu qua mạng có sự gia tăng đáng kể theo từng năm. Cụ thể, số lượng bên mời thầu đăng ký tham gia Hệ thống trong năm 2017 là 17.637, tăng khoảng gấp 1,5 lần so với năm 2016 (17.637/12.264); số lượng nhà thầu là 62.018, tăng khoảng gấp 1,5 lần so với năm 2016 (62.018/44.281). Số lượng kế hoạch lựa chọn nhà thầu và thông báo mời thầu đăng tải trong năm 2017 lần lượt là 68.973 (tăng gấp 1,5 lần so với năm 2016, 68.973/46.898) và 93.000 thông báo mời thầu (nhiều hơn năm 2016 là 12.000 thông báo mời thầu).

Đã có tổng cộng hơn 16.000 gói thầu trên cả nước áp dụng đấu thầu qua mạng, trong đó: Giai đoạn 2010 - 2015: 2.073 gói; năm 2016: 3.327 gói (tổng giá trị 3.020 tỷ đồng); năm 2017: 8.200 gói (tổng giá trị 12.000 tỷ đồng); quý I/2018: 2.400 gói.

Ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia thuộc Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, hiện nay Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã cung cấp chức năng đấu thầu điện tử đối với hầu hết các hình thức, phương thức đấu thầu bao gồm chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi một giai đoạn một túi hồ sơ và một giai đoạn hai túi hồ sơ; có khả năng áp dụng cho các gói thầu lĩnh vực hàng hóa, xây lắp, tư vấn, phi tư vấn. Trong quý III/2018, Hệ thống sẽ được nâng cấp, bổ sung thêm nhiều tính năng mới cho phép bên mời thầu, nhà thầu tải file dung lượng lớn nhằm giải quyết vướng mắc cho các gói thầu lớn, phức tạp, đặc biệt là các gói thầu xây lắp đòi hỏi nhiều bản vẽ dung lượng cao.

Cũng theo ông Hùng, trong năm 2018, Bộ KH&ĐT sẽ hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư thực hiện xây dựng, vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới theo hình thức PPP để thay thế hệ thống hiện tại. Dự kiến, Hệ thống mới sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020 với nhiều tính năng ưu việt, tin học hóa toàn bộ quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, có đầy đủ các cơ sở dữ liệu về năng lực, kinh nghiệm nhà thầu, quản lý hợp đồng.

Theo QĐ1402, cuối năm 2018, Bộ KH&ĐT sẽ tiến hành đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện trong giai đoạn 1 (2016 - 2018) để báo cáo Chính phủ tình hình áp dụng đấu thầu qua mạng làm cơ sở đề xuất quy định lộ trình cho giai đoạn tiếp theo đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và mục tiêu triển khai áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong các dịch vụ công.      

Chuyên đề