Đánh giá năng lực nhà thầu tham gia dự án do bộ NN&PTNT quản lý: 11 nhà thầu bị “cấm cửa”

(BĐT) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa công bố đánh giá năng lực các nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng do bộ này quản lý 6 tháng cuối năm 2017. 
Bên cạnh xử lý mạnh các nhà thầu vi phạm, chủ đầu tư cần tập trung đôn đốc nhà thầu khẩn trương khắc phục các tồn tại. Ảnh: Gia Khoa
Bên cạnh xử lý mạnh các nhà thầu vi phạm, chủ đầu tư cần tập trung đôn đốc nhà thầu khẩn trương khắc phục các tồn tại. Ảnh: Gia Khoa

Danh sách này có tới 11 nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, trong đó có cả những nhà thầu “tái phạm” khiến cánh cửa để họ tham gia các dự án mới ngày càng thu hẹp lại.

Xuất hiện nhà thầu “chây ì”

Trong kỳ đánh giá 6 tháng cuối năm 2017, qua đánh giá năng lực của 1.214 nhà thầu tham gia các dự án do Bộ NN&PTNT quản lý, có 11 nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, giảm 6 nhà thầu so với kỳ đánh giá 6 tháng cuối năm 2016. Hình thức xử lý đối với 11 nhà thầu này là không được tham dự gói thầu mới do Bộ NN&PTNT quản lý cho đến khi khắc phục xong các vi phạm hợp đồng của gói thầu dở dang, được chủ đầu tư xác nhận hoàn thành. 

Trong 11 nhà thầu trên, có 4 nhà thầu vi phạm mới gồm: Liên danh Công ty CP Đầu tư và Thương mại DKT - Công ty CP Công nghệ Gcom; Công ty CP Ứng dụng khoa học kỹ thuật Việt Nam; Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng TJ Việt Nam. Nguyên nhân là các nhà thầu này vi phạm về tiến độ hoặc không đáp ứng yêu cầu về nhân lực, thiết bị tại các gói thầu/dự án thuộc Bộ NN&PTNT quản lý.

Đáng chú ý, danh sách chỉ ra 7 nhà thầu “chây ì” tái phạm từ kỳ đánh giá trước đó. Các nhà thầu này bao gồm: Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng Ngọc Việt; Công ty CP Sông Đà 25; Công ty TNHH Techcom Life Technologies Việt Nam; Công ty CP Xây dựng và Vật tư thiết bị; Công ty CP Xây dựng đê kè thủy lợi Hưng Yên; Công ty CP Đầu tư và Vật tư thiết bị 79; Công ty CP Thiết kế và Xây dựng An Đông.

Cụ thể, Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng Ngọc Việt không đáp ứng yêu cầu về tiến độ thi công và nhân lực thi công tại Gói thầu số 3 Thi công xây lắp nhà giáo dục thể chất kết hợp đa năng, sân bóng đá, đường chạy, sân bóng chuyền và thiết bị (Trường Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ là Chủ đầu tư); Công ty CP Sông Đà 25 không đáp ứng yêu cầu về tiến độ thi công Lô 02, Gói thầu B.2.1 Thi công kênh và công trình kênh từ K4+700- K10+00 thuộc Dự án Phát triển hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã, tỉnh Thanh Hóa nên bị Sở NN&PTNT Thanh Hóa kiến nghị Bộ NN&PTNT không cho nhà thầu tham dự gói thầu mới để tập trung thi công gói thầu dở dang… 

Cửa hẹp cho nhà thầu vi phạm

Cũng theo Bộ NN&PTNT, thời điểm thực hiện công bố đánh giá năng lực các nhà thầu tham gia dự án của ngành đã có 6 nhà thầu khắc phục các vi phạm hợp đồng ở kỳ đánh giá trước. 6 nhà thầu này là: Liên danh Công ty CP Tập đoàn quốc tế Đông Á - Công ty CP Xây dựng Anh Phương - Công ty CP Xây dựng thủy lợi Hà Tây; Công ty CP Nhật Long; Công ty TNHH Xây dựng Triều Phát; Công ty CP Xây lắp thủy sản II.
Bộ NN&PTNT khẳng định, việc công bố đánh giá năng lực các nhà thầu dựa trên cơ sở báo cáo đề nghị của các chủ đầu tư, chủ dự án và các đơn vị làm đầu mối thẩm định về năng lực nhà thầu tham gia các dự án do Bộ quản lý. Trên cơ sở kết quả đánh giá, Bộ thanh lọc những nhà thầu có năng lực yếu, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả của các gói thầu/dự án.

“Một khi nhà thầu vi phạm, có “điểm đen” thì họ sẽ không thể có cơ hội tham gia thêm bất kỳ một gói thầu nào khác không chỉ riêng của ngành nông nghiệp mà còn nhiều ngành kinh tế khác”, Đại diện Cục Quản lý công trình xây dựng thuộc Bộ NN&PTNT khẳng định.

Theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp thì nhà thầu có lịch sử không hoàn thành hợp đồng trong khoảng thời gian từ 3 - 5 năm sẽ bị loại trong bước đánh giá năng lực, kinh nghiệm. Như vậy, nhà thầu không hoàn thành hợp đồng gần như bị cấm thầu trong vòng từ 3 - 5 năm.

Bên cạnh xử lý mạnh các nhà thầu vi phạm bằng việc xử lý vi phạm hợp đồng theo quy định, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các chủ đầu tư cần tập trung đôn đốc quyết liệt, giám sát chặt chẽ, tạo điều kiện để nhà thầu khẩn trương khắc phục các tồn tại, đáp ứng yêu cầu hợp đồng.

Các chủ đầu tư cần kiểm tra, rà soát, báo cáo kết quả thực hiện hợp đồng của các nhà thầu có tên trong “danh sách đen” nêu trên và tổng hợp gửi về Bộ NN&PTNT. Trường hợp các chủ đầu tư không nghiêm túc báo cáo kết quả thực hiện của nhà thầu thì Bộ NN&PTNT sẽ xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị được Bộ giao làm chủ đầu tư.

Chuyên đề