Đại hạ giá - cuộc đua khốc liệt của các nhà thầu kiểm toán

(BĐT) - Không chỉ với những “ông lớn” danh tiếng nằm trong nhóm Big 4 (PricewaterhouseCoopers (PWC), Deloitte, Ernst and Young (E&Y) và Công ty TNHH KPMG (KPMG), cuộc đua giữa các nhà thầu tư vấn kiểm toán đang ngày càng khốc liệt. 
Gói thầu Kiểm toán Báo cáo tài chính giai đoạn 2016 - 2018 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam có giá trúng thầu giảm tới 46,99% so với giá gói thầu. Ảnh: Hoài Tâm
Gói thầu Kiểm toán Báo cáo tài chính giai đoạn 2016 - 2018 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam có giá trúng thầu giảm tới 46,99% so với giá gói thầu. Ảnh: Hoài Tâm

Thậm chí, có nhà thầu phải giảm giá tới 2/3 giá gói thầu để có thể trúng thầu, chỉ mong “năng nhặt chặt bị”. Trước tình trạng đó, hơn bao giờ hết, vấn đề chất lượng kiểm toán lại được đặt ra.

Cuộc đua không của riêng ai

Theo khảo sát, những gói thầu kiểm toán có giá từ 5 tỷ đồng trở lên thường thuộc về các nhà thầu kiểm toán thuộc Big 4 hoặc công ty kiểm toán có tiếng trong nước. Các công ty kiểm toán nhỏ, ít tên tuổi hơn khó cạnh tranh trong phân khúc này. Nhưng có một thực tế là dù gói thầu quy mô lớn hay nhỏ, cuộc đua giữa các nhà thầu vẫn rất quyết liệt.

Một trong những gói thầu tư vấn kiểm toán quy mô lớn có mức giảm giá “khủng” là Gói thầu Kiểm toán Báo cáo tài chính giai đoạn 2016 - 2018 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP mà KPMG trúng thầu. Với giá gói thầu là 11,78 tỷ đồng, KPMG đã giảm giá tới 46,99% để trở thành người chiến thắng.

Trường hợp tương tự tại Gói thầu Kiểm toán Báo cáo tài chính năm của Agribank giai đoạn 2015 - 2016 và soát xét Báo cáo tài chính bán niên 2016 của Agribank, giá trúng thầu của E&Y là 9,674 tỷ đồng, giảm tới 38,9% so với giá gói thầu. Ở một trường hợp khác, Gói thầu Kiểm toán báo cáo tài chính năm và soát xét báo cáo tài chính bán niên của Agribank giai đoạn 2017 - 2018 của Agribank, giá trúng thầu của E&Y là 9,666 tỷ đồng, giảm giá tới 25,5% (3,314 tỷ đồng) so với giá gói thầu.

Với mức giá 10,688 tỷ đồng, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam giành được Gói thầu Cung cấp dịch vụ soát xét báo cáo tài chính bán niên, kiểm toán báo cáo tài chính năm và kiểm toán hoạt động của hệ thống Kiểm soát nội bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho năm tài chính 2016 và 2017. Điều đáng nói là mức giảm giá cũng vào loại khá cao, xấp xỉ 7,5%.

Ở phân khúc từ 5 tỷ đồng trở xuống, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (AASC), một những công ty kiểm toán ra đời sớm nhất tại Việt Nam, được nhiều khách hàng đánh giá khá cao nhưng cũng không dễ gì thắng thầu. Ví dụ, giá trúng thầu của AASC tại Gói thầu RAI/CS4B Kiểm toán tài chính dự án giai đoạn 2 thuộc Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP), Gói thầu Kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành thuộc Dự án Nhà máy Sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa, Gói thầu Kiểm toán công trình thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 gường, tỉnh Bình Dương lần lượt có tỷ lệ giảm giá là hơn 84%, 79% và 77,29%...

Ở phân khúc thấp hơn, Công ty TNHH Kế toán và Kiểm toán Phương Nam là nhà thầu thường xuyên có giá trúng thầu giảm trên dưới 50% so với giá gói thầu, chẳng hạn như Gói thầu Tư vấn kiểm toán thuộc Dự án Cải tạo, sửa chữa Bưu cục Hố Nai 3, tỉnh Đồng Nai... 

Có bảo đảm chất lượng kiểm toán?

Sự cạnh tranh khốc liệt bằng cách giảm giá đặt ra câu hỏi về chất lượng kiểm toán của các nhà thầu. Thực tế, trong quá khứ đã có những bài học “cay đắng”, đáng để kiêng dè, tránh “đi theo vết xe đổ”.

Liên quan đến chất lượng kiểm toán tại Việt Nam, mới đây nhất Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Thăng Long - TDK  bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách tổ chức kiểm toán độc lập được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán kể từ ngày 11/10/2016 đến 31/12/2016 vì đã ký vào Báo cáo kiểm toán của Công ty CP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung - một doanh nghiệp “ma”... Không chỉ vậy, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 của 14 công ty ký bởi TDK cũng bị coi là không hợp lệ.

Vào năm 2012, 3 kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội, Công ty TNHH BDO Việt Nam và Công ty Kiểm toán Mỹ AA cũng đã phải trả giá đắt vì để lọt lưới hành vi gian lận của Công ty CP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) nhằm thao túng giá chứng khoán. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) cùng các đồng phạm đã bị phạt tù.

Một vụ việc khác là sự sụp đổ của Vinashin. Lý giải về nguyên nhân thua lỗ, nợ nần của Vinashin, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, Thanh tra Chính phủ còn nêu ra nguyên nhân chủ quan như thiếu điều lệ tổ chức hoạt động, quy chế quản lý tài chính không chặt chẽ. Về phương diện tài chính, theo Thanh tra Chính phủ, riêng trong năm 2009, Vinashin thực lỗ gần 5.000 tỷ đồng, nhiều hơn 3.300 tỷ đồng so với báo cáo tài chính của Tập đoàn. Thanh tra Chính phủ cho rằng, bản báo cáo của Vinashin (được thực hiện bởi KPMG) chưa phản ánh chính xác về nguồn vốn, tài sản của Tập đoàn...

Chuyên đề