Cửa nào cho hàng Việt trong đấu thầu?

(BĐT) - Sau cuộc kiểm tra đột xuất một loạt gói thầu sử dụng ngân sách có hành vi phân biệt đối xử với hàng Việt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã liên tục có văn bản yêu cầu chấn chỉnh đội ngũ tư vấn đấu thầu. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư coi nhẹ việc này, dẫn đến tình trạng nhiều gói thầu vẫn nói không với hàng Việt. Mới đây nhất là Gói thầu tại Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội.

Nói không với hàng Việt

Ngày 8/12/2016, nhà thầu Công ty CP Thang máy Thiên Nam cung cấp cho Báo Đấu thầu thông tin về việc bị bên mời thầu phân biệt đối xử với hàng đã sản xuất được trong nước. Theo đó, nhà thầu này cho biết, Gói thầu Cung cấp lắp đặt thang máy 6 điểm dừng thuộc Dự án Xây dựng trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Chủ đầu tư của Dự án là Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội. Theo thông báo mời thầu đăng tải trên Báo Đấu thầu, Gói thầu sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, hình thức đấu thầu là chào hàng cạnh tranh trong nước. Phương thức lựa chọn nhà thầu là một giai đoạn một túi hồ sơ. Gói thầu phát hành hồ sơ yêu cầu là từ ngày 7/12 đến 14/12/2016.

Hồ sơ yêu cầu của Gói thầu được nhà thầu Thang máy Thiên Nam cung cấp cho Báo Đấu thầu cho thấy, danh mục thiết bị bao gồm 01 thang máy tải khách có phòng máy 6 điểm dừng, tải trọng 600 kg, xuất xứ hàng hóa phải “nhập khẩu G7 hoặc tương đương”. Lãnh đạo nhà thầu Thang máy Thiên Nam cho biết: “Sau khi được nhận Hồ sơ yêu cầu từ chủ đầu tư, về nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, với yêu cầu xuất xứ hàng hóa nêu trên, các nhà thầu chuyên sản xuất thang máy trong nước không thể đáp ứng được. Việc yêu cầu xuất xứ hàng hóa nhập khẩu G7 hoặc tương đương là hành vi phân biệt đối xử nặng nề với hàng hóa sản xuất được trong nước. Điều này đi ngược lại hoàn toàn với tinh thần của Luật Đấu thầu, với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, với các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng hàng Việt”.

Một chuyên gia đấu thầu nhận xét, hiện tượng “sính ngoại” khi tổ chức đấu thầu thường gặp ở những chủ đầu tư hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước để hoạt động. “Hiện tượng liên tục tái diễn tình trạng các hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh có các yêu cầu như: Nhập khẩu đồng bộ 100%, nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện, xuất xứ G7, EU… đều được thực hiện với ý đồ tạo nên tinh thần cạnh tranh không minh bạch trong đấu thầu. Các tư vấn đấu thầu khi lập HSMT với các yêu cầu vô lý như trên chưa bị xử lý đến nơi đến chốn, dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi nhiều địa phương đôn đốc sử dụng hàng Việt trong đấu thầu, chấn chỉnh đội ngũ tư vấn” - chuyên gia này đánh giá. 

Nốt trầm của nhà thầu Việt

Ngày 4/2/2016, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản 228/TTg-KTN yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt Chỉ thị 494/CT-TTg để tăng cường việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu “trong hồ sơ mời thầu không được quy định cụ thể xuất xứ hàng hóa, cũng như không được đưa yêu cầu hàng hóa nhập khẩu nguyên chiếc…” để đảm bảo thúc đẩy sản xuất hàng nội địa.
Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là cơ khí, nhà sản xuất thang máy và máy phát điện có lẽ đang “ngấm đòn” nhiều nhất từ hành vi phân biệt đối xử đối với hàng sản xuất được trong nước. Lãnh đạo các đơn vị này khi chia sẻ với Báo Đấu thầu đều có nhiều sự chán nản, thất vọng với cách hành xử của các chủ đầu tư, tư vấn đấu thầu khi lập “hàng rào kỹ thuật” chặn hàng Việt trong các bộ HSMT.

“Sở dĩ chúng tôi dám nói, dám mạnh mẽ phản ánh những tiêu cực này vì từ lâu chúng tôi coi nguồn thu chính của mình là khối khách hàng tư nhân, khách hàng là doanh nghiệp FDI, thậm chí là trở thành đối tác cung cấp cho các doanh nghiệp nước ngoài, không sợ ảnh hưởng bởi các mối quan hệ thân hữu. Chúng tôi không phụ thuộc nhiều vào các chủ đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước sẽ bị bào mòn bởi lợi ích nhóm, hàng Việt bế tắc tìm đầu ra. Và điều quan trọng hơn, kỷ cương đối với các tư vấn đấu thầu khi lập HSMT cố tình loại bỏ hàng Việt còn quá lỏng lẻo, nên hiện tượng phân biệt đối xử với hàng sản xuất trong nước ngày càng lan rộng, biến tướng” - Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam buồn bã.

Công ty CP Thang máy Thiên Nam còn cho biết, nhà thầu này có hẳn một kho lưu những bộ HSMT “mua cho vui”, trong đó có những yêu cầu nhập khẩu 100% từ hàng loạt chủ đầu tư từ Nam chí Bắc. Có thể kể tên các gói thầu như: Gói thầu số 5 (Cung cấp và lắp đặt hệ thống thang máy thuộc Dự án Xây dựng trụ sở làm việc Chi cục Thuế quận Phú Nhuận); Gói thầu số 4 (Cung cấp và lắp đặt thang máy thuộc dự án trụ sở làm việc Chi cục Thuế quận 5), một số gói thầu thuộc Dự án Bệnh viện Sản Nhi Long An, Bệnh viện Lao Kiên Giang… đều yêu cầu xuất xứ hàng hóa phải từ các nước G7. “Nếu không tăng cường tính nghiêm minh khi thực thi Luật Đấu thầu, không thực hiện quyết liệt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến các chủ đầu tư, đặc biệt là tư vấn đấu thầu, kho chứa HSMT “mua cho vui” của các nhà thầu Việt đang nỗ lực cung cấp sản phẩm có chất lượng cao sẽ ngày càng nhiều hơn”, nhà thầu này ngậm ngùi.

Chuyên đề