Chưa có dự toán kinh phí chặt hàng nghìn cây xanh ở Hà Nội

(BĐT) - Việc chặt hạ cây xanh tại Hà Nội trước đây từng đặt ra nhiều băn khoăn khi thông tin đấu giá, đấu thầu rất hạn chế, thiếu minh bạch. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Chiều 6/6, tại cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng đã thông tin chính thức về phương án di chuyển giải tỏa 1.300 cây xanh trên khu vực đường Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, thông tin về đấu giá, đấu thầu hoạt động này cũng không có gì mới hơn những lần trước. 

Chưa có dự toán kinh phí chính thức

Ông Lê Văn Dục cho biết, phương án dịch chuyển, giải tỏa và cắt tỉa cây xanh trên tuyến đường do Tổng công ty Tư vấn giao thông vận tải TEDI (Bộ Giao thông vận tải) xây dựng nhằm giải phóng mặt bằng phục vụ thi công Dự án Đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 Hà Nội. Theo phương án mà TEDI đưa ra, toàn tuyến đường có tổng số 1.315 cây xanh, trong đó giữ nguyên vị trí 142 cây, dịch chuyển 158 cây, 1.015 cây còn lại phải giải tỏa, chặt hạ.

Trước câu hỏi về kinh phí dự tính dành cho việc dịch chuyển, chặt hạ cây xanh, ông Lê Văn Dục cho biết, khi xây dựng phương án, có dự toán về kinh phí. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự toán. Hiện Hà Nội chưa quyết định phương án tối ưu đối với số cây xanh nói trên. “Thành phố còn phải cân nhắc, xem xét lượng cây dịch chuyển để tái sử dụng, lượng cây phải giải tỏa và còn lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia... Khi có phương án tối ưu thì mới có dự toán kinh phí chính thức” - ông Dục cho biết.

Cũng theo ông Dục, khi có phương án chính thức thì sẽ triển khai theo các quy định, cần đấu thầu sẽ đấu thầu và tùy điều kiện sẽ xác định đấu thầu rộng rãi hay đấu thầu hạn chế. Thậm chí, nếu được chỉ định thầu thì đơn vị được giao sẽ tiến hành theo đúng các quy định.

Được biết, Dự án Đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 Hà Nội có tổng chiều dài dự án 5.367m với 3 nút giao Hoàng Quốc Việt, Tây Thăng Long, Nam Thăng Long và 3 cụm cầu nhánh lên, xuống, đường nhánh kết nối đường đô thị dưới cầu với cầu Thăng Long.

Theo ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng thuộc Vành đai 3 (đoạn từ Mai Dịch - đến cầu Thăng Long) là để phục vụ Dự án Xây dựng, mở rộng tuyến đường theo quy hoạch đã phê duyệt.

Để triển khai Dự án, chủ đầu tư  - Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành giải phóng mặt bằng, giải tỏa 884 hộ dân, 57 đơn vị cơ quan, công trình hạ tầng kỹ thuật như điện cao thế 110KV, điện trung thế 22KV, điện hạ thế 0,4KV, di chuyển hệ thống thông tin của 18 cơ quan, di chuyển hệ thống nước sạch nằm trong chỉ giới đường đỏ của Dự án. Chi phí giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 65% giá trị tổng mức đầu tư của Dự án.

Ngoài việc giải tỏa công trình nhà, công trình hạ tầng, dọc tuyến đường có lượng cây xanh đáng kể cần phải tính toán, xử lý phục vụ công tác triển khai làm đường. Phương án dịch chuyển, giải tỏa cây xanh do TEDI tư vấn nói trên đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội thống nhất. 

Chưa quyết việc chặt 1.015 cây xanh

Tại cuộc họp, ông Lê Văn Dục khẳng định, Hà Nội “chưa quyết” việc chặt 1.015 cây xanh này. Việc này còn cần lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học và để đông đảo người dân biết, tham gia ý kiến, từ đó có được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân. 

Trong dự án này, Hà Nội yêu cầu cây xanh được trồng mới trên tuyến phải tương đương hệ thống cây xanh đã trồng đường Võ Chí Công. Dự án Đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long được thiết kế hệ thống cây xanh theo mô hình tuyến đường Võ Chí Công với tầng cây cao là 1.547 cây gồm nhiều loại như giáng hương, bàng đài loan, cọ dầu, ban hoàng hậu... Tầng cây bụi là 4.649 cây các loại như đại sứ, tường vi, ngọc bút, dâm bụt... và tầng thảm cỏ, cây thảm lá màu 60.772 m2 các loại gồm dương xỉ, ngọc trai, muống nhật, lan dẻ quạt...

Việc thiết kế cây xanh trồng mới tại Dự án bằng các loại cây đa dạng chủng loại, thành 3 - 4 tầng, góp phần cải thiện môi trường không khí, giảm tiếng ồn, giảm chi phí duy trì, giữ ẩm tạo màu xanh tạo cảnh quan đẹp.

Chuyên đề