Chữa bệnh hình thức trong giải quyết kiến nghị của nhà thầu

(BĐT) - Do có sự đùn đẩy, né tránh, giải quyết không thỏa đáng của các bên liên quan nên việc giải quyết kiến nghị của nhà thầu thời gian qua không hiệu quả. 
Để tránh lợi ích nhóm, có ý kiến cho rằng cần cơ quan độc lập với bên mời thầu và chủ đầu tư đứng ra để xử lý, giám sát việc xử lý kiến nghị của nhà thầu. Ảnh: Nhã Chi
Để tránh lợi ích nhóm, có ý kiến cho rằng cần cơ quan độc lập với bên mời thầu và chủ đầu tư đứng ra để xử lý, giám sát việc xử lý kiến nghị của nhà thầu. Ảnh: Nhã Chi

Theo ý kiến của một số chuyên gia, để “hóa giải” vấn đề này thì cần có cơ chế giám sát, đánh giá chặt chẽ kết quả giải quyết kiến nghị của nhà thầu thông qua một cơ quan chuyên trách, độc lập giải quyết tất cả nội dung kiến nghị của nhà thầu.

Kết quả giải quyết kiến nghị “hòa cả làng”!

Quá trình theo dõi và bám sát diễn biến nhiều kiến nghị của nhà thầu cho thấy, nhiều kiến nghị của nhà thầu có cơ sở, có bằng chứng cụ thể nhưng không được giải quyết một cách thỏa đáng. Theo quy định tại Điều 91 và Điều 92 của Luật Đấu thầu 2013, cấp trực tiếp giải quyết kiến nghị của nhà thầu là chủ đầu tư/bên mời thầu. Tuy nhiên, thực tế đấu thầu cho thấy, có không ít cán bộ của chủ đầu tư/bên mời thầu lại gây khó dễ, cản trở quyền lợi hợp pháp của nhà thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Vì vậy, việc giải quyết kiến nghị của nhà thầu bị nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu lảng tránh, đối phó và không thực sự quan tâm.

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh/thành phố là cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu ở địa phương cũng đang tham gia vào quá trình giải quyết kiến nghị của nhà thầu. Song theo ý kiến phản ánh của một số nhà thầu, trong việc giải quyết kiến nghị của một số cơ quan địa phương này vẫn còn có tình trạng nể nang khi các kiến nghị của nhà thầu liên quan đến các cơ quan đồng cấp hoặc trên cấp như: Viện Kiểm sát nhân dân; Tòa án nhân dân; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh… Đặc biệt, với chính các gói thầu do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư/bên mời thầu thì nhà thầu không biết “kêu ai”, kiến nghị lên ai ở địa phương. 

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho biết, thực tế đấu thầu xảy ra không ít hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu. Tuy nhiên, con số tổ chức, cá nhân bị xử lý về hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu được tổng kết hàng năm thì rất ít ỏi. Thực tế tiếp nhận nhiều hồ sơ, vụ việc liên quan đến đấu thầu cho thấy, nhiều trường hợp chủ đầu tư xem xét, xử lý kiến nghị của nhà thầu rất hình thức, xử lý cho có, nên kết quả xử lý gần như không thay đổi, không chấn chỉnh được những tiêu cực trong đấu thầu. Khi lợi ích chính đáng của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu kiến nghị lên cơ quan chức năng mà không được giải quyết thấu đáo thì sẽ dẫn đến tâm lý chán nản, bỏ cuộc và không dám kiến nghị nữa. Thực trạng này cho thấy, kết quả giải quyết kiến nghị của nhà thầu hiện nay đang “hòa cả làng”, khiến dư luận hết sức quan ngại về tính công bằng, minh bạch, cạnh tranh cũng như đặt những dấu hỏi lớn về “lợi ích nhóm” trong hoạt động đấu thầu. 

Cần có cơ quan độc lập giải quyết và giám sát?

Theo TS. Nguyễn Việt Hùng - chuyên gia về đấu thầu, chế tài của pháp luật về đấu thầu hiện đã quy định rất rõ về trách nhiệm giải quyết kiến nghị của nhà thầu của các cơ quan liên quan, từ địa phương đến Trung ương. Tuy nhiên, đa phần các cơ quan có trách nhiệm xử lý kiến nghị lại xử lý một cách hình thức, không có tính thuyết phục, không giải quyết được những vấn đề gốc rễ của hành vi vi phạm. Trong khi đó, có một thực tế hiện nay là không có một cơ quan nào đứng ra giám sát việc xử lý kiến nghị trong đấu thầu, đánh giá xem việc xử lý kiến nghị đó có thỏa đáng hay không. Đây cũng là nguyên nhân khiến các kiến nghị của nhà thầu không được quan tâm xem xét; là lỗ hổng cần phải được lấp đầy trong công tác quản lý nhà nước về đấu thầu hiện nay.

Còn Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, để tránh việc nể nang, “lợi ích nhóm” trong xử lý kiến nghị của nhà thầu thì rất cần có một cơ quan, đơn vị độc lập với bên mời thầu và chủ đầu tư đứng ra để xử lý, giám sát việc xử lý các kiến nghị của nhà thầu; đảm bảo việc xử lý kiến nghị của nhà thầu có cơ sở và có kết quả chính xác, đúng người, đúng việc; tạo sức mạnh răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu; lấy lại niềm tin cho nhà thầu trong việc dám đấu tranh để đòi lại những quyền lợi chính đáng của mình; từ đó thì cơ chế giải quyết kiến nghị của nhà thầu mới đạt được kết quả như mong muốn. “Kết quả xử phạt đối với các chủ đầu tư/bên mời thầu liên quan đến những nội dung xử lý kiến nghị của nhà thầu chưa tương xứng với hành vi vi phạm và những lợi ích mà chủ đầu tư/bên mời thầu đạt được từ các hành vi thông thầu, gian lận thầu. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao nhiều bên mời thầu, chủ đầu tư dù biết rõ mình đã có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu nhưng vẫn ngang nhiên phạm luật, thậm chí có biểu hiện nhờn luật” – Luật sư Nguyễn Thế Truyền phân tích.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Việt Hùng cho rằng, vấn đề cốt lõi trong việc giải quyết kiến nghị của nhà thầu vẫn là con người thực hiện. Pháp luật dù có đầy đủ, có hoàn thiện đến đâu nữa mà người “thừa hành” pháp luật không có tâm, không nâng cao ý thức và trách nhiệm giải quyết của mình trong quá trình thực hiện thì luật pháp cũng khó đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ hoạt động đấu thầu, trong đó có đội ngũ những người tham gia vào giải quyết kiến nghị trong đấu thầu là hết sức cần thiết. Làm tốt khâu này thì mới có hy vọng về việc nâng cao chất lượng của công tác đấu thầu nói chung, nâng cao hiệu quả của việc giải quyết kiến nghị của nhà thầu nói riêng.

Chuyên đề