Chủ đầu tư “bẻ ghi” tư vấn đấu thầu

(BĐT) - Thời gian qua, thông tin với Báo Đấu thầu, một số đơn vị tư vấn đấu thầu cho biết, dù được thuê nhưng ý kiến cũng như tờ trình báo cáo đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu đều bị chủ đầu tư “phủ quyết”. Thậm chí có chủ đầu tư còn ngang ngược yêu cầu tư vấn phải “sửa lại toàn bộ nội dung” của báo cáo đánh giá.
Việc tư vấn đấu thầu dám bảo lưu quan điểm trong quá trình đánh giá HSDT cho thấy sự chuyển biến tích cực, thể hiện được tiếng nói độc lập của tư vấn. Ảnh: Lê Tiên
Việc tư vấn đấu thầu dám bảo lưu quan điểm trong quá trình đánh giá HSDT cho thấy sự chuyển biến tích cực, thể hiện được tiếng nói độc lập của tư vấn. Ảnh: Lê Tiên

“Chúng tôi không thể biến lợn què thành lợn lành”

Đó là lời than vãn của một số tư vấn đấu thầu khi trao đổi với Báo Đấu thầu về những áp lực đối diện với các chủ đầu tư vừa không hiểu luật, vừa thích làm… liều khi lựa chọn nhà thầu.

“Chúng tôi được chủ đầu tư giao đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) của 2 gói thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục. Với chuyên môn về đấu thầu và tính trung thực, khách quan, công bằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi đã chọn được một nhà thầu đủ năng lực để đánh giá về giá. Chúng tôi đã loại hai nhà thầu khác vì vi phạm điều cấm trong đấu thầu. Tuy nhiên, ngay khi gửi báo cáo đánh giá, chủ đầu tư lập tức yêu cầu tư vấn sửa lại báo cáo. Theo ý chí của chủ đầu tư, tư vấn sẽ phải chọn hai nhà thầu bị loại, và loại nhà thầu đáp ứng tiêu chí đặt ra. Chúng tôi đã kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình và đã bảo lưu ý kiến. Từ đó, chủ đầu tư gần như tự tung tự tác trong việc “hành hạ” nhà thầu đáp ứng tiêu chí để hòng đánh rớt họ” - một tư vấn ở Tiền Giang cho biết.

Những hành động như vậy của chủ đầu tư đã khiến nhà tư vấn đấu thầu nêu trên phải thẳng thắn phản biện: “Tư vấn đấu thầu không thể biến lợn què thành lợn lành. Một nhà thầu bị loại vì gian lận thì không thể được tạo điều kiện làm rõ HSDT. Ngược lại, một nhà thầu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thì không thể đứng trên pháp luật mà gây khó dễ, xúc phạm nhà thầu vì những nội dung ngoài HSMT được”. Tuy vậy, chủ đầu tư, vì ý chí chủ quan của mình đã bỏ ngoài tai mọi ý kiến chuyên môn của tư vấn đấu thầu.

Bà Trần Thị Nga, Giám đốc Công ty CP Kiểm tra và Phân tích kỹ thuật xây dựng công trình chia sẻ, công việc tư vấn đấu thầu hiện nay khó nhất là gặp phải chủ đầu tư “sọc dưa”, áp đặt những yêu cầu trái luật và bắt tư vấn thuận theo vì đã lỡ “ăn rơ” với nhà thầu “ruột”.

“Chủ đầu tư đã thuê tư vấn thì phải tôn trọng ý kiến của tư vấn. Ý kiến của tư vấn đúng hay sai thì tư vấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đáng lẽ ra, theo tinh thần của Luật Đấu thầu, tư vấn không phải chịu bất kỳ sức ép nào trong quá trình đánh giá HSDT mới đảm bảo được tính khách quan, công bằng. Nhưng hiện nay, tư vấn đấu thầu đang chịu quá nhiều sức ép để lệch lạc tinh thần Luật Đấu thầu nhằm làm đẹp lòng chủ đầu tư, thậm chí là lợi ích nhóm ở cấp cao hơn. Tại rất nhiều gói thầu, tư vấn chúng tôi gần như phải “đấu tranh”, thuyết phục, giải thích cặn kẽ với chủ đầu tư về cách đánh giá HSDT đúng quy định để có thể tìm được tiếng nói chung” - bà Nga phân tích.

Bảo lưu quan điểm thể hiện bản lĩnh của tư vấn

Theo các chuyên gia, tư vấn đấu thầu hoàn toàn có quyền bảo lưu ý kiến của mình. Chuyên gia đấu thầu Nguyễn Việt Hùng chia sẻ: “Như vậy mới gọi là tư vấn. Chủ đầu tư không đủ năng lực mới thuê tư vấn. Chứ tuyệt đối không được hiểu là tư vấn thuê để làm theo lời của chủ đầu tư. Tư vấn chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư cũng như pháp luật về trách nhiệm của mình. Tư vấn đấu thầu qua công việc của mình vừa thể hiện được trình độ chuyên môn, vừa thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp. Bảo lưu quan điểm của mình cũng là bản lĩnh của tư vấn. Chúng ta cần một đội ngũ tư vấn đấu thầu giỏi chuyên môn và vững vàng bản lĩnh như vậy”.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số đơn vị tư vấn tại TP.HCM khẳng định, công việc thì bất kể tư vấn nào cũng cần nhưng bản lĩnh của tư vấn chính là dám nói không với những biểu hiện tiêu cực. “Nếu thuyết phục chủ đầu tư bằng lý lẽ không được, chúng tôi sẽ bảo lưu quan điểm trong báo cáo đánh giá. Chúng tôi không thể vì ý chí của một chủ đầu tư mà làm lệch lạc trách nhiệm, cũng như đạo đức nghề nghiệp của tư vấn. Còn với các chủ đầu tư dù năng lực kém, phải thuê tư vấn, nhưng lại cố tình làm ngược lại ý kiến chuyên môn của tư vấn thì hậu quả tác động rất xấu đến hiệu quả công tác đấu thầu” - một nhà thầu tư vấn cho biết.

Cái khó của tư vấn đấu thầu Việt Nam trong giai đoạn này là gần như để thể hiện được tiếng nói, quan điểm độc lập trong công việc là rất khó. “Tư vấn đấu thầu hiện nay chịu tác động cũng như sự điều hành trực tiếp của cơ quan nhà nước, đặc biệt là chủ đầu tư. Các gói thầu lựa chọn tư vấn thì việc bảo lãnh thực hiện hợp đồng được xác định bằng uy tín, danh dự cũng như bản lĩnh của mình qua từng gói thầu cụ thể. Hiện nay, tư vấn đấu thầu Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập nhanh với thông lệ quốc tế, có cách thực thi nhiệm vụ chuẩn mực. Việc nhiều tư vấn đấu thầu dám bảo lưu quan điểm trong quá trình đánh giá HSDT thời gian qua cho thấy sự chuyển biến tích cực trong công tác đấu thầu, thể hiện được tiếng nói độc lập của tư vấn” - một chuyên gia đánh giá.

Chuyên đề