Chọn nhà thầu thiết bị y tế tại Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy: Đề xuất áp dụng trường hợp đặc biệt

(BĐT) - Bộ Y tế vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu (LCNT) trong trường hợp đặc biệt đối với phần công việc sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Áo đợt 2 thuộc Dự án Nâng cấp trang thiết bị y tế tại Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy - Bệnh viện Chợ Rẫy.
Dự án Nâng cấp trang thiết bị y tế tại Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy - Bệnh viện Chợ Rẫy có tổng vốn đầu tư 1.130,8 tỷ đồng. Ảnh: Tường Lâm
Dự án Nâng cấp trang thiết bị y tế tại Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy - Bệnh viện Chợ Rẫy có tổng vốn đầu tư 1.130,8 tỷ đồng. Ảnh: Tường Lâm

Theo Bộ Y tế, Điểm c Khoản 1 Điều 34 Luật Đấu thầu quy định, một trong các căn cứ lập kế hoạch LCNT đối với dự án ODA, vốn vay ưu đãi là điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đã ký kết. Tuy nhiên, điều kiện ràng buộc trong dự án vay vốn ODA của Áo lại phải lựa chọn và ký kết hợp đồng cung cấp với các nhà xuất khẩu dự án Áo trước khi ký hiệp định vay vốn.

Cụ thể, theo Hiệp định tài chính mẫu giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng RZB của Áo ngày 3/6/2008, Hiệp định tín dụng cụ thể phải nêu rõ các thông tin cơ bản của hợp đồng cung cấp, bao gồm: tên dự án, trị giá hợp đồng, tên của chủ đầu tư, thời gian thực hiện và cả tên của nhà xuất khẩu dự án. Như vậy, việc lựa chọn nhà xuất khẩu dự án phải được thực hiện trước khi ký hiệp định tín dụng cụ thể.

Bộ Y tế cũng cho biết, Hiệp định khung về hợp tác tài chính giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Áo ngày 27/7/2015 quy định, điều kiện ràng buộc đối với nguồn vốn vay của Áo là hàng hóa/dịch vụ có xuất xứ từ Áo tối thiểu phải đạt 50%; khoản vay ODA được sử dụng để mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng cung cấp ký với nhà thầu Áo được lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu hạn chế hoặc giao thầu trực tiếp (direct award).

Dự kiến sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ trình Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch LCNT. Tên gói thầu là nghiên cứu, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập thiết kế, cung cấp và lắp đặt thiết bị y tế, vận hành thử, đào tạo chuyển giao công nghệ. Giá gói thầu được xác định trên cơ sở chủ trương đầu tư, nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (25 triệu EURO và kết quả đàm phán sơ bộ giữa các bên. Thời gian bắt đầu tổ chức LCNT là quý III/2018. Loại hợp đồng là hợp đồng chìa khóa trao tay, theo hình thức trọn gói. Thời gian thực hiện hợp đồng là 18 tháng, không kể thời gian bảo hành 2 năm kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực...
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, nếu áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế thì sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ ký kết hiệp định vay vốn và bảo đảm tranh thủ nguồn vốn ODA của Chính phủ Áo trong thời gian còn hiệu lực của Hiệp định về hợp tác tài chính giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Áo. Hiệp định về hợp tác tài chính ký ngày 27/7/2015, có giá trị trong thời hạn 2 năm và tự động gia hạn thêm 2 năm, nghĩa là hiệu lực đến ngày 1/8/2019.

Bộ Y tế cũng cho rằng Dự án không phù hợp theo quy định pháp luật về đấu thầu. Bởi nếu coi hình thức giao thầu trực tiếp là hình thức chỉ định thầu, theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật Đấu thầu, việc thực hiện chỉ định thầu phải đáp ứng điều kiện là “có quyết định đầu tư được phê duyệt, đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu”. Tuy nhiên, với việc phải LCNT trước khi hiệp định tín dụng cụ thể được ký kết như nêu trên, Gói thầu sẽ không đủ điều kiện để áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Mặt khác, Thư cam kết khoản vay ưu đãi đầu tư trị giá 25 triệu EURO cho Dự án đợt 2 của Ngân hàng OeKB Áo ngày 16/4/2018 và Công hàm của Đại sứ quán Áo tại Hà Nội ngày 28/5/2018 đều đã thông báo chỉ định nhà xuất khẩu dự án Áo là Công ty Vamed Engineering Gmbh. Công ty này được đánh giá đã thực hiện thành công nhiều dự án y tế tại Việt Nam như: Dự án Nâng cấp trang thiết bị y tế tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện quân đội 103, Dự án Nâng cấp trang thiết bị y tế tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện quân đội 175, Dự án Nâng cấp trang thiết bị y tế tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế...

Theo quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/7/2017, tổng vốn đầu tư của Dự án là 1.130,8 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA của Chính phủ Áo là 40 triệu EURO (thực hiện theo 2 đợt), vốn đối ứng là 125,4 tỷ đồng (tương ứng với 2 đợt vay vốn ODA).

Tại Hiệp định tín dụng cụ thể số 9 ngày 27/10/2016 giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng RBI Áo, khoản vay ODA mà Chính phủ Áo tài trợ Dự án đợt 1 có trị giá 15 triệu EURO, nhà thầu xuất khẩu dự án của Áo là Vamed Engineering Gmbh thực hiện hợp đồng cung cấp phần vốn ODA của Áo. Đến nay, khoản vay ODA này đã giải ngân 100%. Toàn bộ thiết bị đã được vận chuyển về Việt Nam, lắp đặt, đào tạo, nghiệm thu đưa vào sử dụng và đang hoạt động ổn định, hoàn thành các dịch vụ kỹ thuật. Đối với đợt 2 (trị giá 25 triệu EURO), theo thông báo cam kết tài trợ của Chính phủ Áo ngày 7/10/2016, hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị để đàm phán, ký kết hiệp định tín dụng cụ thể.

Do điều kiện đặc thù, riêng biệt, tính cấp bách và hiệu quả kinh tế (đảm bảo tiến độ thực hiện trong thời gian hiệu lực của Hiệp định hợp tác tài chính, phát huy hiệu quả đầu tư, đồng bộ với Đợt 1 của Dự án và các nguồn vốn khác, đáp ứng kịp thời trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh), nên Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép được áp dụng hình thức LCNT trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu 2013.

Chuyên đề