Chỉ định thầu vẫn chiếm tỷ lệ quá cao tại Bình Phước

(BĐT) - Điểm đáng chú ý trong công tác đấu thầu của tỉnh Bình Phước năm qua là hiệu quả kinh tế thể hiện qua mức tiết kiệm trong đấu thầu rất thấp. Đáng chú ý, chỉ định thầu đem lại tỷ lệ tiết kiệm cao hơn các hình thức lựa chọn nhà thầu khác. 
Tỷ lệ giảm giá trong đấu thầu năm 2016 trên địa bàn Bình Phước chỉ đạt 1,1%. Ảnh: Phước Oanh
Tỷ lệ giảm giá trong đấu thầu năm 2016 trên địa bàn Bình Phước chỉ đạt 1,1%. Ảnh: Phước Oanh

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bình Phước, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương này, nhận định và lý giải thế nào về hiện tượng này?

Chỉ định thầu 1.041 gói, đấu thầu rộng rãi 130 gói

Theo Sở KH&ĐT Bình Phước, đối với các dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn đầu tư công, trong năm 2016, toàn tỉnh Bình Phước thực hiện 1.299 gói thầu, với tổng giá gói thầu khoảng 1.395 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu khoảng 1.379 tỷ đồng, tiết kiệm 15,9 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá chỉ đạt 1,1%. Trong đó, có 251 gói thầu xây lắp, 64 gói thầu mua sắm hàng hóa, 794 gói thầu dịch vụ tư vấn, 178 gói thầu dịch vụ phi tư vấn và 12 gói thầu hỗn hợp.

Theo hình thức lựa chọn nhà thầu, có 1.041 gói thầu được áp dụng chỉ định thầu, 130 gói thầu áp dụng đấu thầu rộng rãi, 99 gói thầu chào hàng cạnh tranh, 1 gói đấu thầu hạn chế, 11 gói mua sắm trực tiếp và tự thực hiện, 17 gói tham gia thực hiện của cộng đồng.

Cũng theo Sở KH&ĐT Bình Phước, công tác đấu thầu năm 2016 trên địa bàn Tỉnh được thực hiện tốt, đúng quy định của pháp luật về đấu thầu; đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả. Các dự án được triển khai đúng quy định, đảm bảo tiến độ và phát huy hiệu quả đầu tư. Trong năm 2016, trên địa bàn Tỉnh không xảy ra khiếu nại, khiếu kiện về đấu thầu; không xảy ra vi phạm pháp luật về đấu thầu.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại Bình Phước cũng nhìn nhận còn một số hạn chế như: chế độ báo cáo về công tác đấu thầu của một số đơn vị chủ đầu tư và UBND huyện, thị xã chưa tốt. Trong đó, một số đơn vị gửi báo cáo trễ hạn, mặc dù thời gian để các đơn vị lập báo cáo là khá dài (15 ngày) và Sở KH&ĐT đã có 2 văn bản đôn đốc, nhắc nhở; một số đơn vị lập báo cáo sơ sài, không đúng mẫu, số liệu không khớp và thiếu logic… 

Tiết kiệm qua chỉ định thầu cao hơn đấu thầu

Về hiệu quả kinh tế của hoạt động đấu thầu, theo ông Võ Sá, Giám đốc Sở KH&ĐT Bình Phước, tỷ lệ giảm giá (tiết kiệm) trong đấu thầu năm 2016 trên địa bàn Tỉnh chỉ đạt 1,1%. Tổng mức tiết kiệm được thông qua đấu thầu năm 2016 là 15,9 tỷ đồng trên tổng giá trị các gói thầu là 1.395 tỷ đồng. Điểm đặc biệt là tỷ lệ giảm giá tại các gói thầu áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu có tính cạnh tranh lại thấp hơn tỷ lệ giảm giá trong chỉ định thầu.

Lãnh đạo Sở KH&ĐT Bình Phước cũng nhìn nhận: “Tỷ lệ giảm giá như trên là rất thấp, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước và nhiều địa phương khác. Tình hình nêu trên đặt ra vấn đề về hiệu quả kinh tế của hoạt động đấu thầu đạt không cao”.

Lý giải về tỷ lệ tiết kiệm thấp, Sở KH&ĐT Bình Phước cho biết: “Có một yếu tố liên quan đến tỷ lệ giảm giá trong đấu thầu đó là giá gói thầu thấp. Các gói thầu xây lắp chỉ chiếm khoảng 20% về số gói thầu, nhưng chiếm gần 90% về tổng giá trị các gói thầu. Hiện nay dự toán xây lắp các công trình xây dựng vẫn áp dụng hệ số điều chỉnh chi phí nhân công, máy thi công theo mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2012 của Nghị định số 70/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức tiền lương tối thiểu vùng đối với người lao động (theo Công văn số 823/UBND-KTN ngày 23/3/2012 của UBND tỉnh Bình Phước)”.

Sở KH&ĐT Bình Phước cho rằng, trong vòng 5 năm qua, hệ số điều chỉnh chi phí nhân công trong dự toán xây dựng công trình không được điều chỉnh phù hợp với mặt bằng chi phí nhân công xây dựng trên thị trường. Sở này cũng kiến nghị UBND tỉnh Bình Phước cần chỉ đạo Sở Xây dựng nhanh chóng tham mưu cho UBND Tỉnh ban hành Bộ đơn giá dự toán xây dựng công trình mới thay thế bộ đơn giá cũ, bao gồm việc điều chỉnh chi phí nhân công cho phù hợp.

Liên quan đến kiến nghị trong công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh Bình Phước, ngày 1/11/2016, Báo Đấu thầu đã đăng tải bài viết “Vô trách nhiệm trong trả lời nhà thầu” nêu cụ thể những kiến nghị của nhà thầu về việc không mua được hồ sơ mời thầu (HSMT) 2 gói thầu do UBND thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước mời thầu. Trước đó, nhà thầu phản ánh đã nhiều lần cử cán bộ đến mua HSMT các gói thầu này nhưng đều bị từ chối bằng nhiều cách khác nhau. Nhà thầu đề nghị trả lời về việc phát hành HSMT của Phòng Quản lý đô thị thị xã Đồng Xoài nhưng đều không được bên mời thầu đáp ứng.

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng phòng Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư (Sở KH&ĐT Bình Phước) cho rằng, các nhà thầu cần lên tiếng kịp thời, nhanh chóng và cụ thể đến cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình khi tham gia đấu thầu. “Sở KH&ĐT Bình Phước sẽ không bao giờ đứng ngoài cuộc trước những bức xúc của nhà thầu”, ông Giao khẳng định.

Chuyên đề