Chấn chỉnh hoạt động tổ chức đào tạo đấu thầu

(BĐT) - Để tăng cường hiệu quả của công tác đào tạo đấu thầu, nhằm khắc phục những tồn tại trong công tác này, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đấu thầu, ngày 01/8/2016, Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 674/QLĐT-CS gửi các cơ sở đào tạo và giảng viên đấu thầu để chấn chỉnh hoạt động đào tạo về đấu thầu (VB674).
Các khoá đào tạo đấu thầu cơ bản phải được tổ chức tập trung, bảo đảm đủ nội dung chương trình và thời lượng theo quy định. Ảnh: Tiên Giang
Các khoá đào tạo đấu thầu cơ bản phải được tổ chức tập trung, bảo đảm đủ nội dung chương trình và thời lượng theo quy định. Ảnh: Tiên Giang

Bất cập trong đào tạo đấu thầu

Trong thời gian vừa qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu đã được các cơ sở đào tạo triển khai một cách đồng bộ trên phạm vi cả nước, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia vào hoạt động lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở đào tạo tuân thủ đúng quy định của pháp luật đấu thầu trong quá trình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu thì hiện vẫn còn tồn tại một số cơ sở đào tạo, giảng viên chưa tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu trong công tác tổ chức, giảng dạy các khóa đào tạo đấu thầu.

Cụ thể, một số cơ sở đào tạo, giảng viên giảng dạy tự ý rút ngắn thời gian đào tạo, giảng dạy, không bảo đảm thời gian tối thiểu theo quy định; giáo trình đào tạo không được xây dựng trên cơ sở chương trình khung; tự ý thay đổi, cắt bỏ nội dung trái với chương trình khung; chưa cập nhật các quy định mới của pháp luật về đấu thầu.

Việc tổ chức kiểm tra mang tính hình thức, các bộ đề kiểm tra chỉ mang tính chất chiếu lệ, việc chấm bài kiểm tra qua loa, có dấu hiệu của việc làm bài kiểm tra hộ cho học viên. Xếp loại chứng chỉ chưa tương ứng với kết quả làm bài kiểm tra của học viên. Một số cơ sở đào tạo có hiện tượng cấp chứng chỉ khống như không tổ chức đào tạo nhưng vẫn cấp chứng chỉ, học viên không không tham dự khóa đào tạo, không làm bài kiểm tra hoặc làm bài kiểm tra nhưng không đáp ứng yêu cầu vẫn được cấp chứng chỉ.

Ngoài ra, cơ sở đào tạo còn sử dụng giảng viên không đủ điều kiện (giảng viên không có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia) để giảng dạy khóa đào tạo đấu thầu có cấp chứng chỉ.

Những tồn tại nói trên làm cho công tác đào tạo đấu thầu chỉ mang tính hình thức, nhằm mục đích kinh doanh kiếm lời, làm méo mó thị trường đào tạo, không đạt được mục đích của công tác đào tạo đấu thầu là nâng cao năng lực, trình độ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ làm công tác đấu thầu. Việc đào tạo và cấp chứng chỉ chỉ mang tính đối phó với quy định của Nhà nước.

Chấn chỉnh công tác đào tạo đấu thầu

Cục Quản lý đấu thầu nhấn mạnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm chất lượng của hoạt động đào tạo đấu thầu.
Để tăng cường hiệu quả của công tác đào tạo đấu thầu, nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đấu thầu, tại VB674, Cục Quản lý đấu thầu đề nghị các cơ sở đào tạo, giảng viên đấu thầu nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu trong quá trình tổ chức đào tạo, giảng dạy.

Cụ thể, cơ sở đào tạo phải sử dụng giảng viên có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia giảng dạy các khóa đào tạo đấu thầu cơ bản. Các khoá đào tạo đấu thầu cơ bản phải được tổ chức tập trung, bảo đảm đủ nội dung chương trình và thời lượng theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT ngày 05/5/2016 quy định chi tiết đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu (TT03), không được rút ngắn thời gian đào tạo và cắt giảm chương trình, bảo đảm số lượng học viên của mỗi lớp đào tạo đấu thầu cơ bản không quá 150 người.

Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo chỉ được cấp, cấp lại chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản cho học viên đáp ứng quy định tại Điều 9, Điều 11 TT03 và phải đăng tải danh sách học viên được cấp chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại Điều 10 TT03.

Ngoài ra, cơ sở đào tạo có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ từng khóa đào tạo đấu thầu cơ bản trong thời gian tối thiểu là 05 năm kể từ khi hoàn thành khóa đào tạo theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 TT03 và định kỳ trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, gửi báo cáo hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu bằng văn bản về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bên cạnh yêu cầu đối với cơ sở đào tạo, VB674 cũng nêu rõ giảng viên đấu thầu phải giảng dạy theo đúng Chương trình khung quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo TT03, không được tự ý cắt giảm nội dung và thời lượng giảng dạy, phải thường xuyên cập nhật kiến thức, cơ chế, chính sách pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan...

Tại VB674, Cục Quản lý đấu thầu đã nhấn mạnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm chất lượng của hoạt động đào tạo đấu thầu. Trường hợp cần thiết, Cục sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất và sẽ xóa tên cơ sở đào tạo, giảng viên đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại Khoản 9 Điều 112 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP nếu phát hiện hành vi vi phạm.

Cùng với TT03, việc kịp thời ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động đào tạo đấu thầu được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng của công tác đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu trong thời gian tới. Những cơ sở đào tạo đấu thầu hoạt động không nghiêm túc, cạnh tranh không lành mạnh, không tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức đào tạo đấu thầu sẽ bị xóa tên khỏi Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và không được tham gia tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ đấu thầu cơ bản.

Chuyên đề