Chấm dứt tình trạng “độc quyền” dự án BOT

(BĐT) - Kết quả kiểm toán 27 dự án BOT giao thông vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) báo cáo tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy nhiều con số khó hiểu. 
Trong số 27 dự án BOT giao thông đã được kiểm toán thì 26 dự án chỉ định thầu, một dự án đấu thầu có 2 nhà đầu tư nhưng một nhà đầu tư bỏ cuộc. Ảnh: Lê Tiên
Trong số 27 dự án BOT giao thông đã được kiểm toán thì 26 dự án chỉ định thầu, một dự án đấu thầu có 2 nhà đầu tư nhưng một nhà đầu tư bỏ cuộc. Ảnh: Lê Tiên

Trong đó, thông tin 26/27 dự án chỉ định nhà đầu tư khiến dư luận không khỏi băn khoăn tại sao hình thức lựa chọn nhà đầu tư không có cạnh tranh này lại được áp dụng nhiều như vậy? 

Chỉ định thầu đúng quy trình

Theo KTNN, trong số 27 dự án BOT đã được kiểm toán thì 26 dự án chỉ định thầu, một dự án đấu thầu có hai nhà đầu tư thì một nhà đầu tư bỏ cuộc. Nhìn vào con số này, ông Dương Quốc Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phải đặt câu hỏi: Bối cảnh gấp rút đến mức nào mà hầu hết các dự án đều chỉ định thầu, khi hiện nay trong mua sắm công thì chỉ định thầu rất khó khăn, tổ chức hội nghị còn đấu thầu mà dự án lớn thế lại chỉ định thầu?

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường từng giải thích nhiều lần trên báo chí, giai đoạn trước năm 2015, việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Thực tế, công tác lựa chọn nhà đầu tư ở tất cả các dự án giai đoạn trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 30/2015/NĐ-CP đều áp dụng hình thức chỉ định thầu theo diện dự án cấp bách được Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc sau khi hết thời hạn 30 ngày công bố danh mục dự án chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký. Bộ GTVT khẳng định đã thực hiện đúng quy trình, thủ tục trong lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT.

Nhìn lại giai đoạn 2011 - 2015 được coi là thời kỳ bùng nổ của dự án BOT với rất nhiều dự án hấp dẫn, lưu lượng giao thông cao, đến mức có nhà đầu tư ví “dự án BOT như máy in tiền”. Vậy tại sao khi công bố danh mục dự án lại thiếu vắng sự quan tâm của nhà đầu tư, chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký, dẫn đến phải chỉ định?

Theo một chuyên gia về PPP, dự án BOT giai đoạn 2011 - 2015 phần lớn do nhà đầu tư tự lập đề xuất dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và sau đó công bố danh mục dự án. Không nói đến các dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chỉ định thầu, các dự án BOT thuộc diện phải đấu thầu rộng rãi tuy làm đúng trình tự thủ tục là công khai danh mục dự án nhưng nhiều khi sự công khai chỉ mang tính hình thức. Thông tin ở giai đoạn này quá ít, không rõ khả năng hoàn vốn thế nào, thì chỉ có nhà đầu tư nào muốn đánh trống ghi tên mới đăng ký, các nhà đầu tư khác không đủ cơ sở để có thể quyết định tham gia đấu thầu dự án BOT, trong khi chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án BOT không phải nhỏ.

Quay lại nhiều dự án BOT có nguồn thu “béo bở” đã chỉ định nhà đầu tư, vấn đề tại sao không hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, có lẽ không phải hoàn toàn nằm ở thủ tục, ở quy trình, mà ở việc chưa tạo ra một thị trường thực sự, cạnh tranh sòng phẳng. Nhiều người còn phỏng đoán đằng sau sự không quan tâm của nhà đầu tư khác có thể còn có nhiều nguyên nhân, như là dự án chưa đấu thầu đã biết người thắng, đã được “đặt gạch xí chỗ”, bị chi phối bởi lợi ích nhóm,… Và rồi các dự án BOT đều chỉ định nhà đầu tư một cách đúng quy trình!? 

Cần tạo sân chơi cạnh tranh thực sự

Theo KTNN, việc chỉ định nhà đầu tư chưa thể hiện sự minh bạch và hiệu quả trong đầu tư và thực hiện dự án BOT; chưa tạo ra cơ chế cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, giá thành xây dựng và thời gian hoàn vốn hợp lý nhất. Để nâng cao tính cạnh tranh, cần tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư tham gia các dự án BOT giao thông theo đúng quy định của pháp luật nhằm tăng tính cạnh tranh, mang lại hiệu quả cho dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, qua thực tiễn triển khai dự án, các cơ quan liên quan đã nhận định việc áp dụng chỉ định thầu là một hạn chế và hạn chế này đã được khắc phục ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 30/2015/NĐ-CP.

Chuyên gia về PPP trên cho rằng, theo quy định hiện hành, dự án BOT sau khi công bố danh mục dự án, phải thực hiện sơ tuyển rộng rãi và đa phần là rộng rãi quốc tế, nếu chỉ có 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển mới chỉ định. Quan điểm hiện nay là dự án BOT được chuẩn bị tốt, đầy đủ rồi mới đưa ra đấu thầu. Khi thực hiện sơ tuyển, thông tin của dự án đến với các nhà đầu tư đã khá đầy đủ để có cơ sở vững chắc hơn khi quyết định tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, dù thủ tục, quy trình hiện hành đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin về dự án, tăng tính cạnh tranh, minh bạch, thế nhưng, quan trọng nhất là chúng ta phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận mang tính thị trường. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tạo một sân chơi đấu thầu cạnh tranh thực sự, xuất phát từ mục đích thu hút đầu tư tư nhân để giải quyết những thiếu hụt nguồn lực và sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực hiện có, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nguồn lực đầu tư công trong trung hạn 2016 - 2020 rất hạn hẹp. Bài toán này cần lời giải không chỉ ở việc hoàn thiện thủ tục, quy định pháp lý!

Chuyên đề