Cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài: Vi phạm nguyên tắc của TPP?

(BĐT) - Nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam đã trải qua quá trình đánh giá, chọn lọc, dù là vốn nhà nước hay nguồn vốn khác. Tuy nhiên, họ chỉ được phép hoạt động xây dựng (HĐXD) tại Việt Nam sau khi được cấp giấy phép HĐXD. Nội dung của việc cấp phép này là gì và liệu đây có phải là một thủ tục cần thiết?
Nhà thầu có đáp ứng năng lực hay không là bước xem xét của chủ đầu tư, việc cấp phép HĐXD không nên là một thủ tục xem lại về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên
Nhà thầu có đáp ứng năng lực hay không là bước xem xét của chủ đầu tư, việc cấp phép HĐXD không nên là một thủ tục xem lại về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên

Một thủ tục lặp lại?

Luật Xây dựng và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP có quy định về cấp giấy phép HĐXD cho nhà thầu nước ngoài. Ngày 30/6 vừa qua, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 14/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 Hướng dẫn về cấp giấy phép HĐXD và quản lý nhà thầu nước ngoài HĐXD tại Việt Nam. Thông tư nêu rõ nhà thầu nước ngoài chỉ được HĐXD tại Việt Nam sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép HĐXD.

Theo Thông tư, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép HĐXD đối với nhà thầu nước ngoài, gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép HĐXD; tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf) biểu báo cáo kinh nghiệm hoạt động xây dựng liên quan đến công việc nhận thầu và báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán trong 3 năm gần nhất...

Với các thủ tục được yêu cầu trong hồ sơ cấp giấy phép HĐXD như vậy, một số nhà thầu cho rằng, có sự lặp lại không cần thiết của nhiều thủ tục, vì nếu nhà thầu đã được chủ đầu tư lựa chọn thì đã được xem xét về năng lực, kinh nghiệm trong quá trình xét thầu.

Theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT, việc cấp giấy phép HĐXD là một thủ tục hành chính không cần thiết. Đối với các nhà thầu nước ngoài trúng thầu các gói thầu sử dụng vốn nhà nước, họ đã trải qua quá trình đấu thầu, đã được chủ đầu tư đánh giá về năng lực, kinh nghiệm,…

Đối với các nhà thầu nước ngoài vào thực hiện các công trình xây dựng sử dụng vốn FDI và các công trình không phải vốn nhà nước chưa được Luật Đấu thầu điều chỉnh, ông Lê Văn Tăng cho rằng, dù không lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu, nhưng các chủ đầu tư tư nhân cũng lựa chọn nhà thầu rất khắt khe, tiền của chính họ, càng không có chuyện họ đưa nhà thầu không đủ năng lực vào. Dù là nguồn vốn nào, khi chọn nhà thầu, để chủ đầu tư, bên mời thầu có thể đánh giá một nhà thầu là đáp ứng năng lực để thực hiện gói thầu thì đều phải yêu cầu nhà thầu cung cấp các giấy tờ chứng minh là đáp ứng điều kiện về năng lực trong hoạt động xây dựng theo từng loại và cấp công trình, mà không phải là sau khi họ đã trúng thầu mới xem xét vấn đề này. Ngoài ra, cán bộ cấp giấy phép HĐXD cũng không có năng lực chuyên môn về đánh giá, xem xét năng lực nhà thầu.

Đại diện một nhà thầu nước ngoài đặt vấn đề: Nếu nhà thầu đã đáp ứng ở bước chọn thầu của chủ đầu tư rồi thì có cần một cơ quan khác cấp phép HĐXD với những nội dung xem xét lặp lại? Nhà thầu có đáp ứng năng lực hay không là bước xem xét của chủ đầu tư, việc cấp phép HĐXD chỉ là một thủ tục xem lại về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu.

Tôn trọng nguyên tắc không phân biệt đối xử

Chính phủ đang quyết liệt bỏ giấy phép con, giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, trong đó có các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý xây dựng công trình.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương chỉ ra trong hệ thống các luật về đầu tư kinh doanh hiện hành, có nhiều thủ tục cùng bản chất chỉ khác tên gọi, khiến doanh nghiệp phải thực hiện nhiều lần một công việc, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Việc cấp giấy phép HĐXD với những nội dung như hiện tại theo nhiều ý kiến chỉ là thủ tục lặp lại, mang tính hình thức, hành chính, không giúp đảm bảo chất lượng nhà thầu mà chỉ làm mất thêm thời gian của doanh nghiệp, làm chậm quá trình thực hiện dự án, làm tăng chi phí của của nhà thầu, cuối cùng sẽ tính cả vào công trình.

Chương mua sắm chính phủ tại Hiệp định TPP và một số hiệp định khác mà Việt Nam là thành viên cũng nêu rõ nguyên tắc đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử. Hiệp định TPP nêu rõ đối với bất kỳ quy định, biện pháp thực thi nào liên quan đến gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh, mỗi nước thành viên, bao gồm các cơ quan mua sắm của mình, có nghĩa vụ đối xử bình đẳng ngay lập tức và vô điều kiện giữa hàng hoá, dịch vụ và nhà thầu của một nước thành viên với hàng hoá, dịch vụ và nhà thầu trong nước... Theo một chuyên gia về đấu thầu, việc cấp giấy phép HĐXD đối với nhà thầu nước ngoài là một thủ tục thể hiện sự phân biệt đối xử giữa nhà thầu trong nước và nhà thầu nước ngoài.

Chính phủ đang quyết liệt bỏ giấy phép con, giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, trong đó có các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý xây dựng công trình. Trong phiên họp ngày 1/8 vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh, trong đó có nội dung về Luật Xây dựng, để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm nay. Nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng, đây sẽ là cơ hội để sửa tận gốc những bất cập, những thủ tục hành chính không cần thiết trong hoạt động đầu tư, kinh doanh nói chung, hoạt động xây dựng nói riêng.

Chuyên đề