Cải tạo đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất: Nhà thầu nào có cơ hội?

(BĐT) - Để tiến tới triển khai xây dựng các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn (đường băng) sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất vào cuối tháng 6/2020, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư. Những tên tuổi nào xứng đáng được Bộ GTVT “chọn mặt gửi vàng” thi công hai dự án đặc biệt này?
Triển khai xây dựng các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất vào cuối tháng 6/2020. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Triển khai xây dựng các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất vào cuối tháng 6/2020. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Áp dụng cơ chế chỉ định thầu

Ngày 19/5/2020, Bộ GTVT có văn bản hỏa tốc gửi Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long và Tổng công ty Cửu Long - hai đơn vị được giao quản lý các dự án nhằm yêu cầu tổ chức xây dựng trình tự và kế hoạch thực hiện đối với hai dự án này. Cụ thể, Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài (được giao cho Ban QLDA Thăng Long) và Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất (được giao cho Tổng công ty Cửu Long) phải nhanh chóng triển khai các thủ tục phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.

Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Thăng Long và Tổng công ty Cửu Long căn cứ tính chất kỹ thuật, tiến độ thực hiện dự án đề xuất phân chia các gói thầu và xây dựng quy trình, tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu, cập nhật thông tin các nhà thầu đã tham gia thực hiện các dự án xây dựng công trình giao thông có quy mô, tính chất kỹ thuật tương tự, văn bản xin tham gia của các nhà thầu để dự kiến danh sách nhà thầu (tư vấn, xây lắp) theo trình tự và kế hoạch thực hiện, đáp ứng yêu cầu tiến độ các dự án. Dù được áp dụng cơ chế chỉ định thầu theo lệnh khẩn cấp mà Thủ tướng Chính phủ cho phép, nhưng cần thực hiện đúng quy định, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, tài chính để triển khai. Đồng thời, nhà thầu phải có kế hoạch thi công phù hợp với điều kiện đảm bảo an toàn khai thác hàng không trong khoảng thời gian gấp gáp. 

Điểm mặt anh tài

Thực tế ở Việt Nam không có nhiều đơn vị thi công xây lắp hạ tầng đường băng. Bởi lịch sử lựa chọn đơn vị trúng thầu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng như các cảng hàng không trực thuộc ACV trong 5 năm trở lại đây chỉ xoay quanh vài đơn vị. Trong số này, ưu thế vượt trội thuộc về Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC).

Từ năm 2015 đến nay, ACC được công bố trúng hàng chục gói thầu thi công sửa chữa đường băng, sân đỗ cho các sân bay trên cả nước. Gần đây nhất, tháng 2/2020, ACC được Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Chi nhánh ACV lựa chọn thực hiện Gói thầu số 3 Thi công sửa chữa sân đỗ tàu bay vị trí số 18 và 20A thuộc Dự án Sửa chữa sân đỗ tàu bay vị trí số 18 và 20A - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với giá trúng thầu hơn 24 tỷ đồng.

ACV cũng chọn ACC thực hiện Gói thầu số 6 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Nâng cấp, cải tạo sân đỗ máy bay khu vực nhà ga cũ và đường lăn W2 - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi với giá trúng thầu hơn 100 tỷ đồng.

Tháng 11/2019, Gói thầu số 5 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Sửa chữa sân đỗ máy bay và đường lăn - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh cũng thuộc về ACC.

Nhà thầu ACC còn có mặt ở gần như toàn bộ các gói thầu thi công xây dựng hạ tầng đường băng tại các sân bay khác như: Đà Nẵng (tháng 7/2019), Cà Mau (tháng 8/2018), Tuy Hòa (tháng 6/2018), Liên Khương (tháng 5/2018)…

Một vài tên tuổi từng liên danh với ACC để thi công các công trình đường lăn, sân đỗ sân bay trong thời gian qua có thể trở thành ứng viên tiềm năng. Cụ thể là Công ty CP Thăng Long, đơn vị liên danh với ACC tại Gói thầu số 6 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Liên Khương (giá trúng thầu hơn 175 tỷ đồng). Nhà thầu này cũng từng liên danh với ACC tại Gói thầu số 6 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay - Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (giá trúng thầu là 334,187 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, có thể kể đến những tên tuổi khác trong lĩnh vực giao thông với ít nhiều kinh nghiệm khi từng thi công cùng ACC như: Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 và Công ty CP Xây dựng công trình hàng không 647. Hai nhà thầu này từng hợp tác với ACC thực hiện Gói thầu số 6 Thi công xây dựng công trình và thiết kế bản vẽ thi công thuộc Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay khu 19,79 ha đất quân sự bàn giao tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tháng 12/2017 (giá trúng thầu là 993,798 tỷ đồng). CIENCO4 đã từng cùng ACC thi công Gói thầu thuộc Dự án Xây dựng sân đỗ máy bay tại vị trí quy hoạch ô đất số 15 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (giá trúng thầu là 414,053 tỷ đồng).       

Chuyên đề