Các gói thầu chiếu sáng đô thị trước “giờ G”

(BĐT) - Hàng loạt gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn TP.HCM được triển khai lựa chọn nhà thầu dồn dập trong những tháng cuối năm 2018. Đây cũng là thời điểm UBND TP.HCM quyết định chuyển đổi chức năng quản lý chiếu sáng đô thị từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) sang Sở Xây dựng.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Chọn nhà thầu quản lý hệ thống chiếu sáng 3 năm

Trong vòng tháng 11 - 12/2018, các bên mời thầu thuộc Sở GTVT TP.HCM cấp tập thông báo mời thầu, mở thầu các gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn Thành phố. Đây đều là những gói thầu “khủng”, thời gian thực hiện lên tới 3 năm. Có thể kể đến Gói thầu Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn Quận 8, huyện Bình Chánh các năm 2019, 2020, 2021 do Khu quản lý giao thông đô thị số 4 mời thầu, có giá trị bảo đảm dự thầu là 3,5 tỷ đồng.

Mới đây, bên mời thầu này đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho Gói thầu Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn Quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ các năm 2019, 2020, 2021 với giá trị bảo đảm dự thầu là 2,5 tỷ đồng.

Tiếp đến là Gói thầu Quản lý, bảo dưỡng hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn quận Gò Vấp, Quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi từ năm 2019 đến hết năm 2021 thuộc Dự án Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích công tác quản lý, bảo dưỡng hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn quận Gò Vấp, Quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi từ năm 2019 đến hết năm 2021 có giá trị bảo đảm dự thầu lên tới 6,28 tỷ đồng. Đây là gói thầu do Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 mời thầu.

Gói thầu Quản lý, bảo dưỡng hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn quận Gò Vấp, Quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi từ năm 2019 đến hết năm 2021 thuộc Dự án Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích công tác quản lý, bảo dưỡng hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn quận Gò Vấp, Quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi từ năm 2019 đến hết năm 2021 (bảo đảm dự thầu là 806 triệu đồng).

Theo thống kê chưa đầy đủ, giá trị các gói thầu chiếu sáng công cộng vừa được dồn dập triển khai lên tới gần 1.200 tỷ đồng. Tất cả các gói thầu này đều do các Khu quản lý giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4 và Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (thuộc Sở GTVT) mời thầu.
Bên cạnh đó, còn nhiều gói thầu khác trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng đều được tổ chức mời thầu gần đây như: Gói thầu Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống cầu, đường bộ, chiếu sáng công cộng trên 4 km đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc Dự án Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống cầu, đường bộ, chiếu sáng công cộng trên 4 km đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ năm 2019 đến hết năm 2021 (bảo đảm dự thầu là 450 triệu đồng). Gói thầu Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn quận Thủ Đức và quận Bình Thạnh từ năm 2019 đến hết năm 2021 thuộc Dự án Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn quận Thủ Đức và quận Bình Thạnh từ năm 2019 đến hết năm 2021 (bảo đảm dự thầu 2 tỷ đồng). Gói thầu Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn Quận 2 và Quận 9 từ năm 2019 đến hết năm 2021 (giá trị bảo đảm dự thầu là 2,1 tỷ đồng)…

Theo thống kê chưa đầy đủ, giá trị các gói thầu chiếu sáng công cộng vừa được dồn dập triển khai lên tới gần 1.200 tỷ đồng. Tất cả các gói thầu này đều do các Khu quản lý giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4 và Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (thuộc Sở GTVT) mời thầu. Điều đáng chú ý là sự cấp tập triển khai lựa chọn nhà thầu thực hiện hàng loạt gói thầu như trên lại diễn ra vào thời điểm UBND TP.HCM vừa đồng ý điều chuyển chức năng quản lý lĩnh vực chiếu sáng đô thị từ Sở GTVT về Sở Xây dựng.

Có dẫn đến hệ lụy cũ - mới?

Ngày 27/11/2018, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 5305/QĐ-UBND về chuyển giao một số chức năng, nhiệm vụ từ Sở GTVT qua Sở Xây dựng. Theo quyết định này, chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước đô thị; chiếu sáng đô thị; công viên, cây xanh đô thị; khai thác, duy tu, bảo trì các công trình về chiếu sáng đô thị; công viên, cây xanh đô thị từ Sở GTVT qua Sở Xây dựng.

Sở Xây dựng thay mặt UBND Thành phố làm chủ sở hữu, tổ chức quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống thoát nước, kiểm soát triều, nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố trên cơ sở chuyển nguyên trạng trung tâm chống ngập và khai thác, duy tu, bảo trì về các công trình cấp nước, thoát nước đô thị…

Nội dung bàn giao gồm kết quả thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch và tài chính năm 2018; chương trình, kế hoạch công tác năm 2019 và kết quả thực hiện đến thời điểm bàn giao; tổ chức bộ máy, biên chế và nhân sự (danh sách, hồ sơ công chức, viên chức và hợp đồng lao động); hồ sơ, tài liệu (về công tác chuyên môn); tài sản (cơ sở vật chất, phương tiện), kinh phí (kể cả các dự án). Việc bàn giao này sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2018.

Giám đốc Sở GTVT thống nhất với Giám đốc Sở Xây dựng quy định nội dung xử lý chuyển tiếp đối với công tác thanh, quyết toán công trình đã hoàn thành trong năm 2018 và các công trình phải chuyển tiếp qua năm 2019.

Theo một số nhà thầu, nếu các gói thầu chiếu sáng công cộng vừa được đồng loạt triển khai có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước 31/12/2018, trong vòng 3 năm tới (2019 - 2021) Sở Xây dựng sẽ hoàn toàn quản lý việc thực hiện của các nhà thầu do Sở GTVT lựa chọn trước đó. Nếu có những vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý hợp đồng sau đấu thầu, câu chuyện “chủ đầu tư mới” và “nhà thầu cũ” sẽ có rất nhiều chuyện để bàn. Bởi vì, Báo Đấu thầu đã không ít lần đề cập đến những hệ lụy, nhiều mớ bòng bong khi các chủ đầu tư hiện tại xử lý tình huống, chấm dứt hợp đồng với nhà thầu do chủ đầu tư cũ chọn.

Chuyên đề