Bước tiến vượt bậc trong công khai, minh bạch

(BĐT) - Một trong những điểm nổi bật trong công tác đấu thầu năm 2017 là có thêm các cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy công khai, minh bạch và tăng cường giám sát nhằm tăng hiệu quả của công tác này. 
Cùng với việc ra đời 2 Thông tư về đấu thầu qua mạng, 3 văn bản được Thủ tướng ký ban hành trong năm 2017 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy công tác này phát triển vượt bậc trong năm 2018. Ảnh: Lê Tiên
Cùng với việc ra đời 2 Thông tư về đấu thầu qua mạng, 3 văn bản được Thủ tướng ký ban hành trong năm 2017 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy công tác này phát triển vượt bậc trong năm 2018. Ảnh: Lê Tiên

Nổi bật là việc ra đời của nhiều văn bản pháp lý trong lĩnh vực đấu thầu qua mạng (e-GP), tạo tiền đề đẩy mạnh triển khai công tác này trong năm 2018.

Thủ tướng quan tâm chỉ đạo sát sao

Nhìn lại những kết quả đạt được về đấu thầu qua mạng trong năm 2017 có thể thấy nhiều chuyển biến mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ và các cấp trong việc đẩy mạnh thực hiện e-GP ở nước ta. Các chuyên gia cho rằng, e-GP đang được kỳ vọng sẽ có bước chuyển vượt bậc trong năm 2018 khi hàng loạt văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này được các cơ quan chức năng ban hành trong năm 2017.

Điển hình là mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 47/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước (CT47). Theo đó, về lựa chọn nhà thầu qua mạng Thủ tướng Chính phủ chỉ thị chủ đầu tư, bên mời thầu: Nghiêm túc thực hiện lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng theo Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 (QĐ1402) và Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC (TTLT 07). Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có kế hoạch, bố trí cán bộ phụ trách công tác đấu thầu tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn thực hiện đấu thầu qua mạng để triển khai thực hiện.

Đối với đơn vị thẩm định, Thủ tướng chỉ thị: “Khi thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị thẩm định căn cứ quy định tại TTLT 07 để chủ động đề xuất áp dụng đấu thầu qua mạng đối với những gói thầu đủ điều kiện”.

Thủ tướng chỉ thị các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước:  “Chỉ đạo chủ đầu tư, bên mời thầu thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện những nội dung theo Chỉ thị này, đặc biệt là việc công khai thông tin và thực hiện đấu thầu qua mạng theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ1402, TTLT 07 và yêu cầu tại mục 2 Phần I Chỉ thị này, đưa kết quả thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ”.

Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ, hướng dẫn các chủ đầu tư, bên mời thầu trong quá trình đăng ký chứng thư số và đăng tải thông tin theo quy định. Trước đó, một loạt văn bản khác trong lĩnh vực đấu thầu qua mạng cũng được Thủ tướng ký ban hành. Cụ thể, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định số 1785/QĐ-TTg ngày 13/11/2017 ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng. Quy chế hoạt động này được ban hành ngay sau khi Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng được Thủ tướng ký quyết định thành lập vào ngày 08/11/2017.

Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong quá trình triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng. Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng ban.

Theo ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thư ký Ban Chỉ đạo, việc thành lập Ban Chỉ đạo sẽ tăng cường sự phối hợp kịp thời giữa các bộ, ngành, địa phương giúp rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp, thúc đẩy sự phát triển của đấu thầu qua mạng.

Mở rộng phạm vi áp dụng đấu thầu qua mạng

Với việc ra đời Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017 quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (TT04), nhiều điểm mới, nổi bật mang tính đột phá so với các quy định hiện hành trong lĩnh vực đấu thầu qua mạng; đồng thời, phạm vi áp dụng đấu thầu qua mạng được mở rộng.

TT04 thay thế toàn bộ Thông tư số 07/2016/TT-BKHĐT và Chương III TTLT 07. Theo Cục Quản lý đấu thầu, trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai thực tế, tổng kết các thuận lợi, khó khăn vướng mắc của người sử dụng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành TT04, trong đó mở rộng phạm vi áp dụng cho các loại gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, phi tư vấn, tư vấn; hình thức đấu thầu chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi với phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ và một giai đoạn hai túi hồ sơ. Như vậy, TT04 cho phép áp dụng đấu thầu qua mạng cho hầu hết các gói thầu quy định trong Luật Đấu thầu.

TT04 cũng cung cấp thêm nhiều lợi ích cho bên mời thầu, nhà thầu. Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho biết, để kịp đáp ứng thời gian có hiệu lực của TT04 vào ngày 01/3/2018, Cục Quản lý đấu thầu đang khẩn trương hoàn thiện nâng cấp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo đó, ngoài các nghiệp vụ đã có sẵn như phát hành hồ sơ mời thầu; gửi, nhận hồ sơ dự thầu qua mạng, Hệ thống sẽ cung cấp thêm các chức năng làm rõ hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu trực tuyến theo đúng hướng dẫn tại TT04. 

Giảm thủ tục hành chính, tăng giám sát

Một văn bản pháp luật quan trọng khác trong lĩnh vực đấu thầu qua mạng được ban hành trong năm 2017 và sẽ có hiệu lực thi hành trong quý 1/2018 là Thông tư số 06/2017/TT-BKHĐT ngày 05/12/2017 của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết việc cung cấp thông tin về đấu thầu, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (TT06). TT06 ra đời đã tạo thêm một điểm nhấn trong nỗ lực tăng cường công khai, minh bạch và hiệu quả giám sát trong công tác đấu thầu.

Bộ KH&ĐT cho biết, TT06 được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu căn cứ trên quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 129 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Nội dung Thông tư mang tính hướng dẫn về quy trình, cách thức thực hiện cung cấp thông tin và báo cáo cũng như các biểu mẫu để các chủ thể báo cáo áp dụng đảm bảo thuận tiện, có hệ thống, tiến tới giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính.

Đáng chú ý, một trong những điểm mới của TT06 là để phục vụ việc theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu, quy định của TT06 cho thấy, các chủ đầu tư, bên mời thầu và một số chủ thể có liên quan phải cung cấp ít nhất 12 loại thông tin về đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bao gồm thông tin về dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời chào hàng, thông báo mời thầu, danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, hợp đồng, kiến nghị, hủy thầu, thông tin về nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại từng dự án/gói thầu, thông tin khác có liên quan.

Theo đó, các chủ đầu tư, bên mời thầu phải đăng đầy đủ tất cả các loại thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nếu đăng tải thiếu loại thông tin nào thì sẽ không đăng tải được các thông tin tại các bước kế tiếp trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu hoàn toàn có thể theo dõi được sự tuân thủ các quy định về đăng tải, cung cấp thông tin đấu thầu của các chủ đầu tư, bên mời thầu theo thời gian thực.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Thủ tướng ban hành chỉ thị với nhiều nội dung trực tiếp yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu và các cơ quan chức năng quán triệt thực hiện đấu thầu qua mạng; cùng với đó, việc thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Quy chế hoạt động của Ban, sự ra đời của hai Thông tư hướng dẫn về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bước sang năm 2018, công tác đấu thầu qua mạng được kỳ vọng sẽ có bước chuyển vượt bậc, hứa hẹn nhiều kết quả tích cực trong triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025.

Chuyên đề