Bắc Giang: Rắc rối vụ nhà thầu gian lận

(BĐT) - Mặc dù nhà thầu vi phạm đã hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bắc Giang đã vào cuộc nhưng dường như việc xử lý câu chuyện nhà thầu Công ty CP Xây dựng và Thương mại Ngọc Vân (gọi tắt là Công ty Ngọc Vân) lập hồ sơ dự thầu (HSDT) không trung thực vẫn chưa có hồi kết, vẫn làm “rối lòng” các cơ quan chức năng của địa phương này.
Bắc Giang: Rắc rối vụ nhà thầu gian lận

Nhà thầu gian lận báo cáo tài chính

Quá trình tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, sau khi Công ty Ngọc Vân trúng 4 gói thầu về xây đường và trường học tại một số xã trên địa bàn huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang thì có phản ánh được gửi đến cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang về hành vi gian lận trong đấu thầu xây dựng của nhà thầu này.

Thanh tra tỉnh Bắc Giang được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang giao kiểm tra, rà soát nội dung phản ánh này. Qua xem xét hồ sơ, Thanh tra tỉnh Bắc Giang cho biết, theo báo cáo tài chính các năm gần nhất thì tổng nguồn vốn (xác định bằng tổng tài sản trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp lưu tại cơ quan thuế) của Công ty Ngọc Vân lớn hơn 20 tỷ đồng, số lượng lao động bình quân hàng năm của doanh nghiệp nhỏ hơn 200 người. Và trong quá trình tham gia dự thầu các gói xây lắp tại huyện Tân Yên, Công ty Ngọc Vân đã cung cấp thông tin tại báo cáo tài chính không trung thực trong HSDT. Cụ thể, báo cáo tài chính trong HSDT khác với báo cáo tài chính nộp tại cơ quan quản lý thuế. Giá trị tổng tài sản tại báo cáo tài chính trong HSDT nhỏ hơn 20 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị tổng tài sản tại báo cáo tài chính nộp cơ quan thuế lớn hơn 20 tỷ đồng. Công ty đã được lựa chọn là nhà thầu thi công các gói thầu xây lắp nói trên.

Thanh tra tỉnh Bắc Giang cho rằng, theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, Công ty Ngọc Vân là doanh nghiệp nhỏ, được tham dự thầu các gói thầu xây lắp có giá dưới 5 tỷ đồng. Việc Công ty cung cấp thông tin trong HSDT tại Báo cáo tài chính không trung thực nhưng không làm sai lệch kết quả chọn nhà thầu, do đó không đủ yếu tố cấu thành hành vi gian lận trong đấu thầu theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu. Khi vi phạm của Công ty Ngọc Vân được phát hiện, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang đã giao Thanh tra Sở này xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty về hành vi “lập HSDT không trung thực” theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 23 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Đào Sơn Lưu, Giám đốc Công ty Ngọc Vân thanh minh, Công ty không cố ý gian lận hồ sơ, việc báo cáo tài chính có sai khác giữa bản nộp trong HSDT với bản nộp ở cơ quan thuế là do sơ suất. Quan điểm xử lý của cơ quan chức năng địa phương khi xử lý vi phạm của Công ty Ngọc Vân là “y án tại hồ sơ”, Công ty cũng đã nghiêm chỉnh chấp hành và nộp tiền phạt vi phạm hành chính.

Phương án xử lý nào cho thỏa đáng?

Mặc dù Thanh tra Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang đã có quyết định xử phạt vi phạm đối với Công ty Ngọc Vân, tuy nhiên, phía người phản ánh sự việc lại cho rằng, hành vi “lập HSDT không trung thực” của Công ty Ngọc Vân là hành vi gian lận trong đấu thầu và phải xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 122, Nghị định 63/2014/NĐ-CP (nghĩa là bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm).

Chiều ngày 12/3/2018, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lưu cũng cho biết, việc nhầm lẫn của Công ty Ngọc Vân diễn ra ở 4 gói thầu xây lắp trên địa bàn huyện Tân Yên. Các công trình này đấu thầu vào tháng 1/2017 và sau khi trúng thầu, Công ty đã đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng từ tháng 9/2017.

Quá trình thanh tra của Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang cũng cho thấy, các chủ đầu tư không công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 4 gói thầu này. Điều này cũng trùng khớp với quá trình tra soát, thống kê của Báo Đấu thầu rằng, tính từ tháng 11/2015 trở lại đây, Công ty Ngọc Vân mới được công bố trúng duy nhất 1 gói thầu xây dựng Trường THCS xã An Dương, huyện Tân Yên; Hạng mục: Nhà lớp học 3 tầng 16 phòng, nhà hiệu bộ, các hạng mục phụ trợ với giá trúng thầu 3.035 triệu đồng (giá gói thầu 3.130 triệu đồng).

Về câu chuyện xử lý thế nào cho thỏa đáng và tương thích với hành vi vi phạm của Công ty Ngọc Vân, TS. Nguyễn Việt Hùng – nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng, việc gian lận thuộc về hành vi đạo đức của nhà thầu. Các cơ quan chức năng, trong quá trình thanh tra sự việc, với đầy đủ các chứng cứ mới có thể đưa ra được các quyết định thỏa đáng trên cơ sở chấp hành các quy định của Nhà nước và các cơ quan này phải chịu trách nhiệm về quyết định và mức độ xử lý của mình. Việc lập HSDT không trung thực của nhà thầu là đều có mục đích nhất định và đương nhiên đây là hành vi gian lận trong đấu thầu. Còn việc xử lý thế nào thì còn tùy thuộc tính chất, mức độ của sự việc và cách đánh giá, nhìn nhận của cơ quan thanh tra, kiểm tra.              

Chuyên đề