Đấu thầu vận tải xe bus tại TP.HCM: Bảo Yến gặp khó vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một đơn vị vận tải hành khách công cộng nhiều kinh nghiệm của TP. Hà Nội lần đầu tham gia thị trường TP.HCM đã vướng ngay tình huống khó lường do dịch Covid-19 gây ra.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Khi Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên tuyến xe bus có trợ giá số 04 và 43, nhiều người đã bất ngờ với sự có mặt của Liên danh Công ty TNHH Du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến - Hợp tác xã 28. Nhà thầu này trúng thầu với giá 98,417 tỷ đồng, giảm 7,404 tỷ đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm 6,99%. Thời gian thực hiện hợp đồng tối đa 60 tháng (từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025), loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Gói thầu nêu trên sử dụng nguồn vốn từ kinh phí trợ giá - ngân sách TP.HCM, được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ; đóng thầu ngày 7/4/2021.

Với người dân TP.HCM, Công ty TNHH Du lịch, Dịch vụ Xây dựng Bảo Yến là cái tên hoàn toàn lạ lẫm. Nhưng tại Hà Nội, Công ty đã hoạt động được hơn 15 năm. Công ty hiện đang thực hiện 6 gói thầu cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe bus tại Hà Nội do Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) mời thầu từ năm 2018 đến nay, với tổng giá trúng thầu hơn 1.267 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay sau khi trúng thầu Gói thầu tại TP.HCM, việc cung ứng dịch vụ của Bảo Yến đã vấp phải những diễn biến khó lường.

Được biết, từ ngày 1/5/2021, Sở GTVT và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM bàn giao Gói thầu 4 tuyến xe bus gồm tuyến số 1, 15, 65 và 152 cho Liên danh Bảo Yến - HTX số 28, trong đó 3 tuyến gồm tuyến số 1, 65 và 152 được đầu tư sử dụng 42 xe mới 100%; riêng tuyến 15 sử dụng 12 xe cũ.

Mặc dù trong hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu tuyến số 1 sử dụng 12 xe có sức chở 50 chỗ nhưng khi trúng thầu, Liên danh Bảo Yến - HTX số 28 lại sử dụng xe có sức chở 47 chỗ. Tương tự, tuyến số 65, trong HSMT yêu cầu sử dụng 17 xe có sức chở 50 chỗ nhưng thực tế liên danh trên cũng vận hành xe có sức chở chỉ 47 chỗ.

Cho đến nay, cả Bên mời thầu (BMT) lẫn Nhà thầu đều xác nhận có tình trạng trên và đây là trường hợp “bất khả kháng”, “sẽ kịp thời điều chỉnh sát với HSMT trong tháng 9/2021”. Theo đại diện của BMT, hồ sơ dự thầu (HSDT) của Liên danh Bảo Yến - HTX 28 đáp ứng các yêu cầu của HSMT. Tuy nhiên, tình huống phát sinh là thời điểm trước khi dự thầu, Bảo Yến đã tiến hành đặt hàng mua xe từ Trung Quốc. Nhưng do dịch diễn biến phức tạp, các quốc gia cung cấp thiết bị để lắp ráp xe bus bị ảnh hưởng, chính sách nhập khẩu, nhập cảnh bị thắt chặt nên Nhà thầu không nhập khẩu kịp phương tiện bus 50 chỗ.

Trong quá trình thương thảo, Nhà thầu Bảo Yến đã đề xuất dùng tạm phương tiện có chủng loại tương đương (về thông số kỹ thuật, kích thước, đặc tính…) vận hành cho Tuyến số 1 và 65 với 29 xe đóng mới nhưng sức chở chỉ 47 chỗ thay vì 50 chỗ. Đồng thời cam kết đến ngày 1/9/2021 sẽ sử dụng toàn bộ xe 50 chỗ lắp ráp trong nước vào phục vụ.

Đại diện BMT cho rằng, thông báo của đơn vị cung ứng xe do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không thể cung ứng thiết bị được gửi đến Nhà thầu sau thời điểm đóng thầu 5 ngày. Do đó, BMT đã đánh giá đây là trường hợp cần xử lý khi gặp sự kiện bất khả kháng được quy định trong hợp đồng (sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra mang tính khách quan và nằm ngoài tầm kiểm soát của các bên).

Ðồng thời, đơn giá trợ giá cho loại phương tiện sử dụng tạm cũng tương đương với phương tiện trong hợp đồng, không ảnh hưởng trợ giá của ngân sách nhà nước. Chưa kể trong thời gian giãn cách xã hội, dịch bệnh diễn biến phức tạp, lượng khách đi xe bus sụt giảm nên việc đưa xe có sức chở nhỏ hơn không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng phục vụ hành khách.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã có tờ trình về điều chỉnh nội dung công bố hoạt động của các tuyến xe bus có trợ giá số 1, 15, 65 và 152 trong đó có nội dung điều chỉnh về chủng loại xe trên. Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã yêu cầu có báo cáo cụ thể trường hợp phát sinh tại gói thầu nói trên để có hướng xử lý, tránh tình trạng này ở các gói thầu khác đang có kế hoạch mời thầu.

Chuyên đề