Đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại Hà Nam: Còn nhiều bất cập, thiếu sót

(BĐT) - Hồ sơ mời thầu (HSMT) ghi dạng bào chế một đằng, quyết định trúng thầu hay hồ sơ dự thầu lại chào một nẻo; đánh giá điểm đối với một số chỉ tiêu kỹ thuật chưa chính xác; số lượng cao hơn 130% so với hợp đồng tương tự đã áp dụng...
Theo Kết luận của Thanh tra Bộ Y tế, tại Sở Y tế tỉnh Hà Nam, việc đánh giá điểm kỹ thuật của một số thuốc dự thầu chưa chính xác. Ảnh: Nhã Chi
Theo Kết luận của Thanh tra Bộ Y tế, tại Sở Y tế tỉnh Hà Nam, việc đánh giá điểm kỹ thuật của một số thuốc dự thầu chưa chính xác. Ảnh: Nhã Chi

Những bất cập, thiếu sót nêu trên vừa được Thanh tra Bộ Y tế chỉ ra tại Kết luận Thanh tra số 55/KL-TTrB về thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại Sở Y tế tỉnh Hà Nam và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam trong giai đoạn đoạn từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2018.

Tồn tại trong xây dựng HSMT

Một trong những tồn tại, hạn chế lặp lại nhiều nhất tại cả hai đơn vị được UBND tỉnh Hà Nam giao làm chủ đầu tư nêu trên là việc xây dựng HSMT.

Tại Gói thầu số 1 do Sở Y tế làm chủ đầu tư, trong quá trình xây dựng HSMT, do sơ suất về kỹ thuật, Sở Y tế đã ghi chưa chính xác về thông tin dạng bào chế của thuốc Propofol (mời thầu tại STTMT – số thứ tự mời thầu 16) là dạng “dung dịch tiêm”. Trong khi đó, thuốc dự thầu và trúng thầu có dạng bào chế theo Giấy phép lưu hành sản phẩm là “nhũ dịch tiêm”; quyết định trúng thầu cũng phê duyệt dạng bào chế là “nhũ dịch tiêm”.

Tương tự, tại Gói thầu số 1 do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư, HSMT thuốc Calcipotriol + Betamethason dipropionat với nồng độ, hàm lượng là “750mcg + 7,5 mg/g, tube 15g dạng thuốc dùng ngoài (STTMT 654)”. Tuy nhiên, thuốc dự thầu và trúng thầu có hàm lượng là “mỗi 15g thuốc mỡ chứa Calcipotriol (dưới dạng Calcipotriol monohydrat) 0,75mg; Betamethason (dưới dạng Betamethason dipropionat) 7,5mg (thuốc Potriolac, số đăng ký VD-22526-15) và có cùng các dược chất, có cùng tỷ lệ các dược chất trong thành phần, nhưng ghi hàm lượng chưa phù hợp với hàm lượng ghi trong HSMT. Thực tế, qua kiểm tra, trên thị trường không có thuốc nào có hàm lượng như ghi trong HSMT và có thuốc phù hợp với thuốc trúng thầu.

Thanh tra Bộ Y tế còn chỉ ra, HSMT cũng ghi chưa đầy đủ thông tin khối lượng của đơn vị tính “gói” đối với mặt hàng Bari sulfat (mời thầu tại STTMT 85, Gói thầu số 5 do Sở Y tế Hà Nam làm chủ đầu tư); chưa ghi đơn vị đóng gói nhỏ nhất (3 vật tư y tế mời thầu tại STTMT 25, 252, 161 của Gói thầu số 6 do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư). 

Đánh giá điểm kỹ thuật chưa chính xác

Bên cạnh những thiếu sót trong xây dựng HSMT, theo Thanh tra Bộ Y tế, một điểm hạn chế chung của hai chủ đầu tư nêu trên là danh mục hàng hóa mua sắm trực tiếp có số lượng cao hơn 130% so với hợp đồng tương tự đã áp dụng. Trong đó có 3 vật tư  y tế do Sở Y tế làm chủ đầu tư (Diatro-Lyse-Diff with hardware key, Bộ phân phối, Catheter chụp động mạch vành 2 bên chống xoắn); 2 thuốc (Cytan và Moxilen 500mg) và 2 vật tư y tế (dây nối bơm điện dài 150 cm/Welford và Phim XQ 18x24 cm/Agfa) do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư.

Ngoài những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thanh tra Bộ Y tế còn phát hiện, trong quá trình tổ chức mua sắm trực tiếp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam chưa yêu cầu nhà thầu bảo đảm thực hiện hợp đồng theo yêu cầu ghi trong HSMT (2 nhà thầu trúng thầu Gói thầu số 6 là Công ty CP Công nghệ y tế BMS và Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen).

Còn tại Sở Y tế, việc đánh giá điểm kỹ thuật của một số hàng hóa dự thầu ở một số tiêu chí, theo Kết luận thanh tra, là chưa chính xác. Chẳng hạn như thuốc Cefpas (số đăng ký VN-18361-14, nhà sản xuất M/s Samrudh Pharmaceuticals Pvt. Ltd của Ấn Độ) đã dự thầu và trúng thầu, được đánh giá là 22 điểm ở chỉ tiêu 1. Tuy nhiên, theo tài liệu tại hồ sơ dự thầu, nhà sản xuất thuốc nêu trên chỉ đạt tiêu chuẩn PIC/s-GMP, không thuộc nước tham gia ICH hoặc Australia và tại thời điểm tổ chức lựa chọn nhà thầu chưa được Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận WHO-GMP, thì phải được đánh giá 21 điểm ở chỉ tiêu 1, chứ không phải là 22 điểm...

Mặc dù những hạn chế, thiếu sót nêu trên không làm ảnh hưởng đến thứ hạng của nhà thầu hay kết quả lựa chọn nhà thầu, hàng hóa sau khi mua sắm đã được đưa vào sử dụng, nhưng Thanh tra Bộ Y tế vẫn cho rằng, các chủ đầu tư cần nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại trong việc thực hiện quy định của pháp luật về đấu thầu, mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Chuyên đề