Đấu thầu tại huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc): Yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật từ hãng với hàng thông dụng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay sau khi hồ sơ mời thầu (HSMT) 2 gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục trên địa bàn huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc được phát hành, 2 nhà thầu đã có văn bản kiến nghị, phản đối các yêu cầu được xem là hạn chế cạnh tranh tại HSMT, đặc biệt là yêu cầu cam kết hỗ trợ kỹ thuật của nhà sản xuất (hãng sản xuất) đối với một số loại hàng hóa thông dụng.
Hai gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục có tổng giá dự toán hơn 31 tỷ đồng, do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) làm bên mời thầu. Ảnh minh họa: Thanh Tùng
Hai gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục có tổng giá dự toán hơn 31 tỷ đồng, do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) làm bên mời thầu. Ảnh minh họa: Thanh Tùng

Gói thầu Trang thiết bị dạy và học cho các trường mầm non, tiểu học (dự toán 14,251 tỷ đồng) và Gói thầu Hệ thống thiết bị phòng học đa năng tương tác thông minh cho khối tiểu học và THCS (dự toán 16,89 tỷ đồng) do UBND huyện Sông Lô là chủ đầu tư, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Lô làm bên mời thầu, Công ty CP Đầu tư và Phát triển AZ Việt Nam là tư vấn lập HSMT, đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT). Tư vấn thẩm định HSMT, kết quả lựa chọn nhà thầu là Công ty TNHH Đầu tư và Công nghệ Hưng Thịnh Phát.

Theo phản ánh của Công ty TNHH Hạ Long Viglacera và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hòa Bình, HSMT của 2 gói thầu quy định: “Đối với những sản phẩm đánh dấu “X”, nhà thầu cần có cam kết hỗ trợ kỹ thuật của nhà sản xuất (hãng sản xuất) hoặc đại diện hợp pháp của nhà sản xuất (hãng sản xuất) tại Việt Nam cấp cho nhà thầu thực hiện gói thầu này. Trường hợp nhà thầu không đề xuất trong HSDT tài liệu trên thì phải chịu trách nhiệm làm rõ, bổ sung trong quá trình đánh giá HSDT”.

Theo đó, tại Gói thầu Trang thiết bị dạy và học cho các trường mầm non, tiểu học, sản phẩm đánh dấu “X” bao gồm: giá để đồ chơi và học liệu; tủ đựng đồ dùng cá nhân của trẻ; tủ đựng chăn, chiếu, màn; máy chiếu đa năng; màn hình hiển thị tương tác kèm giá treo và phần mềm giảng dạy.

Chỉ thỉ số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước nêu rõ: Khi xây dựng HSMT, không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất.

Còn tại Gói thầu Hệ thống thiết bị phòng học đa năng tương tác thông minh cho khối tiểu học và THCS, các sản phẩm được đánh dấu “X” gồm: màn hình hiển thị tương tác kèm giá treo và phần mềm giảng dạy; camera thu vật thể.

Hai nhà thầu khẳng định, các sản phẩm được đánh dấu “X” đều là hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất/hãng sản xuất. Do đó, việc yêu cầu cam kết hỗ trợ kỹ thuật của nhà sản xuất như tại HSMT có thể gây hạn chế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các nhà thầu cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình đối với yêu cầu “cam kết cung cấp đầy đủ hàng mẫu trong 24 giờ, kể từ khi nhận được thông báo của Bên mời thầu”. “Trường hợp hàng hóa cần cung cấp sản xuất được trong nước, có sẵn trên thị trường Việt Nam thì khoảng thời gian trên là khả thi. Song đối với hàng hóa không có sẵn, nhà thầu phải đặt hàng, thì yêu cầu này là bất khả thi. Do đó, không loại trừ trường hợp đây là yêu cầu mang tính định hướng”, một nhà thầu nhận định.

Trong công văn phúc đáp các nhà thầu, Bên mời thầu nhiều lần khẳng định, các tiêu chí trong HSMT được xây dựng phù hợp với quy định pháp luật và không nhằm mục đích hạn chế nhà thầu. Theo Bên mời thầu, số lượng hàng hóa cần cung cấp tại 2 gói thầu tương đối lớn, phạm vi triển khai trên địa bàn rộng và có tính chất phức tạp, kỹ thuật cao, đòi hỏi sự cần thiết về cam kết hỗ trợ kỹ thuật sau bán hàng. Đối với phản ánh về thời gian cung cấp hàng mẫu, Bên mời thầu cho rằng yêu cầu này là hợp lý.

Ngày 25/10, 2 gói thầu cùng được công bố kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo đó, nhà thầu duy nhất tham dự và trúng Gói thầu Trang thiết bị dạy và học cho các trường mầm non, tiểu học là Công ty TNHH MTV Vật tư kỹ thuật công nghiệp Quốc phòng. Giá trúng thầu là 14,189 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,4%. Tại Gói thầu Hệ thống thiết bị phòng học đa năng tương tác thông minh cho khối tiểu học và THCS, Công ty CP M.E.E Việt Nam là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu với giá 16,846 tỷ đồng, tiết kiệm 0,2%.

Chuyên đề