Đấu thầu sữa học đường TP.HCM: Yêu cầu cao nhưng không đánh đố nhà thầu

(BĐT) - Là địa phương đầu tiên triển khai Đề án Sữa học đường bằng hình thức đấu thầu qua mạng, TP.HCM đang nỗ lực tổ chức thành công ngay từ gói thầu thí điểm. Gói thầu có tính chất mở màn này có vai trò cực kỳ quan trọng để TP.HCM thực hiện đại trà Đề án, với quy mô lớn hơn rất nhiều trong các năm học tiếp theo.
Gói thầu về mua sữa tươi tiệt trùng cho trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp 1 tại TP.HCM có giá dự toán gần 140 tỷ đồng, được đấu thầu qua mạng. Ảnh: Thu Hà
Gói thầu về mua sữa tươi tiệt trùng cho trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp 1 tại TP.HCM có giá dự toán gần 140 tỷ đồng, được đấu thầu qua mạng. Ảnh: Thu Hà

Hồ sơ mời thầu chặt chẽ, yêu cầu cao

Gói thầu Mua sữa tươi tiệt trùng cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 giai đoạn học kỳ 1 năm học 2019 - 2020 trên địa bàn 10 quận, huyện của TP.HCM có thời gian thực hiện hợp đồng 4 tháng (tương ứng với 1 học kỳ của năm học). Gói thầu này sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, nhà thầu trúng thầu cung cấp sữa hỗ trợ, cha mẹ hoặc người chăm sóc học sinh đóng góp.

Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được UBND TP.HCM phê duyệt trong tháng 7/2019, dự toán của Gói thầu là 139.965.377.860 đồng.

Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (E-HSMT) từ 9 giờ ngày 7/8/2019 đến 9 giờ  ngày 28/8/2019. E-HSMT được công bố rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Sau khi tham khảo E-HSMT, nhiều nhà thầu cho biết, E-HSMT có cấu trúc chặt chẽ, khoa học, có yêu cầu ràng buộc trách nhiệm đối với nhà thầu cao nhưng “không có tính đánh đố, hạn chế nhà thầu”.

Phần quan trọng nhất đối với các nhà thầu tại gói thầu này chính là “Tiêu chuẩn đánh giá E-HSMT”, đặc biệt là tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật. Các nội dung đánh giá được E-HSMT yêu cầu rất rõ với phạm vi cung cấp và đặc tính kỹ thuật của hàng hóa. Theo đó, đối với nhà thầu là đơn vị sản xuất hàng hóa cung cấp cho gói thầu: Yêu cầu nhà thầu cung cấp tài liệu chứng minh nhà thầu đạt tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn quản lý môi trường, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn về nguồn nguyên liệu, quy trình một chiều từ chăn nuôi, sản xuất, bảo quản, vận chuyển và các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh sữa.

Đối với nhà thầu là đơn vị thương mại: Yêu cầu nhà thầu cung cấp bản sao được chứng thực của cơ quan có thẩm quyền hợp đồng ký kết với nhà sản xuất hoặc đại lý, nhà phân phối (kèm theo tài liệu chứng minh đang là đại lý hoặc nhà phân phối của nhà sản xuất hàng hóa được chào thầu, đồng thời cung cấp tài liệu chứng minh nhà máy sản xuất hoặc đơn vị cung cấp sữa phải đạt tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn quản lý môi trường, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn về nguồn nguyên liệu, quy trình một chiều từ chăn nuôi, sản xuất, bảo quản, vận chuyển và các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh sữa).

E-HSMT cũng yêu cầu nhà thầu phải cam kết sữa tươi nguyên liệu sử dụng cho sản xuất sản phẩm phải đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sản phẩm phải được công bố chất lượng và phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP…

E-HSMT cũng yêu cầu, trong thời gian thực hiện hợp đồng, nếu Bộ Y tế ban hành văn bản chính thức quy định về yêu cầu kỹ thuật, hàm lượng chất dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng của sữa phục vụ Chương trình Sữa học đường có khác so với các tiêu chí, thông số kỹ thuật, hàm lượng chất dinh dưỡng thể hiện tại E-HSMT thì nhà thầu phải cung cấp hàng hóa đảm bảo tuân thủ, đáp ứng theo đúng văn bản chính thức do Bộ Y tế ban hành mà không được phát sinh thêm chi phí.

Việc cung cấp, vận chuyển sữa học đường bằng các phương tiện chuyên dùng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ nơi sản xuất đến trường học, chịu trách nhiệm vận chuyển sữa từ phương tiện vận chuyển đến nơi bảo quản an toàn tại các trường. Nhà thầu có cam kết tần suất giao hàng 2 lần/tháng; đối với các trường không có điều kiện thuận lợi về kho lưu trữ bảo quản, thì giao sữa 1 lần/1 tuần. Sữa giao nhận phải có thời gian sử dụng ít nhất trên 2/3 thời hạn sử dụng.

Bên mời thầu “căng não” với từng chi tiết của E-HSMT

Đây là gói thầu được chúng tôi quan tâm đặc biệt vì hàng hóa mua là sữa dinh dưỡng phục vụ cho thế hệ tương lai của Thành phố. Chúng tôi mong muốn E-HSMT không có sơ suất nào, thuận lợi nhất cho các nhà thầu khi lập E-HSDT và toàn bộ quá trình đánh giá E-HSDT về sau” - đại diện Bên mời thầu cho biết.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM - đơn vị được giao làm bên mời thầu (BMT) cho các gói thầu thuộc Đề án Sữa học đường tại TP.HCM cho biết, thời gian qua, đơn vị này thực sự “căng não”, “tập trung cao độ” và “tham khảo rất nhiều kênh” để xây dựng một bộ E-HSMT hoàn chỉnh nhất.

“Đây là gói thầu được chúng tôi quan tâm đặc biệt vì hàng hóa mua là sữa dinh dưỡng phục vụ cho thế hệ tương lai của Thành phố. Chúng tôi mong muốn E-HSMT không có sơ suất nào, thuận lợi nhất cho các nhà thầu khi lập E-HSDT và toàn bộ quá trình đánh giá E-HSDT về sau” - ông Sỹ cho biết. Việc áp dụng đấu thầu qua mạng đối với gói thầu này cũng thực sự là chuyển biến lớn đối với một đơn vị mới được TP.HCM giao làm đầu mối mua sắm tập trung hơn 2 năm nay. Tại gói thầu này, BMT đã thuê Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng CICON lập E-HSMT và đánh giá E-HSDT. Công ty TNHH Thương mại Xây dựng và Đầu tư Toàn Hưng Thịnh sẽ thẩm định E-HSMT, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.

BMT đã tham khảo rất nhiều gói thầu mua sữa học đường, đặc biệt là của TP. Hà Nội để có thể xây dựng bộ E-HSMT phù hợp nhất với TP.HCM. “Điều chúng tôi quan tâm nhất chính là uy tín, khả năng của nhà thầu đi kèm với chất lượng sản phẩm sữa. Từ chỗ chưa có nhiều hiểu biết về lĩnh vực này, sau thời gian cùng đội ngũ tư vấn lập E-HSMT, chúng tôi đã thuộc nằm lòng các quy định về thành phần vi chất, tiêu chuẩn dinh dưỡng mà các văn bản pháp luật hiện hành điều chỉnh”, đại diện BMT chia sẻ.

Chuyên đề