Đấu thầu cung cấp gạo dự trữ tại khu vực TP.HCM: Nhà thầu mới chiếm ưu thế

(BĐT) - Sau thời gian cấp tập mời thầu lại 238 gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia (DTQG), đến nay các Cục Dự trữ Nhà nước (bên mời thầu - BMT) đã đồng loạt công bố kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT). 
“Tân binh” lần đầu tham gia các gói thầu gạo dự trữ tại TP.HCM - Công ty TNHH Kim Hằng đã trúng tổng cộng 4 trong số 7 gói thầu. Ảnh: Minh Hoa
“Tân binh” lần đầu tham gia các gói thầu gạo dự trữ tại TP.HCM - Công ty TNHH Kim Hằng đã trúng tổng cộng 4 trong số 7 gói thầu. Ảnh: Minh Hoa

Tại TP.HCM, có 1 nhà thầu từng trúng thầu đợt 1 nhưng từ chối ký hợp đồng và nay tiếp tục trúng thầu. Tuy vậy, kết quả cho thấy các nhà thầu lần đầu dự thầu cung cấp gạo dự trữ đã chiếm ưu thế, vượt qua nhiều tên tuổi gạo cội để trúng thầu.

Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực TP.HCM vừa công bố KQLCNT 7 gói thầu thuộc Dự án Cung cấp gạo nhập kho DTQG năm 2020. Bất ngờ nhất chính là “tân binh” lần đầu tham gia các gói thầu gạo dự trữ tại khu vực TP.HCM - Công ty TNHH Kim Hằng (Nhà thầu Kim Hằng) đã trúng tổng cộng 4 trong số 7 gói thầu. Trong đó có 3 gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ tại Chi cục DTNN tỉnh Đồng Nai với tổng giá trúng thầu là hơn 30,5 tỷ đồng. Gói thầu số 2 Cung cấp 1.000 tấn gạo nhập kho DTQG năm 2020 tại Chi cục DTNN Long An có giá gói thầu là 11,603 tỷ đồng, Kim Hằng trúng với giá trúng thầu là 11,55 tỷ đồng.

Như vậy, theo kế hoạch, trong vòng 50 ngày tới, Nhà thầu Kim Hằng sẽ phải cung cấp tổng cộng 3.600 tấn gạo nhập kho DTQG.

Ba gói thầu còn lại lần lượt thuộc về các nhà thầu: Công ty TNHH Hiệp Phát Hưng (Gói thầu số 4 Cung cấp 900 tấn gạo nhập kho DTQG năm 2020 tại Chi cục DTNN Đồng Nai với giá gói thầu là 10.726.200.000 đồng, giá trúng thầu là 10.565.100.000 đồng);  Công ty TNHH Xuất nhập khẩu lương thực Bình Minh Hai (Gói thầu số 3 Cung cấp 1.000 tấn gạo nhập kho DTQG năm 2020 tại Chi cục DTNN Long An, có giá gói thầu là 11,603 tỷ đồng và giá trúng thầu là 11.580.450.000 đồng). Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời lần đầu tham gia đấu thầu gạo DTQG cũng trúng 1 gói thầu. Đó là Gói  thầu số 1 Cung cấp 1.000 tấn gạo nhập kho DTQG năm 2020 tại Chi cục DTNN Long An có giá gói thầu là 11,603 tỷ đồng, giá trúng thầu là 11.602.500.000 đồng.

Các tên tuổi lớn, quen thuộc trong đấu thầu gạo DTQG như Công ty CP Lương thực Cao Lạng, Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh, CP Lương thực Đông Bắc có tên trong buổi mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật, hồ sơ đề xuất tài chính đều trắng tay tại 7 gói thầu do Cục DTNN khu vực TP.HCM mời thầu. Đáng chú ý, đây chính là những nhà thầu có tên trong danh sách 24 nhà thầu từng trúng thầu đợt đấu thầu gạo DTQG tháng 3/2020 nhưng từ chối ký hợp đồng và đang bị tịch thu bảo lãnh dự thầu. Riêng Công ty TNHH Xuất nhập khẩu lương thực Bình Minh Hai là nhà thầu duy nhất từng trúng thầu trong đợt đấu thầu tháng 3/2020 nhưng từ chối ký hợp đồng, nay tiếp tục trúng 1 gói.

Như vậy, chỉ tính riêng tại khu vực TP.HCM, KQLCNT các gói thầu gạo DTQG đã có tín hiệu tích cực. Đó là việc các “tân binh” nhiệt tình tham gia lĩnh vực này, trúng nhiều gói thầu, góp phần gia tăng tính cạnh tranh.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Cục DTNN khu vực TP.HCM cho biết, các gói thầu gạo nhập kho dự trữ vốn không có lợi nhuận nhiều như các lĩnh vực khác bởi đơn giá mà Bộ Tài chính đưa ra rất sát với thị trường. Chưa kể, đây là thời điểm bất lợi cho nhà thầu để huy động khối lượng gạo lớn đáp ứng yêu cầu là gạo đông xuân 2020. Tuy nhiên, các gói thầu gạo dự trữ lại có ưu điểm là khả năng xoay vòng vốn rất nhanh cho nhà thầu. Cụ thể, trong vòng 50 ngày, nhà thầu nhập kho đợt nào, giải ngân ngay theo từng đợt. Gần như các chi phí phát sinh sau khi bàn giao gạo nhập kho là bằng 0 nên nếu tính toán  tốt, các gói thầu gạo dự trữ hoàn toàn có thể tạo ra lợi nhuận cho các nhà thầu.

Chuyên đề