Vụ thi hành án tại Công ty Dệt Long An: Sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong đấu giá tài sản!

Tuỳ tiện niêm yết thông báo, người tham gia đấu giá thông đồng, thỏa thuận “ngầm” với người mua tài sản, bán tài sản không được bán đấu giá, ghi biên bản đấu giá không đầy đủ…là những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng bị Thanh tra Bộ Tư pháp vạch trần trong vụ thi hành án tại Công ty Dệt Long An.

Tuỳ tiện niêm yết thông báo, người đấu giá thông đồng

Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ rõ nhiều vi phạm nghiêm trọng trong đấu giá tài sản của Công ty CP Dệt Long An.

Liên quan đến vụ thi hành án (THA) tại Công ty CP Dệt Long An (Công ty Dệt Long An) gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua, rất nhiều cơ quan chức năng vào cuộc làm sáng tỏ nhiều sai phạm. Đáng chú ý là việc Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ ra những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong đấu giá tài sản của Công ty  Dệt Long An.

Kết luận thanh tra số 12/KL-TTR ngày 4/6/2018 của Thanh tra Bộ Tư pháp thể hiện, ngày 23/12/2016, thông báo bán đấu giá tài sản số 564/TBBĐG.MNAS được niêm yết tại Cục THADS tỉnh Long An. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND, cán bộ Tư pháp xã Nhựt Chánh (huyện Bến Lức) vượt thẩm quyền về mặt địa giới hành chính để xác nhận vào biên bản niêm yết thông báo trên.

Đáng chú ý là nội dung Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ ra việc thông đồng giữa những người tham gia đấu giá. Cụ thể, sau khi có thông báo bán đấu giá, có Công ty  Phúc Thịnh và Công ty  Phước Bảo Tâm đăng ký. Sau đó, 2 Công ty trên tổ chức họp hội đồng thành viên và cùng có giấy ủy quyền cho 2 người đại diện để tham gia đấu giá.

Qua kiểm tra, Thanh tra Bộ Tư pháp nhận thấy có sự trùng khớp “kì lạ” như: giấy ủy quyền của 2 bên cùng số hiệu, cùng lập 1 ngày. Kể cả biên bản họp hội đồng thành viên của 2 Công ty trên đều sai lỗi chính tả như nhau…Bên cạnh đó, cả hai bên tham gia đấu giá đều “quay vòng” chung một dòng tiền.

Diễn biến phiên đấu giá cũng diễn ra chóng vánh, Công ty Phước Bảo Tâm nộp 14,5 tỷ đồng đặt trước nhưng khi tham gia đấu giá chỉ trả bằng giá khởi điểm một lần duy nhất. Công ty Phúc Thịnh trả trên giá khởi điểm 100 triệu đồng và trúng đấu giá.

Nhà xưởng, tài sản của Công ty Dệt Long An bị phá dỡ dù những tài sản này không bị kê biên.

Từ những phân tích trên, Thanh tra Bộ Tư pháp xác định những người tham gia đấu giá có sự thông đồng, sàn sếp với nhau trong quá trình tổ chức đấu giá, vi phạm nguyên tắc khách quan, trung thực trong việc đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Tư pháp cũng làm rõ việc trong quá trình đấu giá, đấu giá viên đã không nhắc lại 3 lần, rõ ràng, chính xác bằng lời nói giá đã trả cao nhất mà vội công bố kết quả đấu giá, diễn biến phiên đấu giá tài sản cũng không được ghi đầy đủ vào biên bản đấu giá tài sản là chưa thực hiện đúng quy định.

Thành viên tham dự đấu giá thỏa thuận “ngầm” với người mua tài sản

Chấp hành viên Nguyễn Văn Tài bị Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Tư pháp, trước khi tổ chức phiên đấu giá ngày 24/1/2017, Đấu giá viên, Chấp hành viên, Kiểm sát viên đã thỏa thuận với khách hàng tham gia đấu giá, đồng ý cho người trúng đấu giá nộp tiền trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày trúng đấu giá. Thanh tra Bộ Tư pháp xác định việc làm này là vi phạm pháp luật, bởi theo Khoản 3 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định: “Người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày đấu giá thành công”.

Kết luận Thanh tra của Bộ Tư pháp chỉ rõ, sau khi khách hàng nộp tiền đặt mua tài sản vào tài khoản Công ty Đấu giá Miền Nam, bà Trần Thị Kiều Chi (Đấu giá viên, cũng là giám đốc Công ty đã rút 14 tỷ đồng vào ngày 19/1/2017 và gửi tiết kiệm đến ngày 20/3/2017 để lấy hơn 123 triệu đồng tiền lãi sử dụng mục đích cá nhân. Ngoài ra bà Chi còn chậm chuyển tiền đặt trước của người mua trúng đấu giá cho cơ quan THA.

“Như vậy và Chi đã lợi dụng việc mình được quản lý tiền bán đấu giá, cố tình thỏa thuận trái pháp luật về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, kéo dài việc chuyển tiền đặt trước theo quy định hợp đồng bán đấu giá nhằm chiếm đoạt tiền lãi phát sinh hơn 123 triệu đồng từ việc gửi tiết kiệm tiền đặt trước của khách hàng. Vi phạm trong việc thỏa thuận nói trên có trách nhiệm của người có tài sản (Chấp hành viên Nguyễn Văn Tài) trong việc đồng ý cho bên mua trúng đấu giá chậm nộp tiền”, kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Tư pháp thể hiện.

Nhiều tài sản giá trị của Công ty Dệt Long An không kê biên nhưng vẫn bị đem đi bán đấu giá.

Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận, quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản của Công ty Dệt Long An, Công ty Đấu giá Miền Nam và những người liên quan có nhiều sai phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá. Hành vi bán đấu giá những tài sản không bị kê biên của Công ty Đấu giá Miền Nam, việc thông đồng giữa những người tham gia đấu giá và việc thỏa thuận “ngầm” của các bên tham gia đã làm ảnh hưởng đến kết quả đấu giá, kết quả THA và quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty Dệt Long An cần phải được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Thanh tra Bộ Tư pháp kiến nghị chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xem xét về việc thông đồng, dìm giá tài sản trong hoạt động bán đấu giá tài sản và các hành vi vi phạm của Đấu giá viên và những người có liên quan trong việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Chuyên đề