Viện Dệt may sắp IPO sở hữu loạt khu "đất vàng"

Ngày 12/3 tới đây, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ diễn ra phiên đấu giá cổ phần của Viện Dệt may Việt Nam. Theo đó, Viện Dệt may sẽ bán đấu giá 2,263 triệu cổ phần với giá khởi điểm 12.583 đồng/cổ phiếu.
Trụ sở Viện Dệt may trên phố Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Trụ sở Viện Dệt may trên phố Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Viện Dệt may Việt Nam có địa chỉ ở 478 Minh Khai (Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng) sát ngay Khu đô thị Times City. Đây là trung tâm chuyên nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm công nghệ, phần mềm trong ngành công nghiệp dệt may.

Viện có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, thuộc sở hữu 100% của nhà nước, thuộc quản lý của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Theo phương án cổ phần hoá, Viện Dệt may sẽ IPO và chào bán 45,26% cổ phần, bán cho nhà đầu tư chiến lược cũng với tỷ lệ 45,26%. Số cổ phần bán ưu đãi cho người lao động chiếm 9,48%.

Như vậy, sau cổ phần hoá, nhà nước sẽ không nắm cổ phần nào tại Viện Dệt may.

Về tình hình kinh doanh, Viện Dệt may có tổng tài sản tính cuối năm 2017 là 41 tỷ đồng, không có nợ vay, nợ khó đòi. Tổng số lao động là 121 người. Thu nhập bình quân người lao động chỉ 8 triệu đồng/người/tháng.

Doanh thu của Viện Dệt may có xu hướng giảm, năm 2016 đạt 80,86 tỷ đồng, đến năm 2017 giảm xuống chỉ còn gần 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí cho các hoạt động tự chủ, đề tài, dự án thí nghiệm khá lớn khiến lợi nhuận chỉ đạt 1,1 tỷ đồng năm 2016 và 608 triệu đồng năm 2017. Nguyên nhân của sự sụt giảm là do Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37 quy định về mức giới hạn kiểm tra hàm lượng Formaldehyt và Amin thơm trong sản phẩm dệt may.

Trong giai đoạn 2014 - 2017, doanh thu từ các dịch vụ thuộc Thông tư 37 chiếm 40% doanh thu của Viện Dệt may.

Nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của Viện Dệt may, phiên IPO trên được đánh giá không có nhiều hấp dẫn với giới đầu tư. Song, Viện Dệt may đang nắm quyền sử dụng nhiều khu đất vàng có giá trị, đây là điểm "then chốt" đánh giá sự thành bại của phương án cổ phần hoá Viện Dệt may.

Cụ thể, Viện Dệt may đang sở hữu khu đất 2.850m2 tại 478 Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây chính là trụ sở văn phòng làm việc của Viện. Khu đất này được nhà nước cho thuê đất và miễn tiền thuê đất với các diện tích phục vụ cho nghiên cứu khoa học công nghệ, phòng thí nghiệm, đào tạo trong vòng 50 năm kể từ năm 1993 ( tức đến 2043).

Viện Dệt may cũng đang sở hữu khu đất 5.311m2 tại ngõ 454/24 phố Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Khu đất này đang được sử dụng làm văn phòng, trung tâm nghiên cứu, đào tạo và xưởng thử nghiệm.

Được biết, khu đất được nhà nước cho thuê và miễn phí tiền thuê đất trong 50 năm, tức đến năm 2043. Sau cổ phần hoá, Viện được tiếp tục quản lý khu đất trên  theo hình thức ký hợp đồng thuê đất và trả tiền thuê hàng năm.

Tại Tp. HCM, Viện Dệt may có khu đất 2.219m2 trên phố Trần Hưng Đạo (Quận 1, Tp. HCM) được sử dụng làm cơ sở nghiên cứu, đào tạo, xưởng thực nghiệm, giới thiệu sản phẩm. Hiện Viện Dệt may vẫn đang hoàn thiện hồ sơ thuê đất dài hạn sau khi chuyển thành công ty cổ phần.

Sau cổ phần hoá, Viện Dệt may lên kế hoạch doanh thu đạt 49 tỷ đồng năm 2018, 55 tỷ năm 2019 và 61 tỷ đồng năm 2020. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 dự tính của Viện Dệt may chỉ 47 triệu đồng năm 2018, tăng lên 187 triệu 2019 và 891 triệu đồng năm 2022.

Chuyên đề