Thù lao đấu giá hợp lý sẽ hạn chế tiêu cực

(BĐT) - Sau khi đăng tải bài viết: “Phí và thù lao chưa trở thành động lực cho công ty đấu giá”, Báo Đấu thầu đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả là đấu giá viên, người làm việc trong lĩnh vực đấu giá xung quanh bất cập của cơ chế trả thù lao, cách tính các loại phí và đối tượng phải chi trả các loại phí này. 
Quy định về thù lao dịch vụ đấu giá tài sản hiện nay không sát với thực tế. (Ảnh minh họa)
Quy định về thù lao dịch vụ đấu giá tài sản hiện nay không sát với thực tế. (Ảnh minh họa)

Báo Đấu thầu giới thiệu bài viết của ông Lê Anh Linh, Đấu giá viên Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam.

Nguồn cơn của tiêu cực

Việc Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi một số nội dung tại Thông tư 45/2017/TT-BTC quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản và Thông tư 48/2017/TT-BTC quy định chế độ tài chính trong đấu giá tài sản là rất cần thiết. Thực tế triển khai gần 2 năm qua cho thấy, hệ lụy từ những bất cập của 2 thông tư này là rất lớn, làm thất thoát tài sản nhà nước, gây phiền toái cho người tham gia đấu giá và làm phát sinh không ít tiêu cực trong khâu bán tài sản.

Có ít nhất 2 nguyên nhân làm phát sinh tiêu cực. Một là, mức thu (bao gồm tất cả chi phí cho một cuộc đấu giá) của các tổ chức bán đấu giá không đủ bù chi. Trong khi đó, quy định phần thưởng bán vượt giá khởi điểm quá thấp, chỉ là 1% (bán vượt giá khởi điểm 1 tỷ đồng chỉ được trích thưởng 10 triệu đồng) nên rất khó chống tiêu cực.

Hai là, người được giao nhiệm vụ bán tài sản thuộc đơn vị có tài sản bán đấu giá “không được gì” trong quá trình bán tài sản, kể cả khi bán vượt giá khởi điểm.

Những bất cập trong cơ chế trả thù lao bán vượt giá khởi điểm đã làm phát sinh tiêu cực là sự thông đồng giữa đơn vị có tài sản với tổ chức bán đấu giá. Sự thông đồng có thể nhận thấy thông qua các biểu hiện: không đăng thông tin lựa chọn tổ chức bán đấu giá theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản. Các doanh nghiệp, tổ chức đấu giá chân chính, làm nghiêm túc, làm tốt và không có tiêu cực thì thường ít được lựa chọn, mặc dù các cuộc đấu giá trước đã bán thành công và bán được giá cao hơn giá khởi điểm rất nhiều.

Tiêu cực còn phát sinh khi tổ chức bán đấu giá tạo điều kiện cho khách hàng thông đồng, liên kết dìm giá, chia nhau phần chênh lệch và tổ chức bán đấu giá sẽ được chia một phần lợi nhuận đó.

Theo quy định hiện hành, tiền bán hồ sơ thuộc nguồn thu của đơn vị có tài sản nên tổ chức đấu giá rất hạn chế việc in ấn hồ sơ. Khách hàng mua hồ sơ đấu giá chỉ được nhận từ tổ chức bán đấu giá duy nhất 1 tờ đơn tham gia đấu giá (không có quy chế, không có bảng kê danh mục tài sản đấu giá), gây khó khăn cho người tham gia đấu giá.

Có thể nói, quy định về thù lao đối với nghề đấu giá không sát với thực tế của xã hội, không tương xứng với quy định mức thu của các ngành nghề khác. Đơn cử, với nghề môi giới bất động sản, người có tài sản phải trả cho dịch vụ môi giới ít nhất 0,5 - 2% giá trị của tài sản; với nghề công chứng, mức phí cao nhất hiện là 50 triệu đồng/hợp đồng; dịch vụ thu phí bảo trì đường bộ được nhận 1% số tiền phí thực thu... 

Xác định lại thù lao

Hiện nay, thù lao quy định tại Phụ lục 1 Thông tư 45/2017/TT-BTC là quá thấp, chia thành 9 mức. Mức thấp nhất là tài sản đấu giá có giá trị dưới 50 triệu đồng, tổ chức đấu giá được nhận 8% tương ứng 4 triệu đồng. Mức cao nhất là đối với tài sản từ trên 50 tỷ đồng, tổ chức đấu giá được nhận thù lao 50 triệu đồng + 1% phần chênh lệch bán vượt giá khởi điểm. Loại tài sản này nằm chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước và chủ yếu là hàng hóa tồn kho, ứ đọng hoặc thanh lý, thậm chí giá trị tài sản đã khấu hao hết và có giá trị sổ sách bằng không. Nếu thưởng bán vượt giá khởi điểm thấp quá sẽ không khuyến khích được đơn vị có tài sản mang tài sản ra đấu giá công khai, mà họ cố tình lách luật làm giá khởi điểm thật thấp rồi liên kết với tổ chức bán đấu giá hoàn thiện thủ tục để trục lợi. Tiêu cực xảy ra nhiều nhất với loại tài sản này. Nếu mức thưởng bán vượt dưới 10% phần chênh lệch giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm thì khó chống được tiêu cực.

Bên cạnh đó, tài sản bán đấu giá là động sản thường có giá trị thấp (giá trị dưới 1 tỷ đồng chiếm trên 60%) và thường được bán trọn gói (coi như bán 1 tài sản), số lượng người tham gia ít nên tiền bán hồ sơ không nhiều. Phần tiền bán hồ sơ này đề nghị thuộc nguồn thu của các tổ chức bán đấu giá vì họ mới là người làm ra, in ấn và bỏ công sức để bán.

Thù lao bán đấu giá nên tính cho một cuộc đấu giá, nếu tính theo 1 hợp đồng thì rất khó thực hiện, không phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là tài sản vi phạm hành chính. Trên thực tế, có nhiều hợp đồng bán rất nhiều lần chưa hết tài sản vì giá cao, phải giảm giá tới vài lần. Có những hợp đồng thực hiện vài tháng, thậm chí có những hợp đồng thực hiện 2 năm chưa xong. Doanh nghiệp bán đấu giá mất rất nhiều chi phí nhưng không được thanh toán bất kỳ chi phí nào ngoài tiền đăng quảng cáo vì đơn vị có tài sản yêu cầu có chứng từ.

Phần thù lao bán đấu giá không nên bao gồm chi phí đăng quảng cáo, chi phí dán niêm yết và chi phí đi lại, tổ chức phiên đấu giá vì phần chi phí này rất lớn. Không nên quy định cứng các chi phí này, mà chủ tài sản sẽ thanh toán theo thực tế phát sinh trên cơ sở các hóa đơn, chứng từ do tổ chức đấu giá tài sản cung cấp.

Thù lao bán đấu giá là do các doanh nghiệp có tài sản bán đấu giá trả, được hạch toán vào giá thành và hoàn toàn phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

Riêng phần thưởng bán vượt được trích từ phần bán vượt giá khởi điểm. Do vậy, khi xây dựng khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản, Bộ Tài chính nên mời đại diện các tổ chức bán đấu giá và đại diện của các tập đoàn, tổng công ty (người có tài sản bán đấu giá) cùng tham gia mới bảo đảm công bằng.

Chuyên đề