Thoái vốn Vinachem: Tâm điểm những lô đất vàng

Các doanh nghiệp mà Vinachem đưa ra thoái vốn hiện có kết quả kinh doanh èo uột nhưng có điểm nhấn ở quỹ đất đang quản lý, sử dụng khá lớn.

Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang đẩy mạnh việc thoái vốn khỏi các đơn vị thành viên. Đây là một trong những câu chuyện được thị trường quan tâm cũng như thu hút được dòng tiền.

Vinachem đã tổ chức đấu giá cổ phần tại Cao Su Đà Nẵng (DRC) và Cao su sao Vàng (SRC). Nếu như phiên bán cổ phần DRC không có nhà đầu tư tham gia thì Vinachem lại bán thành công cổ phần SRC với mức giá rất cao so với giá trên thị trường.

Ngay sau đó, Tập đoàn này cũng nhanh chóng thông báo đấu giá tiếp cổ phần tại 4 doanh nghiệp khác, bao gồm Phân bón Miền Nam (HoSE: SFG), Bột giặt NET (HNX: NET), Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (UPCoM: DCI) và CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng mỏ (Incodemic).

Có thể thấy giá khởi điểm thoái vốn Vinachem đưa ra thường rất cao so với giá trên thị trường chứng khoán. Với riêng trường hợp DCI, giá khởi điểm gấp 40 lần thị giá bởi cổ phiếu này hầu như không có giao dịch trong khi lại chia cổ tức tiền mặt lên đến hàng trăm phần trăm khiến thị giá bị điều chỉnh sâu.

Điểm nhấn những lô đất vàng

Dù đưa ra mức khởi điểm cao gần gấp đôi thị giá nhưng giao dịch thoái vốn tại Cao su Sao Vàng(SRC) vẫn diễn ra thành công, trong đó “đất vàng” là yếu tố thu hút rất lớn của doanh nghiệp.

Cao su Sao Vàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực săm lốp, sở hữu quỹ đất sản xuất kinh doanh, thương mại, khu công nghiệp khá lớn. Doanh nghiệp có đến 212.538m2 đất khu công nghiệp tại KCN Châu Sơn; đất kinh doanh tại Đà Nẵng, Thái Bình, Vĩnh Phúc; đất văn phòng thương mại tại Hà Nội, TP HCM..

Đặc biệt là lô đất vàng 62.438m2 tại số 231 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là khu đất sử dụng làm trụ sở văn phòng và đã có chủ trương xây dựng dự án “Tổ hợp thương mại và Nhà ở Sao Vàng Hoành Sơn”. Đối tác hợp tác đầu tư là Tập đoàn Hoành Sơn sẽ hỗ trợ 435 tỷ đồng để SRC tiến hành di dời nhà máy khỏi khu vực này.

Không quy mô quá lớn như SRC nhưng Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (UPCoM: DCI) cũng sở hữu lượng đất đai hơn 16ha tại khu vực trung tâm Đà Nẵng.

DCI có quyền sử dụng đất lâu dài với diện tích 1.362m2 tại 53 Lê Hồng Phong, quận Hải Châu, đất sản suất kinh doanh 3.805m2 tại Đường Yết Kiêu, quận Sơn Trà và phần diện tích 81.788m2 tại KCN Hoà Khánh, quận Liên Chiểu và 75.272m2 ở Đường số 3 KCN Hòa Khánh.

Bột giặt NET cũng có nhiều đất khu công nghiệp và thương mại dịch vụ. Công ty hiện sử dụng khu đất thương mại 617-629 Bến Bình Đông, Quận 8 TP HCM với tổng diện tích 3.595m2, đất thương mại 4.699m2 tại Km số 1- Đường Phan Trọng Tuệ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ngoài ra, NET còn có 60.000m2 đất thuê tại KCN Lộc An, Bình Dương và 21.197m2 tại KCN Biên Hòa 1.

Với CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng mỏ (Incodemic), doanh nghiệp này đang quản lý các lô đất ở xã Ngũ Hiệp và Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội có tổng diện tích 6.299m2 (trong đó có 4.121m2 là đất cho thuê, còn lại là đất sản xuất kinh doanh). Lô đất sản xuất kinh doanh và cho thuê gần 2.042m2 tại số 38 phố Bích Câu, quận Đống Đa, Hà Nội.

Ngoài ra, Incodemic cũng đang hợp tác đầu tư triển khai dự án xây dựng khu thương mại, dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại lô đất 612-614 Hoàng Hoa Thám, quận Tây Hồ, Hà Nội có diện tích 960m2 với CTCP Hà Nội-ICT.

Hoạt động kinh doanh khó khăn

Quỹ đất lớn của các doanh nghiệp là một điểm sáng hiếm hoi giúp Vinachem có thể thoái vốn thành công trong giai đoạn này. Bởi thị trường chứng khoán hiện tại chưa tích cực, trong khi hoạt động kinh doanh của các công ty thành viên của Vinachem không có nhiều khởi sắc.

Khối cao su với với DRC hay SRC đang ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận. Kết thúc năm 2018, SRC báo lãi sau thuế chỉ 12 tỷ đồng, giảm đến 64% so với 2017 và là năm thứ 3 liên tiếp lợi nhuận giảm. Trong quý I/2019, công ty chỉ có lãi 2,5 tỷ đồng, bằng phân nửa cùng kỳ.

DRC cũng gặp khó khăn khi lợi nhuận năm 2018 chỉ đạt 141 tỷ đồng, chỉ bằng 85% năm 2017 và cũng đã 3 năm giảm lợi nhuận liên tiếp. Lãi quý I/2019 tiếp tục giảm 19% còn gần 17 tỷ đồng.

Lợi nhuận một số doanh nghiệp mà Vinachem thoái vốn.

Không chỉ mảng cao su khó khăn, lợi nhuận của Bột giặt NET đã đi xuống liên tục từ năm 2015 (lãi 87 tỷ) đến 2018 (57 tỷ). Trong quý I/2019, lợi nhuận sau thuế lại tăng 14% lên 15,5 tỷ đồng do yếu tố thuế.

Tương tự cho mảng phân bón khi lợi nhuận của Phân bón miền Nam (SFG) suy giảm 28% còn gần 67 tỷ đồng năm 2018. Quý I/2019, công ty lãi gần 2 tỷ đồng, chỉ bằng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (DCI) hoạt động chính là kinh doanh, xuất nhập khẩu các mặt hàng hoá chất phục vụ công nông nghiệp, tiêu dùng, các loại phân bón, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa... Lợi nhuận của công ty cũng giảm 13% còn hơn 7 tỷ đồng năm 2018.

Chuyên đề