Thiếu hướng dẫn về đấu giá tài sản

(BĐT) - Theo một số cán bộ thực hiện công tác đấu giá tài sản (ĐGTS), Luật ĐGTS ra đời đã góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về hoạt động ĐGTS. Tuy nhiên, cho đến nay, một số quy định trong Luật vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể để thực hiện đồng bộ. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi Luật.
Việc Bộ Tư pháp chưa công bố danh sách các tổ chức đấu giá trong phạm vi cả nước ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn tổ chức đấu giá của người có tài sản bán đấu giá. Ảnh: Lê Tiên
Việc Bộ Tư pháp chưa công bố danh sách các tổ chức đấu giá trong phạm vi cả nước ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn tổ chức đấu giá của người có tài sản bán đấu giá. Ảnh: Lê Tiên

Tính chuyên nghiệp của Hội đồng Đấu giá?

Theo quy định của Luật ĐGTS, cùng với tổ chức bán ĐGTS, Hội đồng ĐGTS được phép thành lập để thực hiện bán ĐGTS thuộc sở hữu của tổ chức có tài sản bán đấu giá mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.

Hội đồng ĐGTS được thành lập trong các trường hợp: Luật quy định việc ĐGTS do Hội đồng ĐGTS thực hiện; không lựa chọn được tổ chức ĐGTS theo quy định tại Điều 56 của Luật ĐGTS. Hội đồng ĐGTS tự giải thể khi kết thúc cuộc đấu giá.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang, Hội đồng ĐGTS được thành lập để thực hiện việc ĐGTS, do đó cũng phải thực hiện đúng các trình tự, thủ tục như các tổ chức bán ĐGTS chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế Hội đồng ĐGTS lại không phải là một tổ chức bán ĐGTS chuyên nghiệp, hoạt động chỉ mang tính sự vụ, kiêm nhiệm, khi xong nhiệm vụ thì giải thể, nên không có kỹ năng hành nghề, không nắm chắc được các quy định về bán ĐGTS, vì vậy dễ vi phạm các quy định của Luật ĐGTS và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Bà Nguyễn Quế Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An thông tin, theo quy định, UBND các huyện đã có đủ điều kiện thành lập Hội đồng Đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đặc biệt. Hội đồng này tự thực hiện các phiên bán ĐGTS, tuy nhiên sự nghiêm túc và hiệu quả lại không cao.

Với riêng tỉnh Nghệ An, bà Quế Anh cho biết, đặc thù là tỉnh có nhiều huyện miền núi, cách xa trung tâm, giá trị tài sản chủ yếu là quyền sử dụng đất thấp, nên việc triển khai các hoạt động bán đấu giá gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc phân bổ đấu giá viên, tổ chức bán ĐGTS không đồng đều giữa các vùng, miền, hiện tập trung chủ yếu tại TP. Vinh khiến nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện việc ký kết hợp đồng bán đấu giá với các doanh nghiệp bán ĐGTS. Do đó, việc để Hội đồng ĐGTS cấp huyện tự thực hiện các phiên bán đấu giá vẫn còn gây nhiều băn khoăn về tính chuyên nghiệp và hiệu quả của việc bán ĐGTS. 

Băn khoăn trong lựa chọn tổ chức bán ĐGTS

Theo ông Ngô Điền Long, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS tỉnh Bình Phước, Điểm đ, Khoản 4 Điều 56 của Luật ĐGTS quy định, lựa chọn tổ chức bán ĐGTS phải “có tên trong danh sách các tổ chức ĐGTS do Bộ Tư pháp công bố”. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tư pháp vẫn chưa công bố danh sách các tổ chức đấu giá trong phạm vi cả nước. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn tổ chức đấu giá của người có tài sản bán đấu giá.

Bên cạnh đó, Điều 56 của Luật ĐGTS quy định: “Người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS về việc lựa chọn tổ chức ĐGTS”. Tuy nhiên, thực tế đến nay vẫn chưa có trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS. “Liệu khi thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá mà không thông báo công khai trên trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS thì có vi phạm quy định của pháp luật?” – ông Long đặt vấn đề.

Việc thông báo lựa chọn tổ chức ĐGTS theo Điều 56, theo ông Long, là cần thiết. Tuy nhiên, đối với những loại tài sản nhỏ, giá trị thấp thì có nhất thiết phải thông báo lựa chọn tổ chức bán ĐGTS hay không? Ông Long nêu băn khoăn và cho rằng, nếu có thông báo thì các tổ chức đấu giá cũng sẽ không gửi hồ sơ tham gia vì mức thù lao đấu giá không đủ chi phí để các tổ chức đấu giá tham gia thực hiện.

Với những bất cập đó, ông Long kiến nghị, cần sớm công bố danh sách các tổ chức đấu giá trong phạm vi cả nước; thành lập trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS. Ngoài ra, đối với những loại tài sản có giá trị dưới 50 triệu đồng nên cho phép người có tài sản tự lựa chọn và ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá với tổ chức bán ĐGTS.

Ở góc nhìn khác, bà Nguyễn Quế Anh nêu thực tế, mặc dù pháp luật đã quy định việc lựa chọn các tổ chức đấu giá có thể thông qua hình thức đấu thầu, nhưng pháp luật lại chưa quy định các tiêu chí cụ thể để làm cơ sở cho việc lựa chọn. Vì vậy, một số UBND cấp huyện lựa chọn các tổ chức bán đấu giá chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, không tạo được sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp với nhau.

Chuyên đề