Nhà máy thép nghìn tỷ được đem đấu giá hơn 100 tỷ

Hơn 8 năm qua, công trình xây dựng nhà máy thép bỏ hoang trên khu đất ngã ba Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) dự kiến ngày 26/4 sẽ đấu giá tài sản nhà máy thép Vạn Lợi, giá khởi điểm gần 109 tỷ đồng theo đề nghị của các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn.

Theo hồ sơ, dự án nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi có diện tích đất gần 26 ha tại phường Kỳ Thịnh (thị xã Kỳ Anh), được Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cấp giấy phép từ tháng 6/2007, tổng vốn công bố là hơn 1.700 tỷ đồng (gồm vốn của doanh nghiệp và vốn vay).

Ngoài chủ đầu tư là Công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh, dự án còn có hai cổ đông chính là Công ty Vạn Lợi và Công ty đầu tư khoáng sản Hợp Thành (đều có trụ sở ở Hà Nội). Mục tiêu đặt ra là đến tháng 8/2010, nhà máy sẽ xuất xưởng tấn phôi thép thương phẩm đầu tiên.

Hiện trạng nhà máy thép Vạn Lợi. 

Giai đoạn 2007-2010, khi dự án đang thi công dở dang một số hạng mục thì đình trệ; cơ sở hạ tầng, máy móc bị "bỏ quên" với lý do thiếu vốn từ chủ đầu tư. Doanh nghiệp sau đó làm việc với ba ngân hàng có chi nhánh tại địa phương, vay hơn 700 tỷ đồng để "cứu vãn".

Từ khi được các ngân hàng rót vốn, dự án vẫn không có thêm tiến triển đáng kể. Ngày 19/5/2015, tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án.

Hơn 8 năm qua, công trình để không trên khu đất ngã ba Vũng Áng; máy móc, thiết bị rỉ sét, chỉ còn trơ bộ khung, xung quanh cỏ dại mọc um tùm.

Do chủ đầu tư không có khả năng trả nợ, cuối năm 2018, Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh phối hợp với các đơn vị liên quan cưỡng chế, kê biên toàn bộ tài sản, công trình phục vụ cho việc xây dựng nhà máy thép để phát mại, trả lại tiền cho các ngân hàng.

Các khấu kiện bên trong hư hỏng, rỉ sét.

Nhà chức trách sau đó ký hợp đồng với một đơn vị định giá toàn bộ tài sản của nhà máy thép gần 109 tỷ đồng, gồm thiết bị, máy móc nhập khẩu phục vụ cho vậy xây dựng khu liên hợp gang thép, tài sản công trình gắn liền với quyền sử dụng đất.

"Sau khi dự án bị thu hồi, tài sản bên trong nhà máy là của ngân hàng. Để vớt vát lại, nhà băng phải phối hợp với các cơ quan nhà nước đấu giá, đem bán lấy tiền về chia nhau", đại diện một ngân hàng chia sẻ.

Ông Đặng Văn Thành, Phó ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết, khu đất xây nhà máy thép Vạn Lợi thuộc quản lý của Trung tâm xúc tiến đầu tư. Sau khi các bên liên quan hoàn tất thủ tục thanh lý, trả lại mặt bằng sạch, nếu đối tác nào có nguyện vọng vào đây thì cơ quan chức năng sẽ xem xét.

Chuyên đề