Nhà máy Bột giấy Phương Nam nợ như chúa Chổm

Rao không người hỏi, bán chẳng ai mua, thế nhưng việc trả nợ của Nhà máy Bột giấy Phương Nam lại chỉ có thể được thực hiện khi việc đấu giá, bán toàn bộ dự án hoàn thành. Tổng số nợ của dự án này tại thời điểm rao bán vào khoảng 2.700 tỷ đồng.
Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã có tổng số nợ lên tới gần 2.700 tỷ đồng
Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã có tổng số nợ lên tới gần 2.700 tỷ đồng

Trên thực tế, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Vinapaco) đã không trả được nợ ngay từ kỳ đầu tiên và quỹ tích lũy trả nợ đã phải ứng cho dự án vay từ năm 2008 đến nay.

Tính đến cuối tháng 3/2017, Quỹ đã ứng cho Vinapaco vay để trả nợ khoản vay nước ngoài có bảo lãnh chính phủ vào khoảng hơn 75 triêu EUR, gồm cả tiền gốc, lãi và các khoản chi phí khác. Phía Tổng công ty Giấy đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ứng vốn để được trả các khoản vay gốc, lãi cho tổ chức tín dụng. Căn cứ trên đề nghị này, đầu tháng 5/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét cho phép cơ quan này được ứng trả thay các khoản nợ đến hạn.

Bộ Công Thương cũng cho rằng khả năng trả nợ và phương án trả nợ đối với các khoản vay của Bột giấy Phương Nam hiện cực kỳ khó khăn. Thêm nữa, việc trả nợ này cũng chỉ có thể thực hiện được khi việc bán đấu giá toàn bộ dự án này hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Các bộ ngành nhìn nhận, nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ và nằm đắp chiếu 15 năm nay, Phương Nam cần phải bán đấu giá để trả các khoản nợ ngập đầu. Thế nhưng, trả nợ khó, việc bán mình để trả nợ cũng khó khăn không kém. Cụ thể Phương Nam đã tổ chức bán đấu giá 3 lần nhưng vẫn không có nhà đầu tư nào muốn mua... Chính vì thế, để thanh lý được dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho phép giảm giá khởi điểm 10% để tiếp tục tổ chức đấu giá.

Cụ thể, sau 3 lần tổ chức bán đấu giá dự này nhưng không thành công, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cho phép giảm giá khởi điểm 10% để tiếp tục tổ chức đấu giá, số lần giảm tối đa không quá hai lần. Trường hợp sau hai lần giảm giá mà việc tổ chức bán đấu giá vẫn không thành công, Bộ Công Thương đề nghị cho phép Tổng công ty Giấy Việt Nam tổ chức định giá từng phần của dự án để tiếp tục tổ chức bán đấu giá dự án, báo cáo Chính phủ.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, năm 2017, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam tiến hành đấu giá dự án nhà máy bột giấy Phương Nam 3 lần.

Lần đầu tiên là từ ngày 12 - 14/7/2017. Lần thứ hai, từ ngày 20/7 đến 9/8/2017, gia hạn thêm 15 ngày; và lần thứ ba là từ ngày 23/8 đến ngày 22/9/2017 (gia hạn thêm 30 ngày). Tuy nhiên, các lần tổ chức bán đấu giá trên đã không thành công do không có nhà đầu tư tham gia đấu giá.

Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi) làm chủ đầu tư được khởi công năm 2004, tuy nhiên đến tháng 6/2008 thì dừng thi công do thiếu vốn.

Tháng 6/2009, dự án được chuyển giao từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam. Sau khi tiếp nhận, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã tiến hành lập báo cáo điều chỉnh tăng vốn lên 3.409,9 tỷ đồng.

Sau đó, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã đưa dây chuyền vào chạy thử. Tuy nhiên, khi chạy thử, dây chuyền gặp sự cố, do đó, từ tháng 10/2012 đến nay, dự án dừng hoạt động.

Theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2015, tổng chi phí đầu tư vào dự án là 2.636 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2016, tính cả lãi suất phải trả, tổng nợ phải trả lên tới 2.695 tỷ đồng.

Chuyên đề