Nghịch lý máy bay triệu đô, tàu nghìn tỷ bán giá... sắt vụn!

Việc thanh lý những lô hàng tiền tỷ cũ nát đương nhiên không hề đơn giản. Bằng chứng là chiếc Boeing 727 bị “bỏ rơi” 10 năm ở sân bay Nội Bài hiện không thể định giá, trong khi hơn 100 đoàn tàu hỏa được ngành đường sắt rao bán với giá sắt vụn cũng không ai mặn mà hỏi mua...

 

Chiếc Boeing 727-200 bị "bỏ rơi" ở Nội Bài 10 năm qua
Chiếc Boeing 727-200 bị "bỏ rơi" ở Nội Bài 10 năm qua

Bỏ máy bay như bỏ... rác!

Chiếc Boeing B727-200 mang số hiệu đăng ký XU-RKJ, từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines - Campuchia. Sau khi khai thác được vài chuyến bay trên chặng Siêm Riệp - Hà Nội, chiếc máy bay gặp sự cố kỹ thuật và ngừng bay, đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007.

Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia khẳng định, giấy chứng nhận người khai thác tàu bay của Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi, đồng nghĩa với việc máy bay B727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Cơ quan này đề nghị Việt Nam xử lý chiếc Boeing 727 theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Chính phủ về việc xác lập quyền sở hữu Nhà nước và phương án xử lý chiếc Boeing 727-200, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc bán đấu giá tài sản.

Đáng nói, sau gần 1 năm khảo sát và lên các phương án nhằm thanh lý chiếc máy bay, mới đây công ty thẩm định giá đã tuyên bố “chào thua” vì không có đủ hồ sơ, tài liệu để định giá chiếc máy bay này. Hơn nữa, việc thanh lý máy bay ở Việt Nam chưa có tiền lệ nên gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Lương Hoài Nam - Tiến sĩ kinh tế hàng không - cho rằng: “Chiếc Boeing 727 nằm ở sân bay Nội Bài 10 năm qua đến nay chỉ có giá trị như... sắt vụn. Nếu chiếc máy bay còn giá trị kinh tế thì chủ sở hữu trước đó đã đem chiếc máy bay đi chứ không bỏ lại tại Nội Bài”.

Cũng theo chuyên gia Lương Hoài Nam, việc bỏ lại chiếc máy bay không còn giá trị kinh tế tại Nội Bài không khác gì việc “đổ rác sang nhà người khác”. Khi giá trị máy bay chỉ như sắt vụn thì khó nói số tiền thu được là bao nhiêu khi bán đấu giá.

Được biết, dòng máy bay B727-200 do nhà chế tạo Boeing sản xuất ra từ những năm 1960 với mức giá ước khoảng 30 triệu USD. Dòng máy bay này đã ngừng sản xuất từ lâu và hiện trên thế giới các hãng hàng không không còn khai thác loại máy bay này.

Học viện Hàng không Việt Nam đã nhiều lần ngỏ ý “xin” chiếc máy bay Boeing 727 để làm giáo cụ. Mới đây, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cũng có văn bản “xin” chiếc máy bay này phục vụ công tác diễn tập cứu hộ, phòng cháy chữa cháy, dụng cụ huấn luyện…

Chật vật thanh lý hơn 100 toa tàu

Hồi giữa năm nay, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) nỗ lực xúc tiến các thủ tục để bán đấu giá công khai lô 134 toa xe các loại. Đây là các toa xe thanh lý đều có tuổi thọ hàng chục năm, lạc hậu và hiệu quả vận dụng rất thấp, nhất là các toa xe hàng.

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Haraco cho biết đã đánh tiếng bán các toa tàu từ lâu nhưng không có ai hỏi mua. Điều này cũng dễ hiểu bởi những toa xe này không thể sử dụng được vào việc gì, làm ăn kinh doanh càng không thể. Haraco thậm chí còn tính bán cân theo giá sắt vụ, nhưng cũng không ai mặn mà.

134 toa tàu hàng của ngành đường sắt sau một thời gian "chật vật" thanh lý được hơn 13 tỷ đồng

Do tính chất và giá trị sử dụng của các toa xe không còn, vì thế Haraco lựa chọn bán đấu giá theo lô, hay nói cách khác là bán theo “mớ”. Sau khi đưa lên sàn, lô tàu hàng 134 toa cũ của Haraco đã được bán với giá hơn 13 tỷ đồng.

Vào năm 2016, Haraco cũng thanh lý lô 150 toa xe, trong số đó có đến 130 toa xe hàng đã qua sử dụng từ 30 - 55 năm. Số tiền đơn vị này thu về chỉ được gần 7 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm rằng, giá đóng mới toa xe của ngành đường sắt có nhiều mức giá. Với tàu hàng, toa xe đóng mới dao động từ 700-800 triệu đồng, trong khi đó toa xe tàu khách có giá từ 8-11 tỷ đồng.

Ụ nổi trăm tỷ, tàu biển “khủng” rẻ như bèo

Năm 2016, chiếc ụ nổi tai tiếng 83M của Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY, Công ty con của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)) - đã bán thành công với giá 38,535 tỷ đồng.

Ụ nổi 83M được Vinalines đầu tư năm 2008 và góp vốn vào VNLSY, tổng nguyên giá tạm tính khi bàn giao cho VNLSY là hơn 462 tỷ đồng, sau đó chiếc ụ nổi này được… “đắp chiếu” tại cảng Gò Dầu B, tỉnh Đồng Nai. Đây là vật chứng trong vụ án xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm mua “sắt vụn” triệu đô, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 366 tỷ đồng.

Chiếc ụ nổi 83M được thanh lý với giá đồng nát, gây thiệt hại cho Nhà nước 366 tỷ đồng.

Sau “thành công” của thương vụ thanh lý ụ nổi, cuối năm 2016, Vinalines tiếp tục rao bán đồng nát 6 con tàu “khủng” là Vinalines Global, Vinalines Trader, Vinalines Fortuna, Vinalines Star, Vinalines Ocean, Vinalines Ruby.

Theo Vinalines, cước vận tải biển giảm liên tục nên các tàu này hầu hết không hoạt động được. Nghịch lý là khi hạch toán sổ sách tính khấu hao thì những con tàu này bị giảm giá rất lớn, vì thế Vinalines xin bán tàu nhằm cắt lỗ.

Với mức đầu tư lên tới 4.386 tỷ đồng, 6 con tàu này từng được kỳ vọng làm thay đổi diện mạo, năng lực của “anh cả đỏ” trong lĩnh vực vận tải biển, đồng thời mang lại cú hích cho ngành đóng tàu.

Tuy nhiên, kể từ sau các lễ đặt ký được tổ chức hoành tráng trong giai đoạn 2008 - 2010, số phận của các con tàu này bắt đầu "rơi vào bế tắc". Vinalines đã ra giá "bán tống bán tháo" mỗi con tàu chỉ với giá 34,4 tỷ đồng song đến thời điểm này vẫn chưa bán được con tàu nào.

Chuyên đề