Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đấu giá

(BĐT) - Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, đây sẽ là dấu mốc để các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực bán ĐGTS quy về một mối, chỉ hoạt động với tư cách là DN tư nhân hoặc công ty hợp danh. 
Doanh nghiệp đấu giá sẽ phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với hoạt động của mình. Ảnh: Minh Họa
Doanh nghiệp đấu giá sẽ phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với hoạt động của mình. Ảnh: Minh Họa

Các chuyên gia cho rằng, với 2 loại hình này, DN ĐGTS sẽ phải tự nâng cao trách nhiệm của mình trong quá trình hành nghề.

Nâng cao trách nhiệm pháp lý

Theo quy định của Luật ĐGTS, các tổ chức ĐGTS là các Trung tâm Dịch vụ ĐGTS do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập; là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ ĐGTS là đấu giá viên. DN ĐGTS được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức DN tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của Luật ĐGTS và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với DN ĐGTS, Luật quy định phải thực hiện việc gửi một bộ hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động ĐGTS đến Sở Tư pháp nơi DN đặt trụ sở để đăng ký hoạt động. DN ĐGTS được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.

Theo bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp, quy định nêu trên trước hết xuất phát từ tính chất của hoạt động ĐGTS liên quan đến tiền, tài sản của bên thứ ba và theo quy định của Luật Đầu tư, ĐGTS là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, DN đấu giá tư nhân hoặc công ty hợp danh là các tổ chức kinh tế sẽ phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với hoạt động của mình. Điều này góp phần nâng cao trách nhiệm pháp lý của DN đấu giá trong hành nghề, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người có tài sản, người tham gia đấu giá, đồng thời đảm bảo tính chuyên nghiệp về tổ chức và hoạt động của DN ĐGTS.

Mặt khác, theo bà Yến, hình thức DN ĐGTS là DN tư nhân hoặc công ty hợp danh cũng tương thích với hình thức tổ chức hành nghề trong một số lĩnh vực hành nghề bổ trợ tư pháp khác có tính chất tương tự như quản tài viên, công chứng viên đã được Luật Phá sản, Luật Công chứng quy định.

Đồng thuận quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, Luật ĐGTS quy định DN ĐGTS chỉ được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức DN tư nhân và công ty hợp danh là nhằm bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của DN đấu giá và đấu giá viên đối với Nhà nước và khách hàng. Về nguyên tắc, DN ĐGTS không được đồng thời kinh doanh các ngành nghề khác, trừ các hoạt động có liên quan đến ĐGTS được Luật quy định. Nguyên tắc này đã được thể chế hóa tại Khoản 2 Điều 23 của Luật với quy định, tên của DN đấu giá tư nhân do chủ DN lựa chọn, tên của công ty đấu giá hợp danh do các thành viên thỏa thuận lựa chọn và theo quy định của Luật DN, nhưng phải bao gồm cụm từ “DN đấu giá tư nhân” hoặc “công ty đấu giá hợp danh”. 

Thách thức trong giai đoạn “chuyển giao”

Doanh nghiệp đấu giá tài sản không được đồng thời kinh doanh các ngành nghề khác, trừ các hoạt động có liên quan đến đấu giá tài sản được Luật quy định.
Khi tiến hành sơ kết 4 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP để chuẩn bị xây dựng Dự thảo Luật ĐGTS, Bộ Tư pháp đã chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế của các tổ chức bán ĐGTS, trong đó nhấn mạnh đến sự thiếu tính chuyên nghiệp, quy mô nhỏ, manh mún, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, trình độ quản lý còn bất cập.

Cùng với đó, thực tế hoạt động đã xuất hiện tình trạng “cạnh tranh” không lành mạnh giữa các tổ chức bán ĐGTS. Một số tổ chức bán đấu giá không tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục bán đấu giá, trích lại phần trăm phí cho cơ quan, đơn vị có tài sản bán đấu giá để thu hút sử dụng dịch vụ của tổ chức mình. Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển lành mạnh của hoạt động bán ĐGTS. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu Luật ĐGTS cần phải nâng cao trách nhiệm của các tổ chức bán ĐGTS này.

Theo lãnh đạo một DN ĐGTS, khi Luật ĐGTS đang ở thời điểm “chuyển giao” chờ có hiệu lực, thực tiễn đang đặt ra thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý các tổ chức bán ĐGTS chưa là DN tư nhân hoặc công ty hợp danh. Thời điểm này, nếu để DN “làm bậy” trục lợi rồi giải thể thì sẽ gây thiệt hại cho Nhà nước và người tham gia đấu giá.

Khi Luật ĐGTS chính thức được Quốc hội thông qua, Luật gia Minh Hương cho rằng, Sở Tư pháp sẽ là cơ quan tham mưu, trình UBND cấp tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật ĐGTS. Trong đó, rà soát các tổ chức, DN ĐGTS, chi nhánh DN ĐGTS trên địa bàn và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khác để thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật ĐGTS.

Với những DN không đáp ứng quy định, Luật gia Minh Hương thông tin, Luật cũng đã quy định các trường hợp DN ĐGTS bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. Sở Tư pháp nơi DN đăng ký hoạt động ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của DN và công bố thông tin về việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của DN ĐGTS trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp; thông báo bằng văn bản đến cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan kế hoạch và đầu tư nơi DN đăng ký hoạt động và báo cáo Bộ Tư pháp.

Chuyên đề