Luật Đấu giá tài sản: Chậm hướng dẫn, thực thi thiếu minh bạch

(BĐT) - Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) đã có hiệu lực được hơn 2 năm, nhưng nhiều nội dung quan trọng được quy định trong Luật đến nay vẫn chưa được thực hiện như: Bộ Tư pháp chưa công bố danh sách các tổ chức ĐGTS; chưa có trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS… Sự chậm trễ triển khai các nội dung này làm cho quá trình thực thi Luật ĐGTS còn thiếu minh bạch.
Tới đầu tháng 8/2019, cả nước có 61 trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và 324 doanh nghiệp đấu giá tư nhân hoặc công ty đấu giá hợp danh. Ảnh: Bùi Tuấn Linh
Tới đầu tháng 8/2019, cả nước có 61 trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và 324 doanh nghiệp đấu giá tư nhân hoặc công ty đấu giá hợp danh. Ảnh: Bùi Tuấn Linh

Chưa có danh sách tổ chức đấu giá tài sản

Đến thời điểm này, thời hạn để các doanh nghiệp (DN) ĐGTS thực hiện chuyển đổi hoạt động theo quy định tại Khoản 2 Điều 80 Luật ĐGTS đã hết. Theo cập nhật của Bộ Tư pháp, tính đến 1/7/2019 (thời hạn cuối cùng để các DN thực hiện chuyển đổi), trên địa bàn cả nước có 61 trung tâm dịch vụ ĐGTS và 221 DN đấu giá dưới hình thức DN đấu giá tư nhân hoặc công ty đấu giá hợp danh. Cập nhật tới đầu tháng 8/2019, cả nước có 61 trung tâm dịch vụ ĐGTS và 324 DN đấu giá tư nhân hoặc công ty đấu giá hợp danh.

Theo quy định của Luật ĐGTS có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, Bộ Tư pháp phải công bố danh sách các tổ chức ĐGTS để làm cơ sở pháp lý, tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS. Song danh sách này hiện vẫn chưa được Bộ Tư pháp công bố chính thức.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, danh sách tổ chức ĐGTS đang được Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp đăng tải công khai không phải là danh sách chính thức theo quy định tại Điểm đ Khoản 4 Điều 56 Luật ĐGTS. Danh sách chính thức vẫn đang được cơ quan soạn thảo xây dựng, cập nhật. Danh sách các tổ chức ĐGTS do Bộ Tư pháp công bố chỉ có tính pháp lý khi được ban hành kèm theo Quyết định của Bộ Tư pháp. Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, Quyết định công bố danh sách tổ chức ĐGTS của Bộ Tư pháp vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, chờ ban hành.

Trong thời gian chờ ban hành danh sách chính thức, 2 năm nay, Bộ Tư pháp vẫn chỉ hướng dẫn pháp luật về nội dung này theo hướng lựa chọn tổ chức ĐGTS có tên trong danh sách do sở tư pháp các địa phương công bố.

Liên quan tới danh sách này, một đấu giá viên cho biết, hiện các sở tư pháp mới chỉ cập nhật danh sách và đăng lên cổng thông tin của sở nên việc cập nhật, bổ sung thêm tổ chức ĐGTS tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, đối với danh sách được Bộ Tư pháp ban hành kèm theo quyết định công bố thì việc cập nhật, bổ sung sẽ không còn dễ dàng như vậy nữa. Đấu giá viên này đặt vấn đề, sau khi danh sách tổ chức ĐGTS được Bộ Tư pháp công bố, việc cập nhật, bổ sung các tổ chức ĐGTS vào danh sách sẽ được thực hiện như thế nào, quy trình ra sao để đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức ĐGTS hành nghề mới thành lập hoặc thay đổi hoạt động theo đúng quy định của pháp luật? 

Công bố thông tin đấu giá tài sản ở đâu?

Ngay từ khi Luật ĐGTS ra đời, hoạt động ĐGTS được kỳ vọng sẽ công khai, minh bạch hơn rất nhiều so với trước đây nhờ có trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS. Trang thông tin điện tử này sẽ là nơi đăng tải chính thức, tập trung thông báo lựa chọn tổ chức ĐGTS, thông báo công khai việc ĐGTS.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Bộ Tư pháp chưa có trang thông tin điện tử chuyên ngành. Sự chậm trễ này dẫn đến rất nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai Luật ĐGTS với các tình huống pháp lý được nhiều tổ chức ĐGTS, đấu giá viên đặt ra.

Đơn cử, nếu người có tài sản chỉ đăng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tại trang thông tin điện tử của đơn vị mình thì có được không? Trong trường hợp người có tài sản không có trang thông tin điện tử thì việc công khai thông tin sẽ thực hiện như thế nào để đáp ứng đúng quy định của pháp luật?

Ngoài ra, quy định hiện hành không nêu rõ thời gian đăng thông tin và nhận hồ sơ lựa chọn tổ chức ĐGTS tối thiểu bao nhiêu ngày là đúng quy định? Thực tế, một DN đấu giá phản ánh, có trường hợp người có tài sản đấu giá thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá trong thời gian quá ngắn khiến tổ chức đấu giá không đủ thời gian để chuẩn bị hồ sơ tham gia.

Tại cuộc họp vào tháng 6/2019 tại Bộ Tư pháp bàn về việc xây dựng trang thông tin điện tử chuyên ngành ĐGTS, đại diện Cục Bổ trợ tư pháp thông tin, một trong những khó khăn khi xây dựng trang thông tin là số lượng các thông báo lựa chọn tổ chức ĐGTS và thông báo công khai việc ĐGTS là rất lớn (trong phạm vi cả nước), có tính chất thường xuyên, liên tục theo giờ, ngày. Với cường độ như vậy, việc xây dựng trang thông tin phải đặc biệt chú ý tới hệ quả pháp lý của việc đăng thông tin trùng lặp, không chính xác có thể dẫn đến việc xử phạt đối với các tổ chức ĐGTS, hủy kết quả ĐGTS.

Tại cuộc họp trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, trang thông tin điện tử chuyên ngành phải đảm bảo tốt công tác quản lý nhà nước trong hoạt động ĐGTS, kiểm soát được các thông tin đăng tải, tránh tình trạng đăng không đủ thông tin hoặc đăng rồi lại sửa. Đối với vấn đề thu phí, do đây là một trong những kênh công bố công khai các thông tin ĐGTS nên việc thu phí sẽ phải có lộ trình cụ thể và phải có ý kiến của Bộ Tài chính. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, phải cố gắng trong quý III/2019 đưa trang thông tin vào vận hành.

Chuyên đề