Khoảng trống pháp lý trong đấu giá tài sản

(BĐT) - Kể từ khi ban hành Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) năm 2016, một số văn bản hướng dẫn Luật đã được xây dựng và ban hành. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động đấu giá đang phát sinh nhiều vấn đề không được quy định trong Luật với nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn tới việc xử lý chưa bảo đảm được quyền lợi của các bên liên quan.
Bộ Tư pháp có hướng dẫn tạm thời để người có tài sản, tổ chức bán đấu giá tài sản thực hiện sao cho đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Ảnh: NC st
Bộ Tư pháp có hướng dẫn tạm thời để người có tài sản, tổ chức bán đấu giá tài sản thực hiện sao cho đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Ảnh: NC st

Tổ chức bán đấu giá tài sản có được liên danh?

Trong buổi trao đổi về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức bán ĐGTS trên địa bàn TP. Hà Nội với sự tham gia của đại diện Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) do Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức, các tổ chức bán ĐGTS đã nêu ra những ví dụ thực tiễn. Một trung tâm phát triển quỹ đất tại địa phương đã tiến hành đấu thầu lựa chọn tổ chức bán ĐGTS để thực hiện bán tài sản. Có 2 doanh nghiệp (DN) liên danh với nhau để nộp hồ sơ tham gia. Liên danh này gồm 1 DN đăng ký hoạt động đấu giá tại Sở Tư pháp và 1 DN đăng ký hoạt động tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Như vậy, việc trung tâm phát triển quỹ đất lựa chọn liên danh này để thực hiện bán ĐGTS có phù hợp với quy định của Luật ĐGTS không?

Ông Lê Văn Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý ĐGTS, trọng tài, hòa giải thương mại thuộc Cục Bổ trợ tư pháp cho rằng, liên danh này không hình thành một pháp nhân mà chỉ được các bên thỏa thuận với nhau bằng văn bản liên danh. Do đó, liên danh này không phải tổ chức đấu giá nên sẽ không được chấp nhận và không được lựa chọn thực hiện bán ĐGTS vì chủ thể liên danh không phù hợp với quy định của Luật ĐGTS, ông Tuấn nhấn mạnh quan điểm.

Trường hợp DN đấu giá nộp hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức ĐGTS và được lựa chọn, khi đó DN đấu giá này mới thỏa thuận với một DN khác cùng thực hiện tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự, thì DN đấu giá phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động đấu giá. 

Đối với trường hợp 2 DN đều là DN đấu giá được đăng ký thành lập tại Sở Tư pháp thì hiện Bộ Tư pháp chưa có hướng dẫn pháp luật cho trường hợp này. Ông Tuấn cho biết, Cục Bổ trợ tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, xin ý kiến của một số cơ quan có thẩm quyền để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ có câu trả lời thống nhất, hướng dẫn các đơn vị thực hiện. 

Trường hợp chỉ có 1 người tham gia đấu giá

Theo một DN đấu giá, trường hợp không có người tham gia đấu giá thì Luật ĐGTS quy định đó là cuộc đấu giá không thành và được tiến hành bán ĐGTS lần 2, giảm giá khởi điểm theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Nhưng với trường hợp đấu giá lần 1 chỉ có 1 người đăng ký hoặc 1 người trả giá thì Luật ĐGTS đối với nhiều loại tài sản lại chưa quy định rõ ràng là cuộc đấu giá có thành hay không. Quy định của pháp luật hiện hành thì không áp dụng đấu giá khi chỉ có 1 người tham gia đối với tài sản là quyền sử dụng đất.

Ông Lê Văn Tuấn cho rằng, Thông tư 48/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017 quy định chế độ tài chính trong hoạt động ĐGTS, trường hợp cuộc đấu giá quyền sử dụng đất không thành, tổ chức đấu giá không được thanh toán thù lao dịch vụ đấu giá, chỉ được thanh toán các khoản chi phí thực tế hợp lý đã chi cho cuộc đấu giá quyền sử dụng đất; mức thanh toán tối đa không được vượt quá mức thù lao dịch vụ đấu giá theo quy định của Bộ Tài chính về khung thù lao dịch vụ ĐGTS.

Trong trường hợp có 1 người đăng ký hoặc 1 người tham gia cuộc đấu giá hoặc 1 người trả giá, để đảm bảo quyền lợi của DN ĐGTS, Cục Bổ trợ tư pháp hướng dẫn là DN ĐGTS vẫn phải dừng cuộc đấu giá để không vi phạm quy định tại Điều 49 Luật ĐGTS.

Tuy nhiên, việc phải giảm giá khi tiến hành bán ĐGTS lần 2 trong trường hợp này, theo ông Lê Văn Tuấn, là vô lý. Bởi, tại lần đấu giá đầu tiên, đã có người trả giá bằng giá khởi điểm, nhưng do quy định, DN ĐGTS phải dừng bán, nên việc bán với giá thấp hơn là không hợp lý.

Trong trường hợp này, vì cuộc đấu giá không thuộc trường hợp không thành (vì vẫn có 1 người đăng ký, tham gia hoặc trả giá) nên DN ĐGTS không giảm giá khởi điểm khi đấu giá lần 2. Khi tiến hành bán lại lần 2, DN ĐGTS và người có tài sản phải có thỏa thuận rõ trong hợp đồng dịch vụ là nếu bán lần 2 thành công thì thanh toán thù lao cho DN ĐGTS; nếu không thành thì thanh toán chi phí thực tế cho cả 2 lần bán.

Do chưa có quy định cụ thể cho vấn đề này nên Bộ Tư pháp có hướng dẫn tạm thời để người có tài sản, tổ chức bán ĐGTS thực hiện sao cho đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, ông Lê Văn Tuấn nói.

Chuyên đề